Tín dụng chính sách tiếp sức giúp người nghèo vươn lên

PV.

Thông qua mạng lưới tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước đang đưa dòng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tiếp sức cho hàng triệu hộ nghèo, cận nghèo vươn lên ổn định đời sống, phát triển kinh tế và góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nguồn vốn chính sách giúp người dân phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn chính sách giúp người dân phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống.

Dòng vốn ưu đãi tiếp sức cho người dân thoát nghèo

Một trong những công cụ được Ngân hàng Nhà nước phát huy hiệu quả chính là tín dụng chính sách xã hội, chủ yếu qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là kênh tín dụng đặc thù, với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp cận của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách hướng tới các đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý II/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 310 nghìn tỷ đồng, với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Riêng trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống đã giải ngân trên 45 nghìn tỷ đồng cho hơn 950 nghìn lượt hộ vay, tập trung chủ yếu vào các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vay vốn học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm, ổn định đời sống và giảm nghèo bền vững. Thống kê cho thấy, mỗi năm nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp khoảng 400 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 200 nghìn lao động; giúp hơn 60 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng hàng trăm nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu vực nông thôn.

Sự gắn kết giữa tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả rõ nét. Thông qua các khoản vay ưu đãi, các địa phương có thêm nguồn lực để phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất và đời sống cho người dân.

Từ chính sách đến hiệu quả thực tiễn

Hiệu quả của tín dụng chính sách chỉ thực sự bền vững khi dòng vốn đến đúng người cần và được sử dụng đúng mục đích. Với tinh thần đó, các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… để thực hiện ủy thác cho vay, giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn và kiểm tra việc trả nợ.

Mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn được triển khai rộng rãi tại các thôn, bản không chỉ giúp ngân hàng tiếp cận người dân sâu sát hơn mà còn tạo không gian chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, nâng cao nhận thức tài chính và ý thức trả nợ trong cộng đồng. Đây được xem là một mắt xích quan trọng góp phần đảm bảo hiệu quả bền vững của tín dụng chính sách xã hội.

Thực tiễn tại nhiều địa phương đã cho thấy, vai trò thiết thực và lâu dài của tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Không chỉ hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước mắt, nguồn vốn ưu đãi còn tạo động lực mạnh mẽ để người dân chủ động đầu tư sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập và từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống.

Tại Lào Cai - một trong những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ trên 35% (năm 2016) xuống dưới 15% vào cuối năm 2024. Nhiều xã vùng cao đã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Hàng nghìn hộ dân được tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ phù hợp với điều kiện địa phương.

Thành công này cho thấy, tín dụng chính sách không chỉ là công cụ hỗ trợ tài chính, mà còn là động lực lan tỏa niềm tin, khơi dậy tinh thần vượt khó, giúp người dân miền núi từng bước thoát nghèo bền vững và tiến tới phát triển toàn diện.

Tại tỉnh Tuyên Quang, các mô hình tổ vay vốn, phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và đoàn thể cũng đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Sự minh bạch, sát sao trong từng khoản vay giúp nâng cao niềm tin của người dân, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục tiêu.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp với đặc thù từng địa phương, từng nhóm đối tượng; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và phòng ngừa việc trục lợi chính sách. Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các chương trình mục tiêu quốc gia, định hướng dòng vốn tín dụng phục vụ tốt hơn cho mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo và phát triển bền vững.