Sửa đổi Luật Kế toán đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn thực hiện

PV. (t/h)

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Luật Kế toán năm 2015 đã phát sinh các vướng mắc nhất định cần phải nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như thực tiễn thực hiện

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đã tiếp cận hơn các nguyên tắc, thông lệ chung về kế toán, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh khung pháp lý đầy đủ về kế toán theo hướng tiếp cận hơn các thông lệ quốc tế, tổ chức triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc và các địa phương, tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Bên cạnh đó, Luật cũng hỗ trợ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện công tác kế toán hiệu quả, thuận lợi và phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đã phát sinh các vướng mắc nhất định cần phải nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như thực tiễn thực hiện. Việc sửa đổi Luật sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán, đạt mục tiêu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường; hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của các đơn vị có quy mô lớn; phòng chống rửa tiền...

Thực tế cho thấy, một số vướng mắc và yêu cầu cần giải quyết trong thực tiễn như sau: Sự cần thiết và yêu cầu áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán (IFRS) tại một số doanh nghiệp và việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam; Yêu cầu hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; Yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tăng cường tính hiệu lực hiệu quả và năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán; Yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán, phòng chống tham nhũng ngay tại đơn vị; Yêu cầu hoàn thiện một số quy định để đảm bảo nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.

Trên cơ sở những hạn chế, vướng mắc này, Bộ Tài chính đã đề xuất các nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, về việc áp dụng IFRS và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam, Dự thảo Luật sửa đổi làm rõ khái niệm Chuẩn mực về kế toán gồm Chuẩn mực quốc tế và Chuẩn mực Việt Nam, trong đó Chuẩn mực quốc tế về kế toán là chuẩn mực do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế ban hành; Giao Bộ Tài chính quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi, thể thức và và các nội dung khác liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán tại Việt Nam theo lộ trình phù hợp.

Thứ hai, về hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; Giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; Đơn giản nội dung chứng từ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; Hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; Nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của các đơn vị có quy mô lớn.

Theo đó, cho phép các tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài thì chỉ phải dịch ra tiếng Việt khi công bố ra bên ngoài theo quy định của pháp luật hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Cho phép trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian không quá 3 tháng thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải không quá 15 tháng.

Đề xuất sửa khoản 1 Điều 16 Luật Kế toán theo hướng không yêu cầu địa chỉ của khách hàng là nội dung bắt buộc trên chứng từ kế toán (bỏ quy định tại điểm d Điều 16). Bổ sung thêm quy định chứng từ điện tử có thể được xác nhận bằng các phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật (trong trường hợp không sử dụng chữ ký) để phù hợp với thực tiễn giao dịch hiện nay (Giao dịch thương mại điện tử, ngân hàng số) và phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và quy định pháp luật khác để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại đơn vị. Theo đó, sửa đổi tên Điều 19 “Ký chứng từ kế toán” thành “Ký và xác nhận chứng từ kế toán” và sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Kế toán về chữ ký và xác nhận chứng từ điện tử.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 29 theo hướng cho phép các đơn vị có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ áp dụng chế độ kế toán đơn giản để tiết giảm thời gian, chi phí của đơn vị kế toán; Làm rõ phạm vi của báo cáo tài chính với các loại báo cáo khác để nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán.

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về kế toán trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách: Tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về kế toán; Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngoài các nhiệm vụ như các bộ, cơ quan ngang bộ, chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành chế độ kế toán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực về kế toán quy định trong Luật này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về kế toán thuộc phạm vi quản lý tại địa phương: Chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định của pháp luật về kế toán; Tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán và xử lý vi phạm pháp luật về kế toán đối với các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định của pháp luật; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực kế toán thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán.

Bổ sung trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong khu vực công khi thực hiện các nhiệm vụ: Ký tên trên sổ kế toán, báo cáo tài chính, bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán, tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán: Quy định rõ người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán; Có quyền bảo lưu ý kiến của mình bằng văn bản hoặc các hình thức khác có thể kiểm chứng được. Trường hợp người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã bảo lưu ý kiến của mình thì không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Thứ năm, hoàn thiện một số quy định để đảm bảo nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số đối tượng áp dụng Luật để phù hợp với thực tế hiện nay, cụ thể: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức, cơ quan, đơn vị khác là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; đơn vị hoạt động theo pháp luật về hội; tổ chức nghề nghiệp; quỹ xã hội, quỹ từ thiện; đơn vị có các hoạt động huy động, đóng góp nguồn lực xã hội không vì mục đích lợi nhuận; Cơ sở ngoài công lập và các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.