Sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp:

Sửa quy định thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam

Thùy Linh

Để nâng cao cơ sở pháp lý và minh bạch trong việc xác định các khoản thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, tại dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để chi tiết hơn các khoản thu nhập khác.
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để chi tiết hơn các khoản thu nhập khác.

Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành quy định về thu nhập chịu thuế TNDN mang tính chất bao quát chung, bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (thường gọi là hoạt động sản xuất, kinh doanh chính theo đăng ký hoạt động của doanh nghiệp) và các khoản thu nhập khác; việc nộp thuế đối với khoản thu nhập của doanh nghiệp ở nước ngoài khi chuyển về Việt Nam.

Cùng với đó, tại các nghị định, thông tư hướng dẫn do Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành cũng đã quy định chi tiết hơn về nội dung khoản “thu nhập khác”, về thu nhập phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với phần thu nhập phát sinh ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển về nước.

Bộ Tài chính nhận định, các nội dung quy định của pháp luật về thuế TNDN hiện nay cơ bản phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế, đã bao quát đầy đủ thu nhập từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam và trong quá trình thực hiện cho thấy tính minh bạch, hiệu quả.

Để thống nhất với đề xuất bổ sung quy định về người nộp thuế đồng thời, luật hóa các quy định tại các văn bản dưới Luật đã được triển khai hiệu quả, ổn định trong thời gian qua, Bộ Tài chính cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu nhập chịu thuế.

Tại dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để chi tiết hơn các khoản thu nhập khác như: thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, trừ thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản và các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, bao gồm cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ…

Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam và của doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là thu nhập có nguồn gốc từ Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh và chi tiết cụ thể các nguồn thu nhập của nhóm đối tượng này để đảm bảo tính minh bạch, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Đồng thời, dự thảo đã sửa đổi quy định về việc nộp thuế đối với khoản thu nhập của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài theo hướng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế ngay trong kỳ tính thuế phát sinh khoản thu nhập này thay cho việc nộp thuế tại thời điểm chuyển khoản thu nhập về Việt Nam của Luật hiện hành. Đồng thời, luật hóa quy định về áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, về xác định số thuế đã nộp ở nước ngoài được trừ và mức thuế suất áp dụng đối với khoản thu nhập này (áp dụng mức thuế suất phổ thông) đã được hướng dẫn tại văn bản dưới Luật để đảm bảo tính minh bạch, ổn định của chính sách và giao Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ khai, nộp thuế đối với phần thu nhập của doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài chuyển về nước để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn.

Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn, đảm bảo việc xác định các khoản thu nhập chịu thuế được thực hiện chặt chẽ để thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách nhà nước.

Có thể thấy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế theo đề xuất nêu trên là giải pháp để nâng cao cơ sở pháp lý và minh bạch trong việc xác định các khoản thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Điều này tạo thuận lợi cho công tác quản lý, thu thuế đối với các đối tượng này, đảm bảo thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các hoạt động thương mại điện tử, kinh doạnh trên nền tảng công nghệ số có xu hướng ngày càng gia tăng, qua đó, góp phần mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển. Đồng thời, thực hiện theo phương án đề xuất cũng sẽ góp phần tăng tính minh bạch của pháp luật về thuế TNDN, giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế.