Sức ép cải cách từ CPTPP
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng tạo động lực cho Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và cải cách kinh tế nhưng cũng sẽ tạo ra nhiều áp lực tới cải cách thể chế, chính sách nhằm mang lại môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Thách thức hàng đầu
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), CPTPP sẽ hình thành chuỗi cung ứng mới của khu vực mà Việt Nam là một mắt xích, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng suất lao động, qua đó Việt Nam sẽ ngày càng mở cửa thị trường nhiều hơn. Số liệu của Trung tâm Thông tin và dự báo KT - XH quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, xuất khẩu tăng thêm 4% và nhập khẩu tăng 3,8%. Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, phải kể đến những lợi ích chưa thể tính toán được đến từ quá trình thúc đẩy cải cách, khi mà CPTPP tạo ra sức ép rất lớn về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế nước ta. Các điều khoản trong CPTPP đòi hỏi thực hiện nhiều cải cách, trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong quan điểm, cũng như vấn đề pháp lý, hành chính… Chính những đòi hỏi này đã tạo thêm động lực phát triển, giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, khuôn khổ pháp luật, tính cạnh tranh, môi trường đầu tư, kinh doanh...
Những thuận lợi khi Việt Nam tham gia CPTPP đã được chỉ ra khá nhiều, tuy nhiên một vấn đề đặc biệt, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam ở góc độ quốc gia, đó là cải cách thể chế. TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, nhận định: So với Hiệp định TPP, những điều khoản của CPTPP đã “nhẹ nhàng” hơn, quy định về quy chế, thể chế và thời gian thực hiện cũng được dãn ra nhiều hơn. Trước đây, Việt Nam đã chuẩn bị để tham gia TPP nên với CPTPP không phải điều quá khó. Tuy nhiên, thách thức về cải cách thể chế chưa bao giờ dừng lại, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cải cách sâu rộng hơn nữa.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, CPTPP có rất nhiều cam kết về cải cách bộ máy nhà nước, liên quan tới những cam kết mang tính công khai, minh bạch, nâng cao sự chủ động và tự tin của doanh nghiệp. Nếu làm tốt, đây chắc chắn là cơ hội lớn để Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Trên con đường thực hiện những cải cách ấy, tất nhiên sẽ gặp trở ngại bởi một số lợi ích nhóm, hay một bộ phận lao động không có năng lực. Tuy nhiên, nếu có sự nỗ lực đồng lòng của cả cộng đồng, cùng việc giám sát lẫn nhau của các nước thành viên, sẽ là động lực để chúng ta có thể thực hiện được những bước cải cách lớn hơn nữa.
Thực tế, những đổi mới về thể chế và quyết tâm của Chính phủ trong những năm qua đã tạo ra động lực lớn để nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng rằng Việt Nam đã có những bước đi rất mạnh mẽ và quyết liệt, từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước làm ăn, bỏ giấy phép con để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút vốn đầu tư bên ngoài, cho tới liên tục yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm các điều kiện kinh doanh… Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn chưa đủ bởi thể chế vô cùng rộng lớn, đó mới chỉ là bước đầu, vẫn cần phải đi sâu hơn nữa.
Đón đầu cơ hội
Các chuyên gia cũng lo ngại, nếu không tận dụng được CPTPP, không chỉ lãng phí những lợi ích to lớn mà rất có thể còn là phải chịu thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, nếu như Chính phủ cũng như chính quyền địa phương chậm trễ cải cách thể chế thì sẽ rất khó khăn trong việc đáp ứng được cam kết hội nhập. Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là yêu cầu quan trọng và là một trong những yếu tố quyết định không chỉ khi chúng ta tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mà còn tác động trực tiếp đến những hoạt động tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Khi có môi trường kinh doanh tốt và thuận lợi, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được khuyến khích phát triển nhiều hơn, mở rộng sản xuất hơn. Và đó là động lực quan trọng để tận dụng những lợi thế khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, khi tham gia vào các hiệp định thương mại, đặc biệt là CPTPP, quan trọng là phải đáp ứng những yêu cầu theo các cam kết và phải phù hợp thông lệ quốc tế.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, phải cải cách quá trình hình thành, xây dựng các thể chế làm sao cho thật phù hợp và phải cải thiện bộ máy thực thi, thực hiện điều khoản trong cam kết, quy định ấy. Bên cạnh những ưu đãi “vàng” mà CPTPP mang lại, thách thức của kinh tế Việt Nam là năng lực cạnh tranh. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực dồi dào cùng sự đào tạo tương xứng. Nguồn nhân lực từ doanh nghiệp, người lao động cho tới người quản lý phải có trình độ chuyên môn, công nghệ kỹ thuật phải đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, tham gia CPTPP không chỉ là “cuộc chơi” của riêng Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, quan trọng nhất chính là “đội xung kích” mang tên “doanh nghiệp” và nói rộng hơn là toàn thể người dân. Nói cách khác, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân phải cùng trên một con thuyền cải cách hội nhập, cần xác định Việt Nam có những thế mạnh gì, đang đứng ở đâu để phát huy và có được những ưu tiên, tập trung nguồn lực vào những điểm còn nhiều hạn chế. Như Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nói, kế hoạch hành động ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực phải là chương trình hành động tổng thể, toàn diện và có sự tham gia của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội và người dân.