Tác động của CPTPP với ngành Dệt may: Phải chủ động nâng cao sức cạnh tranh
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho rằng, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chủ động cải thiện để nâng cao sức cạnh tranh mới mong có thể nắm bắt tối đa cơ hội này.
Mở rộng thị trường
Phóng viên: Ngành Dệt may được đánh giá là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định CPTPP. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh. |
Ông Phạm Xuân Hồng: Hiệp định này tuy không đem lại nhiều lợi ích như TPP nhưng chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành dệt may bởi các lý do sau.
Một là,giúp nhà đầu tư phát triển nguyên phụ liệu tích cực hơn. Trước kia, doanh nghiệp có nhiều nỗ lực chuẩn bị cho TPP thì nay các doanh nghiệp lại tiếp tục mạnh dạn đầu tư.
Hai là, tôi tin tưởng và kỳ vọng Hiệp định này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong lĩnh vực dệt may Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường của các nước cùng ký kết hiệp định mà lâu nay các bên chưa quan tâm lẫn nhau.
Ba là,doanh nghiệp sẽ tự nhận thấy cần phải thay đổi bằng cách đầu tư vào hệ thống cơ sở sản xuất, đào tạo nhân viên nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính trên thế giới. Bởi, mỗi khách hàng tại các thị trường khác nhau đều có tiêu chuẩn riêng, doanh nghiệp phải tuân thủ đúng tiêu chuẩn chất lượng của thị trường thì mới có thể bán được hàng. Trong thời gian tới, khi rào cản về thuế quan được gỡ bỏ, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài.
Như ông nói thì CPTPP sẽ đem lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Vậy, ngành dệt may có đã có những bước chuẩn bị gì để đón nhận cơ hội này?
Sự nỗ lực chuẩn bị được thể hiện rõ nhất đó là các doanh nghiệp có sự kết nối với nhau mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp tìm hiểu và cố gắng hoàn chỉnh hệ thống quản lý chẳng hạn như các quy định, quy chế về an toàn, chất lượng, lao động. Bởi, muốn khai thác lợi thế của CPTPP phải thực hiện tốt các quy định của Hiệp định. Các doanh nghiệp cũng đang lên kế hoạch, nghiên cứu các thị trường của các nước trong CPTPP nhằm tìm kiếm những khách hàng phù hợp với nguồn hàng và thế mạnh của mình.
Từ đó tận dụng tối đa những lợi thế về thuế quan, mở cửa thị trường, hàng rào kỹ thuật giúp doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, cố gắng vận dụng hiệu quả công nghệ quản trị doanh nghiệp, từng bước áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đạt giá trị gia tăng cao hơn.
Đồng hành với các doanh nghiệp, các Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã nỗ lực xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất, áp dụng các mô hình sản xuất thông minh theo xu hướng cách mạng 4.0 hướng tới phát triển bền vững trong ngành. Từ nay đến tháng 4 tới đây, sẽ có nhiều cuộc hội thảo để các chuyên gia trao đổi, hướng dẫn cụ thể từng vấn đề để áp dụng CPTPP như làm thủ tục ra sao, nguyên phụ liệu thế nào, thành lập công đoàn…
Tăng cường liên kết
Bên cạnh những cơ hội thì ngành dệt may có khó khăn gì khi tham gia CPTPP, thưa ông?
Tôi cho rằng, thuận lợi tương đối nhiều còn thách thức thì không đáng kể. Tuy vậy, khi thuế suất được giảm, các mặt hàng dệt may các nước vào thị trường Việt Nam sẽ ngày càng nhiều, sẽ tạo sức cạnh tranh giữa các thương hiệu Việt và thương hiệu ngoại nhập. Cho nên, đây là một thách thức đối với ngành mà các doanh nghiệp đang quan tâm. Tuy vậy, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp nội địa hoàn thiện mình hơn, có vậy mới tăng tính cạnh tranh.
Theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp trong nước của ngành dệt may vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội từ Hiệp định này?
Để đạt mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là xuất khẩu đạt 34 tỷ USD và tận dụng các cơ hội của CPTPP, không còn cách nào khác các doanh nghiệp phải tự cải thiện để nâng cao sức cạnh tranh mới mong có thể nắm bắt tối đa cơ hội.
Doanh nghiệp không chỉ tăng cường kết nối với nhau về nguyên liệu và sản xuất, mà phải kết nối tùy theo từng chủng loại mặt hàng và xác định hướng đi nào cho phù hợp; tập trung đầu tư tái cơ cấu cho doanh nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến để tự cân đối dần các khâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp dệt may trong nước với nhau, doanh nghiệp trong nước với đầu tư nước ngoài; khai thác thị trường truyền thống song song khai thác thị trường mới.
Ngoài ra, tăng cường quảng bá, giới thiệu mặt hàng cho các khách hàng nhưng phải bảo đảm tính chính xác và giá cả phù hợp để khách hàng yên tâm. Cuộc cạnh tranh nào cũng có thắng - bại, nếu làm tốt thì thắng, làm dở thì bại đó là quy luật cạnh tranh kinh tế thị trường.
Xin cảm ơn ông!