Sức ép tăng giá VND
Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHN) vừa chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn một phần nhằm tránh áp lực lạm phát, song chủ yếu làm giảm nhẹ cáo buộc "thao túng tiền tệ" của Mỹ.
Tuy nhiên, động thái nói trên sẽ khiến các ngân hàng thương mại (NHTM) chịu gánh nặng rủi ro ngoại hối lớn hơn, và có nguy cơ làm tăng giá VND.
Chuyển hướng mua ngoại tệ
Từ ngày 31/12/2020, NHNN ngừng mua ngoại tệ giao ngay, thay vào đó thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 đồng/USD, ngang bằng với mức tỷ giá mua giao ngay trước đó.
Việc NHNN ngừng mua ngoại tệ giao ngay cho thấy cơ quan này không còn sẵn sàng mua USD để tăng dự trữ ngoại hối như trước kia. Bên cạnh đó, việc mở rộng kỳ hạn mua USD lên 6 tháng kèm điều kiện chỉ được huỷ ngang 1 lần cho thấy việc bán USD kỳ hạn cho NHNN đã trở nên khó khăn hơn.
Theo BVSC, mốc 6 tháng sẽ hạn chế vi phạm tiêu chí thứ 3 của Bộ Thương mại Mỹ, khi việc can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối xảy ra ít nhất 6/12 tháng. Từ đó, NHNN có thể sử dụng sự khó khăn trong bán ngoại tệ của NHTM để làm bằng chứng đàm phán với Bộ Thương mại Mỹ về gỡ mác thao túng tiền tệ.
Ngoài ra, với việc mua ngoại tệ kỳ hạn, NHNN sẽ rải đều lượng tiền bơm ra để mua vào ngoại tệ trong một thời gian dài, thay vì dồn vào một lúc như trường hợp mua giao ngay. Điều đó sẽ giúp NHNN có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trung hòa lượng tiền này để tránh tạo áp lực lên lạm phát, nhất là khi hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dư thừa, trong khi áp lực lạm phát cũng đang tăng cao hơn.
Không ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu
Theo KBSV, việc chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn sẽ hạn chế công cụ bơm VND vào hệ thống và trong trường hợp thanh khoản thiếu hụt tạm thời, nhiều khả năng NHNN sẽ phải nới thời gian đáo hạn trên thị trường mở (hiện tại là 7 ngày).
Không chỉ vậy, theo một chuyên gia ngân hàng, việc hạn chế mua ngoại tệ trong khi nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế đang rất dồi dào có thể khiến VND tăng giá, ảnh hưởng bất lợi tới xuất khẩu. Tuy nhiên, giá hàng nhập khẩu tính theo VND lại có thể rẻ hơn, từ đó giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm.
“Nhìn chung, việc VND tăng giá nhẹ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu. Trên thực tế, VND cũng tăng giá trong 2 năm qua, song xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá tích cực, kể cả trong đại dịch”, vị này cho biết.