"Sức khỏe" ngân sách của Việt Nam theo chuẩn quốc tế tốt hơn dự tính
(Tài chính) Minh bạch của ngân sách tốt hơn đánh giá hiện nay, mức độ thâm hụt theo chuẩn quốc tế thấp hơn ước tính của Chính phủ và ngân sách có thể được cải thiện với một số điều chỉnh đơn giản.
Đây là đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu của ngân hàng HSBC công bố trong Báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 9 của Việt Nam.
"Việt Nam đang đi trên làn đường chậm"
Đánh giá chung về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam, báo cáo cho rằng “Việt Nam đang đi trên làn đường tốc độ chậm trong quá trình hồi phục kinh tế”. Sau giai đoạn tăng trưởng khá vững chắc từ tháng 9/2013, chỉ số PMI tháng 8 giảm đáng kể và dự kiến sẽ chưa thể sáng hơn trong tháng 9. Tuy nhiên, nhiều khả năng ngành sản xuất sẽ lại tăng tốt vào cuối năm.
Các hoạt động đầu tư mới vào Việt Nam sẽ sớm đi vào thực hiện và lực cầu ở thị trường xuất khẩu quan trọng nhất là Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên lực cầu nội địa trong tương lai vẫn còn kém. Tăng trưởng tín dụng chậm lại còn 10,3% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 10,6% tháng 7.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất thị trường mở 50 điểm xuống còn 5% để hỗ trợ lực cầu nội địa. Nếu lạm phát vẫn ở dưới mức 4,5% trong tháng 9 thì nhiều khả năng NHNN sẽ cắt giảm thêm lãi suất thị trường mở để kích cầu nội địa.
Bộ Tài chính đang và sẽ tiến hành nhiều biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế, như là giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế cho nhiều lĩnh vực và vùng ưu tiên. Tuy nhiên, các ưu đãi về thuế cộng với tốc độ tăng trưởng GPD chậm, có thể dẫn đến mối quan ngại về sự bền vững ngân sách.
Cải thiện truyền thông về ngân sách
Trong báo cáo lần này, các chuyên gia của HSBC đã đi sâu phân tích phương pháp kế toán và chi tiết về thu chi ngân sách để có thể hiểu kỹ hơn về tình hình sức khỏe ngân sách.
Đánh giá chung, HSBC cho rằng “ngân sách Việt Nam toàn diện”, chỉ còn vài vấn đề liên quan đến nợ mang sang, nguồn vốn phát sinh ngoài ngân sách, chi tiêu ngoài ngân sách và các doanh nghiệp Nhà nước...
Cụ thể hơn, các chuyên gia nhận thấy tính minh bạch của ngân sách tốt hơn đánh giá hiện nay dù vẫn cần được cải thiện nhiều. Đồng thời, mức độ thâm hụt nhiều khả năng thấp hơn ước tính của Chính phủ và ngân sách có thể được cải thiện với vài điều chỉnh đơn giản.
Bộ Tài chính hiện công bố 4 báo cáo thường xuyên trong đó có báo cáo về ngân sách được thông qua, báo cáo thực hiện ngân sách theo quý, báo cáo ngân sách cuối năm và báo cáo kiểm toán bên ngoài. Những báo cáo số liệu ngân sách hàng quý luôn được cập nhập trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc cải thiện truyền thông về ngân sách sẽ cải thiện những nhận định về rủi ro của thị trường và tăng uy tín của quản lý nhà nước. Một trong những nguyên nhân chính gây quan ngại về sức khỏe tài chính của Việt Nam là có nhiều con số ước lượng ngân sách khác nhau.
Dựa trên một nghiên cứu của WB, nguồn thu thập thông tin chính của mọi người về các con số tài chính thường từ báo chí, mà họ thường không hiểu tường tận về các báo cáo ngân sách. Đa phần báo chí chỉ nêu con số ngân sách được duyệt bởi Quốc hội, hay con số ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Thâm hụt ngân sách sẽ được cải thiện
So với chuẩn quốc tế là Quy tắc thống kê tài chính quốc gia năm 2001 (GFSM 2001) của IMF, phương pháp tính toán của Việt Nam khá tương đồng, nhưng cho kết quả có thâm hụt cao hơn. Cách tính khác nhau về các khoản thu chi đã dẫn đến kết quả khác nhau.
Ví dụ, việc đưa thanh toán nợ gốc vào chi tiêu của Chính phủ đã dẫn đến số thâm hụt ngân sách lớn hơn. Hay việc nguồn thu từ dầu có xu hướng chưa được đánh giá đúng, khi các giả định về giá theo thùng thường rất thận trọng. Giá dầu không chỉ có ý nghĩa về thương mại mà cả về thu ngân sách và sức khỏe tài chính.
Điều này thể hiện cán cân tài chính của Việt Nam trong thực tế thấp hơn so với các con số thống kê, đặc biệt khi sử dụng các chuẩn quốc tế để tính toán.
Báo cáo cũng đánh giá chi phí hiện thời và đầu tư trong tương quan với GDP của Việt Nam giảm dần. Năm nay, thu ngân sách Việt Nam đã tăng trở lại. HSBC nhận định chi ngân sách năm nay có thể không thay đổi, và như vậy nhiều khả năng thâm hụt ngân sách sẽ ổn định và được cải thiện tốt hơn.