Suy ngẫm về các “đồng tiền blockchain“

Theo Thanh Trúc/doanhnhansaigon.vn

Năm qua, Bitcoin và các "đồng tiền blockchain" khác đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí toàn cầu. Việc đầu tư, mua bán, tích trữ Bitcoin diễn ra rất sôi động trong cộng đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, nhận biết về các "đồng tiền blockchain" còn rất phân tán, thậm chí cũng chưa có sự đồng thuận trong việc đặt tên cho các đồng tiền này.

Đáp ứng nhu cầu quản lý cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng, chúng tôi phỏng vấn ThS-LS. Nguyễn Đức Nghĩa.

Vì sao Bitcoin được gán cho nhiều tên như tiền điện tử, tiền thuật toán, tiền ảo...?

Tiền điện tử là tên gọi thể hiện môi trường sinh thái của đồng tiền, nhằm phân biệt với tiền kim loại, tiền giấy... Theo đó, tiền điện tử là phương tiện thanh toán, trao đổi dưới dạng số hóa, có thể lưu trữ và sử dụng được trên môi trường công nghệ thông tin (mạng máy tính, mạng internet, thương mại điện tử...). Tiền điện tử trong ngân hàng thường được nhận biết dưới các hình thức chuyển tiền trực tuyến hay các thẻ thanh toán.

Tiền thuật toán là tên gọi thể hiện cách thức tạo ra đồng tiền như: đúc tiền xu, in tiền giấy, tạo tiền ghi sổ và đào tiền thuật toán. Theo đó, tiền thuật toán là một loại tiền tệ kỹ thuật số, được tạo ra bởi việc giải các thuật toán mã hóa phức tạp dưới dạng phần mềm mã nguồn mở.

Tiền ảo là tên gọi thể hiện hình thái vật chất của đồng tiền. Theo đó, tiền ảo được hiểu là loại tiền không có hình hài vật lý cụ thể, không được bảo đảm giá trị và được sử dụng trong các trò chơi điện tử.

Bitcoin có đầy đủ các tiêu chí trên. Bitcoin hoạt động trong môi trường điện tử blockchain, được tạo ra nhờ việc giải các thuật toán và không có hình hài cụ thể. Tuy nhiên, sự khác biệt then chốt của bitcoin với các đồng tiền truyền thống là khả năng phân trung "peer-to-peer", một ưu điểm nổi bật của công nghệ blockchain.

Nếu ta gọi bitcoin là tiền điện tử thì sẽ lẫn lộn với các loại tiền điện tử khác như tiền chuyển khoản, thẻ rút tiền ATM, thẻ tín dụng (credit card), thẻ ghi nợ (debit card), thẻ thông minh (smart card)...

Nếu ta gọi bitcoin là tiền thuật toán thì không thể hiện được công dụng, sự khác biệt của bitcoin. Do đó, tên gọi này chỉ mang tính chất kỹ thuật mà không thể hiện tính chất kinh tế, tài chính của đồng tiền.

Nếu ta gọi Bitcoin là tiền ảo thì không thể hiện được giá trị và giá trị sử dụng của bitcoin. Đôi khi còn khiến lẫn lộn giữa bitcoin và các đồng "xu" được sử dụng trong các trò chơi điện tử.

Sách trắng bitcoin giới thiệu: "Một phiên bản tiền điện tử hoàn toàn ngang hàng sẽ cho phép thanh toán trực tuyến được gửi trực tiếp từ bên này sang bên khác mà không phải qua một tổ chức tài chính... Chúng tôi giới thiệu một giải pháp phòng chống gian lận sử dụng một peer-to-peer mạng". Đó là Bitcoin, một hệ thống giao dịch điện tử không cần dựa trên sự tin tưởng, được gọi là "hệ thống tiền mặt điện tử Peer-to-Peer".

Thực ra, "peer-to-peer" là cơ chế đồng thuận phi tập trung của công nghệ "blockchain", một thành tựu xuất sắc của khoa học máy tính kết hợp với khoa học quản lý tài chính hiện đại. Trong công nghệ này, thông tin được lưu trữ trong các khối (block), được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Để được ghi nhận trong block, các giao dịch cần phải được xác minh mối liên hệ với các thông tin đã có trong các block khác.

Sau đó, thông tin được lưu trữ cùng một lúc trên nhiều máy tính khác nhau trong hệ thống máy tính trên khắp thế giới. Do đó, một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được. Không những thế, bất cứ người dùng mạng ngang hàng nào cũng có thể truy cập được thông tin về lịch sử của mọi giao dịch mà vẫn đảm bảo hoàn toàn việc bảo mật thông tin cũng như ngăn chặn sự gian lận.

Điều đó cho thấy, bitcoin không được tạo ra hay bị quản lý bởi bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Không có bất cứ chủ thể nào có thể can thiệp vào hệ thống mạng bitcoin. Thay vào đó, tất cả các chức năng nắm giữ hoặc giao dịch chuyển tiếp đều được thực hiện bởi mạng lưới ngang hàng của cộng đồng bitcoin. Điều này tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa bitcoin và các loại tiền tệ truyền thống trước đây, khi mà việc tạo ra tiền thuộc về ngân hàng trung ương hoặc tổ chức tài chính khác.

Do đó, theo tôi, tên gọi "đồng tiền blockchain" áp dụng cho bitcoin và các đồng tiền tương tự bitcoin là phù hợp, thể hiện sự khác biệt cơ bản của chúng với các loại tiền tệ khác. Đồng thời nêu bật được sự tiến bộ rõ rệt của "đồng tiền blockchain" so với các đồng tiền truyền thống trước đây. Điều này cũng giúp cộng đồng có cái nhìn đúng và cách ứng xử phù hợp với một loại tiền tệ mới của thời đại công nghệ 4.0

Vậy có nên xem "đồng tiền blockchain" là một loại tiền tệ?

Một đồng tiền hoàn hảo phải thực hiện được 5 chức năng: đo lường giá trị, trao đổi, thanh toán, cất trữ và thanh toán quốc tế. Bitcoin và các "đồng tiền blockchain" hầu như có đầy đủ các chức năng này. Chúng được nhiều người chấp nhận và được sử dụng để thanh toán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ; có tính thanh khoản rất cao; việc phát hành tuân theo những quy tắc nhất định nhằm đảm bảo số lượng tiền được phát hành không quá nhiều gây ra tình trạng lạm phát giảm giá trị của đồng tiền.

Hiện tại, một số quốc gia như Nhật Bản, Phần Lan..., các công ty như Dell, Microsoft, Apple... đã công nhận bitcoin là một loại tiền tệ được sử dụng để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí, một số quốc gia và nhiều tổ chức trên thế giới đang có ý định phát hành tiền thuật toán cho riêng mình.

Tuy nhiên, để công nhận "đồng tiền blockchain", chính phủ một số nước sẽ cần nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm. Khó khăn nhất hiện nay là làm sao để ngân hàng trung ương kiểm soát được "đồng tiền blockchain". Đây là thách thức rất lớn đối với việc bảo đảm sự an toàn hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia.

Trong năm 2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên hủy các quyết định về truy thu thuế của Chi cục Thuế Thành phố Bến Tre đối với một cá nhân kinh doanh tiền điện tử kiểu Bitcoin qua mạng internet. Lý do vì Tòa cho rằng hiện nay chưa có quy định pháp luật nào công nhận bitcoin là hàng hóa. Như vậy có thể xem "đồng tiền blockchain" là hàng hóa hay không?

Như ta đã biết, hàng hóa có 2 thuộc tính cơ bản là giá trị sử dụng và giá trị. Một vật muốn trở thành hàng hóa thì giá trị sử dụng của nó phải là vật được sản xuất ra để bán, để trao đổi, cũng có nghĩa là vật đó phải có giá trị trao đổi. Như vậy có thể nói, biểu hiện "trao đổi" là cơ sở quan trọng để xác định một vật (dịch vụ) có thể được xem là hàng hóa, tức là đối tượng của pháp luật thương mại.

Lấy ví dụ giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin tới cuối tháng 11/2017 đạt xấp xỉ 300 tỷ USD, vượt qua cả nhiều ông lớn phố Wall như Goldman Sachs và Morgan Stanley. Việc trao đổi, kinh doanh sôi động đã đẩy mức giá bitcoin từ 400 USD/bitcoin năm 2016 lên mức 9.000 USD/bitcoin vào cuối tháng 11/2017. Điều đó cho thấy giá trị trao đổi của bitcoin và các "đồng tiền blockchain" khác là hoàn toàn có thực.

Xét về hình thái vật chất, ở giai đoạn sơ khai của thương mại, các vật trao đổi hầu hết đều có tính chất hữu hình. Xã hội càng tiến bộ thì càng mở rộng thêm giao dịch là các hoạt động dịch vụ và các sản phẩm vô hình. Thậm chí còn có thể là "vô hình trong tương lai", ví dụ giao dịch trên sàn giao dịch ngoại hối Forex hay các sàn giao dịch hàng hóa tương lai.

Đối với giao dịch ngoại hối trên sàn Forex, thành viên tham gia bằng cách mua - bán các cặp tiền tệ và hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá. Đối tượng tham gia sàn Forex ở một số nước trên thế giới bao gồm cả các nhà đầu tư cá nhân "nhỏ lẻ”. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay mới chỉ có Ngân hàng Nhà nước được cấp phép cho các tổ chức tín dụng, trong khi nhu cầu mở rộng các hoạt động giao dịch Forex trực tuyến của các nhà đầu tư cá nhân là có thực.

Các sàn giao dịch hàng hóa (Commodites Exchange) theo hợp đồng tương lai (future contract) cũng hoạt động tương tự sàn Forex nhưng không được đánh giá cao trong hoạt động thương mại ở Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, các giao dịch "đồng tiền blockchain" có đặc điểm tương tự giao dịch trên Forex hay Commodites và có thể được coi là đối tượng của pháp luật thương mại.

Vậy thì cần ứng xử với "đồng tiền blockchain" như thế nào?

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh "đồng tiền blockchain" khá sôi động. Các cuộc ICO (Initial Cryptocurrency Offering) phát hành token gọi vốn cũng rất phổ biến, đã làm gia tăng số lượng các "đồng tiền blockchain" lên tới cả ngàn loại. Việc không công nhận bitcoin và các hoạt động kinh doanh liên quan đến bitcoin sẽ tạo lỗ hổng pháp lý để xác định nghĩa vụ thuế của các giao dịch và các nguồn thu nhập này.

Do vậy, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Dự kiến thời gian hoàn thành đề án là tháng 6/2019.

Trên thế giới, một số quốc gia như Israel, Nhật Bản... đã chấp nhận bitcoin như một tài sản chịu thuế. Đây cũng là phương án cần xem xét khi "đồng tiền blockchain" được xem là xu thế tất yếu của quá trình tiến hóa tiền tệ thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.