Tác động của các chính sách vĩ mô

TS. Phạm Đỗ Chí (Theo ĐTCK)

Dư luận chung hiện đồng thuận với những thông điệp chính sách cũng như các biện pháp mà Chính phủ đưa ra đầu năm 2011 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, lãi suất, bình ổn thị trường tiền tệ và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy vậy, tình hình kinh tế đòi hỏi cần tiếp tục thảo luận thêm về những vấn đề kỹ thuật của các chính sách, chu trình điều hòa các biện pháp, vấn đề phối hợp chính sách giữa các cơ quan, nhất là tác động ngắn và dài hạn của các biện pháp nêu trên.

Biện pháp ổn định tỷ giá

Trước hết về vấn đề tỷ giá. Muốn ổn định tỷ giá sau biện pháp tăng 9,3% tỷ giá VND/USD ngày 11/2/2011, theo kinh nghiệm nhiều nước, cần có ngay một chương trình gồm các chính sách đi kèm để giảm tổng cầu quy mô và đồng bộ như đã được ban hành cuối tháng 2 thông qua các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài khóa. Tiếp theo là thiết lập một quỹ dự trữ bình ổn tỷ giá bằng cách phối hợp dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), của các doanh nghiệp nhà nước cùng một số nguồn khác khi cần thiết.

Sau đó, nên nhắm tới việc điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trong tương lai bằng các bước đi tiếp sau tùy theo điều kiện thị trường, thay vì để dồn sức ép lên tỷ giá (vốn đã mức cân bằng khá lâu như trong 6 tháng trước ngày điều chỉnh mạnh vừa qua).

Tất nhiên, việc ổn định tỷ giá VND/USD còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng và giá vàng quốc tế. Vừa qua, giá vàng quốc tế đã lên mức 1.433 USD/ounce trên thị trường Mỹ một phần do sự tác động của giá dầu. Sự biến động giá dầu chủ yếu do tình hình bất ổn ở Trung Đông và châu Phi, do dự trữ xăng dầu ở Mỹ xuống dưới mức dự đoán và nhất là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ do mức thất nghiệp còn quá cao.

Trong khi đó, một diễn biến đáng lưu ý là giá vàng ở Việt Nam đã không tăng theo giá thế giới, tỷ giá VND/USD hướng về mức ổn định hơn (21.500 -21.700 VND/USD). Có thể đây là dấu hiệu tích cực do tác động của các gói biện pháp mạnh mà Chính phủ vừa công bố.

Về chu trình các chính sách khác. Khái quát chung, chu trình này gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (trong ngắn hạn - 6 tháng) mong muốn giảm lãi suất huy động tiền đồng và ổn định tỷ giá VND/USD phải bắt đầu từ việc giảm lãi suất huy động tiền USD, đồng thời  giảm kỳ vọng lạm phát. Giai đoạn II cần một chương trình chính sách trung hạn (như thảo luận chi tiết dưới đây) nhằm tái lập các cân đối vĩ mô cần thiết sau khoảng 3 năm.

Do tín dụng ngoại tệ tăng quá nhanh (trên 41% tại địa bàn TP.HCM), nên chính sách thắt chặt tín dụng áp dụng cho năm 2011 cần tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ từ 3% lên 8-10%. Việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với vốn huy động là tiền đồng Việt Nam có thể thấp hơn hoặc có thể chưa áp dụng ngay nhằm duy trì khoảng cách "hấp dẫn" hơn cho việc huy động và cho vay bằng tiền Việt.

Trong dài hạn, việc giảm lãi suất huy động vốn USD và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc trên các tài khoản ngân hàng sử dụng đồng USD còn nhằm giảm tình trạng đô la hóa của nền kinh tế. Song hành với quyết định trên, cần giảm tín dụng cho vay bằng USD để tiến tới cấm việc huy động và cho vay bằng tiền USD trong lộ trình chọn lựa (thí dụ là sau 3 năm).

Tác động của các chính sách vĩ mô - Ảnh 1

Làm gì để sớm giảm lạm phát năm 2011?

Với mức lạm phát 2,09% trong tháng 2 và dự đoán có thể ở mức trên 2% trong tháng 3/2011, việc kiểm soát tốc độ lạm phát cả năm ở mức 7% sẽ rất khó khăn nếu đà tăng này tiếp tục diễn ra.

Dự báo, so với 12 tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể tiếp tục tăng cao trong suốt năm 2011. Sở dĩ CPI tăng cao là vì chỉ số này chịu tác động trễ của việc tăng cung tiền và tín dụng trong nửa cuối năm 2010, ảnh hưởng của mức tăng giá một số mặt hàng. Do đó, mức dự báo lạm phát cuối tháng 12/2011 có thể lên tới 11% so với cùng kỳ năm trước (xem bảng).

Như vậy, nếu muốn kiểm soát hữu hiệu lạm phát trong cả năm và đưa tỷ lệ này về mức 8 - 9% vào cuối năm 2011, dựa vào mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% (thay vì 7% dự kiến), thì năm 2011, chúng ta còn phải giảm mức tăng cung tiền M2 xuống 15%, giảm mức tăng trưởng tín dụng xuống 17-18%, đồng thời giảm mạnh chi tiêu công để giảm tỷ lệ bội chi ngân sách xuống khoảng 4,5% GDP (so với mức 5,8% năm 2010).

Giảm chi ngân sách, nhất là giảm đầu tư công sẽ đóng vai trò thiết yếu đối với việc giảm lạm phát trong tương lai. Lý do là, mặc dù mức lạm phát đã cao tới 11,75% trong năm 2010, mức giá chung đã được kềm giữ phần nào nhờ các chi tiêu thường xuyên của ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu và nhất là giá điện dưới mức thị trường chung trong vùng.

Trong tương lai, để giảm tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP, bắt buộc phải giảm mạnh tổng chi, bao gồm cả chi tiêu thường xuyên và đầu tư công trong vài năm tới. Để đạt được mục tiêu trên, các nhà hoạch định chiến lược có thể tham khảo các định hướng chính sách trung hạn theo đề xuất dưới đây.

Tác động của các chính sách vĩ mô - Ảnh 2

Đề xuất chương trình trung hạn

Khung 1 tóm tắt một số đề xuất quan trọng về chính sách vĩ mô trung hạn mà Chính phủ cần xây dựng chi tiết và thông báo rộng rãi nhằm ổn định vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Các chính sách hàng năm sẽ được triển khai chi tiết theo các định hướng trung hạn cũng như các diễn tiến kinh tế tài chính năm trước. Các định hướng đề xuất là:

Một là, trong năm 2011 ưu tiên hàng đầu là ổn định vĩ mô, bắt đầu bằng việc kiềm chế lạm phát thay vì ưu tiên tăng trưởng như vài năm gần đây. Mục tiêu tăng trưởng có thể tạm thời giảm xuống 6% cho năm nay, sau đó tăng dần lên 8% cho năm 2015.

Hai là, do khả năng lạm phát có thể ở mức 2 con số trong cả năm 2011, nên cần áp dụng những biện pháp vĩ mô thắt chặt để đưa CPI xuống mức thấp hơn trong 9 tháng cuối năm, giảm lạm phát xuống còn 8% trong tháng 12 (so với cùng kỳ năm trước). Với các năm tới, cần kiềm chế lạm phát trung hạn xuống mức khoảng 5%/năm.

Ba là, điều quan trọng nhất là kiểm soát chặt chính sách tài khóa để giảm bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP trong năm 2011, giảm dần tỷ lệ này xuống 2,5% vào năm 2015 thông qua cắt giảm đầu tư công, giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP xuống 39% năm 2011; đưa tỷ lệ này xuống mức trung hạn 35% vào năm 2015.

Bốn là, về chính sách tiền tệ, giảm mức tăng tín dụng hàng năm xuống còn 16-17%; giảm cung tiền M2 xuống 15% trong trung hạn.

Năm là, giảm thâm hụt của cán cân vãng lai xuống 9% GDP trong năm 2011; xuống 5% vào năm 2015 thông qua việc giảm sâu mức nhập siêu trong trung hạn. Từ đó, xây dựng lại và tăng dự trữ ngoại hối vào năm 2015 để ổn định tỷ giá cho 5 năm tiếp sau.

Tựu trung, NHNN và Bộ Tài chính cần sớm tính toán các dòng tiền và tài khóa để đề xuất Chính phủ, Quốc hội, từ đó có biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn trình trạng lạm phát, thay vì chấp nhận lạm phát có thể ở mức 2 con số cho cả năm.

Chính phủ cần tính toán và có chương trình kinh tế vĩ mô trung hạn, đồng thời phác thảo hướng chính cho việc thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Hướng chính có thể là đặt ưu tiên chống lạm phát lên trên mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2011, giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, giảm cán cân vãng lai trong trung hạn thông qua việc giảm đáng kể nhập siêu trong thời gian từ nay đến năm 2015.