Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường tài chính Việt Nam
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng công nghệ mới, hiện đại dự báo sẽ tạo ra hàng loạt thay đổi mang tính bước ngoặt lịch sử, ảnh hưởng sâu rộng tới kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia, trong đó có lĩnh vực tài chính. Bài viết trao đổi về những tác động trên phương diện cơ hội lẫn thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường tài chính Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất để nắm bắt cơ hội trong thời gian tới.
Ảnh hưởng từ Cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường tài chính
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) không chỉ là số hóa, internet hóa các thiết bị mà còn là sự hội tụ, dung hợp nhiều công nghệ và tương tác của chúng trên nhiều lĩnh vực với quy mô rộng lớn như: Dữ liệu lớn; Trí thông minh nhân tạo; Vạn vật kết nối, tự động hoá, rô bốt hóa, phương tiện không người lái; Công nghệ in 3D, công nghệ thực tế ảo kết hợp với các công nghệ sinh học, công nghệ nano...
Giống như 3 cuộc CMCN trong lịch sử trước đó, những công nghệ mới của CMCN 4.0 chắc chắn sẽ đem lại sự thay đổi lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của thế giới. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, CMCN 4.0 sẽ tác động đến nền kinh tế, trong đó có cả thị trường tài chính mà có thể nhìn thấy trên phương diện cơ hội và thách thức như sau:
Về cơ hội
Một là, CMCN 4.0 có thể tạo ra lợi thế cho những quốc gia có thị trường tài chính phát triển non trẻ như Việt Nam so với các nước khác khi có cơ hội tiếp thu và ứng dụng kết quả công nghệ vào vận hành, quản lý và phát triển thị trường tài chính. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), CMCN 4.0 hiện nay mới chỉ trong giai đoạn sơ khai và nếu biết tận dụng, nắm bắt cơ hội, Việt Nam không "bị hẫng" trong quá trình tiếp cận và nhập cuộc với xu thế mới này.
Hai là, CMCN 4.0 góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính. Theo đó, một khi các nội dung công việc không cần đến sự tham gia của con người mà thay vào đó được thực hiện nhờ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các kỹ thuật phân tích mới sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, quy chuẩn hóa và tự động hóa việc cung cấp các báo cáo chuyên sâu về tài chính và phi tài chính (EY, 2017).
Về thách thức
Một là, CMCN 4.0 dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ thanh toán khi mà các DN công nghệ tài chính (Fintech) ngày càng mở rộng và phát triển. Theo đó, cùng với sự nổi lên và phát triển mạnh mẽ của các startups công nghệ tài chính, lĩnh vực tài chính sẽ có những biến đổi sâu sắc.
Sự ra đời và phát triển của các công ty Fintech đã làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống qua xu thế phát triển mạnh của các kênh giao dịch trực tuyến như: Internet banking, mobile banking, mạng xã hội, ngân hàng không giấy… Việc cạnh tranh mở rộng các chi nhánh ngân hàng như hiện nay sẽ không còn, thay vào đó ngân hàng phải phát triển các thiết bị tự phục vụ dựa trên công nghệ tự động hóa, kết nối đa chiều.
Nghiên cứu của PwC (2016) cho thấy, Fintech đang dần định hình lại ngành dịch vụ tài chính, ước tính trong vòng từ 3-5 năm nữa, tổng mức đầu tư vào Fintech trên toàn cầu có thể vượt mức 150 tỷ USD, và các định chế tài chính và công ty công nghệ sẽ giành giật nhau cơ hội tham gia vào cuộc chơi.
Theo báo cáo phân tích của McKinsey, đến năm 2025, Fintech có thể ảnh hưởng đến xu hướng giảm từ 10-40% lợi nhuận của khu vực ngân hàng, từ đó làm giảm bớt thị phần của các ngân hàng.
Một số đề xuất
Để hạn chế các tác động, ảnh hưởng tiêu cực và tận dụng những cơ hội từ CMCN 4.0 đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam, góp phần thúc đẩy thị trường tài chính phát triển ổn định, bền vững, trong thời gian tới cần chú ý một số nội dung sau:
Về phía cơ quan quản lý
- Tiếp tục nghiên cứu, nắm rõ những tác động của CMCN 4.0 để có những đối sách hợp lý, phục vụ hiệu quả cho việc vận hành, quản lý và giám sát thị trường tài chính.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường tài chính Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn cho các nhà quản lý. Các công ty cung cấp dịch vụ tài chính đã và đang trở nên manh mẽ hơn bao giờ hết khi tận dụng được sự tiến bộ của công nghệ viễn thông vào quá trình cung cấp dịch vụ của mình.
Khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính có nhiều sản phẩm tài chính hơn để lựa chọn, song họ cũng dễ bị tổn thương hơn. Do vậy, với tư cách là người điều tiết thị trường, các đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính sẽ cần phải thay đổi nhận thức để kịp nắm bắt xu thế.
Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức, đào tạo kiến thức, hiểu biết về cuộc CMCN 4.0; Chú trọng tổ chức tuyên truyền, hội thảo, đào tạo kiến thức nâng cao năng lực, hiểu biết cho lãnh đạo, cán bộ các cấp của ngành Tài chính về CMCN 4.0 cũng như mục tiêu chuyển đổi số ngành Tài chính trong thời gian tới…
Về phía các thành viên thị trường
- Các ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước cần nhanh chóng hoạch định chiến lược, tìm kiếm những giải pháp toàn diện cho dịch vụ tài chính thông qua việc sử dụng các dữ liệu thông minh và hợp tác với nhiều ngành kinh doanh, trong đó không thể thiếu sự hợp tác với công ty Fintech và công ty viễn thông.
- Các tổ chức tài chính và đặc biệt là các định chế tài chính cần tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính.
Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt tập trung nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại trong các giao dịch tài chính, trong hoạt động thanh toán, trong tiếp cận các sản phẩm tài chính, ngân hàng…
...
Bài viết chi tiết mời độc giả xem trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 7/2018.