Sôi động thị trường tài chính tiêu dùng
Việc có nhiều thành viên mới tham gia, nhiều công nghệ ứng dụng vào hoạt động cho vay, mở rộng đối tượng khách hàng đã và đang tạo ra sự sôi động thị trường tài chính tiêu dùng (TCTD).
Tăng trưởng nhanh
Với quy mô dân số trên 92 triệu dân, trong đó, 70% dân số đang trong độ tuổi 15- 64; tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6%, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn cho thị trường TCTD.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính riêng trong năm 2017, TCTD tăng trưởng ở mức 65%, vượt qua mức tăng trưởng 50,2% của năm 2016 và vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (khoảng 19%/năm). Không chỉ có sự tham gia của các định chế tài chính trong nước mà thị trường TCTD của Việt Nam cũng đang hấp dẫn các tổ chức tài chính nước ngoài.
Trong vòng một năm trở lại đây, thị trường TCTD liên tục chứng kiến sự gia nhập của các công ty tài chính (CTTC) tên tuổi lớn như: Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) mua lại TechcomFinance; Shinhan Card mua lại CTTC Prudential Việt Nam (PVFC). Hay như 49% vốn HD Saison của HDBank thuộc về Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản); Tập đoàn Shinsei (Nhật Bản) giữ 49% cổ phần Mcredit (MB)...
Mới đây nhất CTTC CP Điện lực (EVN Finance) chính thức giới thiệu thương hiệu TCTD Easy Credit và ra mắt thị trường gói vay tiền mặt. Đối tượng khách hàng mà Easy Credit nhắm đến là những nhóm khách hàng chưa được các ngân hàng đặc biệt quan tâm và nhóm khách hàng có thu nhập trung bình với mức thu nhập hàng tháng tối thiểu là 4,5 triệu đồng...
Công nghệ hóa quy trình
Theo báo cáo mới nhất của Stoxplus, các CTTC hàng đầu hiện đang trong giai đoạn nắm bắt thị phần và bước vào chuyên nghiệp hóa. Việc số hóa quy trình, cũng như áp dụng các công nghệ tiên tiến của kỷ nguyên 4.0 được xem là chiến lược cần thiết để doanh nghiệp bứt phá, đảm bảo vị thế trong tương lai.
Đơn cử như ứng dụng di động của Công ty Home Credit Việt Nam mới ra mắt từ tháng 3/2017 nhưng tới nay đã có 2,5 triệu lượt tải về, đồng thời mỗi ngày có thêm khoảng 10.000 người sử dụng mới. Hay Easy Credit của EVN Finance, phát triển những sản phẩm mới trên nền tảng vận dụng Fintech, trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data nhằm cung cấp sản phẩm tài chính công nghệ cao tới khách hàng. Nền tảng công nghệ sẽ giúp các công ty TCTD tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại khu vực nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước).
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tiềm năng thị trường TCTD ở Việt Nam còn rất lớn, phát triển TCTD sẽ là trợ lực để đẩy lùi tín dụng đen - loại tín dụng gây ra thiệt hại, rủi ro lớn cho người dân. Hơn nữa, trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0, các tổ chức tài chính nước ngoài có những công cụ, công nghệ có thể giúp bổ sung những sản phẩm cho TCTD tại Việt Nam phát triển đa dạng, giúp người dân tiếp cận tín dụng nhanh hơn, hiệu quả hơn, kinh tế dân sinh phát triển hơn từ các nguồn vốn này.
TS. NguyễnTrí Hiếu: Người tiêu dùng phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ. Các CTTC cần coi trọng việc quản trị rủi ro trên các khoản vay, không nên quan tâm đến tăng trưởng dư nợ bằng mọi giá...