Tác động thực tế của Brexit đến kinh tế thế giới sau 2 tháng

Theo ncif.gov.vn

Sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã bắt đầu có những dấu hiệu tác động đầu tiên có thể nhận thấy đối với nền kinh tế thế giới, trong đó thể hiện rõ nhất tại nền kinh tế Anh, Eurozone và trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Số liệu thống kê của Anh trong tháng 7/2016 đã cho thấy những dấu hiệu của sự suy giảm chậm lại của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP của Anh chỉ đạt mức độ vừa phải: 0,6% trong quý II/2016 so với quý trước đó, thấp hơn rất nhiều so với mức 2,2% của cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo chỉ đạt 48,2 điểm trong tháng 7/2016, giảm đáng kể so với mức 52,4 điểm đạt được trong tháng 6/2016 và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2013. Tương tự, chỉ số PMI của lĩnh vực dịch vụ trong tháng 7 cũng chỉ đạt 47,4 điểm.  

Đồng bảng Anh tiếp tục xu hướng giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới Cụ thể, tính từ 23/6 đến ngày 26/7, đồng bảng Anh giảm 14,58% so với USD (trong khi tính từ đầu năm đến 1/6/2016, bảng Anh giảm nhẹ ở mức 2,2% so với USD), giảm 11,52% so với đồng EUR và 15,3% so với đồng Yên Nhật Bản sau sự kiện Brexit (23/6) đến thời điểm hiện nay (ngày 9/8).

Tỷ giá của đồng bảng Anh so với một số đồng tiền chủ chốt trên thế giới

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho thấy hầu hết các công ty của Anh đều không lường trước được kết quả trưng cầu dân ý, do đó nhiều công ty không có kế hoạch dự phòng.

BoE cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý sẽ làm sụt giảm hoạt động tuyển dụng lao động trong năm tới và một số công ty đang cân nhắc chuyển một số hoạt động sang các quốc gia châu Âu khác. Hoạt động tín dụng cũng được dự đoán là sẽ sụt giảm. Để đối phó với nguy cơ kinh tế suy yếu, ngày 4/8 vừa qua BoE đã giảm lãi suất từ 0,5% xuống còn 0,25%, lần giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2009.

Kinh tế khu vực châu Âu tháng 7/ 2016 cũng cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Số liệu thống kê mới nhất từ Eurostat cho thấy tăng trưởng GDP quý II/2016 của  khu vực này giảm mạnh so với quý I/2016.

Cụ thể, tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone chỉ đạt 0,3%, khu vực EU28 chỉ đạt 0,4% trong quý II, giảm so với mức 0,6% của khu vực Eurozone và mức 0,5% của khu vực EU28 trong quý trước, đồng thời cũng giảm mạnh so với mức 1,6% và 1,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hoạt động thương mại cho thấy sự trì trệ, nhất là trong những tháng gần đây.

Thống kê mới nhất cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực Eurozone đạt 826,6 tỷ EUR, gần như giữ nguyên không đổi so với mức của cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu đạt 721,3 tỷ EUR (giảm 3% so với cùng kỳ năm 2015).

Tựu chung lại, thương mại ngoại khối Eurozone thặng dư 105,3 tỷ EUR, tăng nhẹ so với mức 85,9 tỷ EUR của cùng kỳ năm trước. Thương mại nội khối 5 tháng đạt 705,5 tỷ EUR, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2015.

Đối với khu vực EU28, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa ra bên ngoài của khu vực EU28 trong 5 tháng đầu năm 2016 lần lượt đạt 699 tỷ EUR và 689,5 tỷ EUR, đều giảm 4% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, mức thặng dư thương mại chỉ đạt 9,5 tỷ EUR, giảm so với cùng kỳ năm ngoái 10,5 tỷ EUR). Thương mại nội khối trong khu vực đạt 282,1 tỷ EUR, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng của khu vực kinh tế châu Âu có xu hướng chững lại trong thời gian nửa đầu 2016 với chỉ số PMI tổng hợp của khu vực Eurozone gần như giữ nguyên không đổi, đặc biệt trong những tháng gần đây, PMI dự kiến trong những tháng tới có xu hướng giảm.

Thị trường lao động có cải thiện song theo xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực Eurozone tháng 5 và 6/2016 giữ nguyên không đổi ở mức 10,1%, chỉ giảm nhẹ so với mức  10,2% của 2 tháng trước.

Mặc dù vậy, đây là mức thất nghiệp thấp nhất của khu vực này kể từ tháng 7/2011. Tỷ lệ lạm phát vẫn chưa cho thấy nhiều dấu hiệu cải thiện nhanh hơn. Mức lạm phát của khu vực Eurozone trong tháng 6/2016 vẫn ở mức 0,1% (dự kiến tháng 7 là 0,2%).

Trên thị trường tài chính tiền tệ, Brexit làm gia tăng chênh lệch lãi suất doanh nghiệp khiến thị trường tài chính của Anh nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ biến động mạnh trong ngắn hạn.

Theo dõi Chỉ số chính sách kinh tế không chắc chắn (EPUI) của Anh và chênh lệch trái phiếu doanh nghiệp, có thể thấy rõ chỉ số này tăng mạnh trong giai đoạn gần đây, khiến chênh lệch lãi suất trái phiếu các doanh nghiệp bất ngờ tăng cao.

Tính không chắc chắn của các chính sách trong dài hạn sẽ kéo theo giá tài sản giảm, giảm tính thanh khoản của tín dụng ngân hàng và gia tăng chi phí của khu vực tư nhân.

Chỉ số không chắc chắn về chính sách và chênh lệch lãi suất trái phiếu

Liên quan đến chính sách tài chính tiền tệ của các nước, cho đến hiện tại, Mỹ đã trì hoãn việc tăng lãi suất 5 lần, và hiện nay mức lãi suất của Mỹ vẫn dừng lại ở biên độ 0,25-0,5% (giữ nguyên mức đưa ra từ tháng 12/2015).

Trong lần họp gần đây nhất, ngày 27/7, dù nhận định kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực hơn song Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay ở biên độ từ 0,25-0,5%.

Sau khi kết quả của cuộc họp 2 ngày trong tháng 7 kết thúc, các nhà đầu tư đã đưa ra dự báo khả năng tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 là 20,9% và khả năng sẽ chỉ có 1 đợt tăng lãi suất trong năm nay là 49,5%.

Giới chuyên gia nhận định, sự kiện Brexit là một trong những nguyên nhân chính khiến FED tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất.

Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, lo ngại về tăng trưởng kinh tế suy yếu và lạm phát của khu vực Eurozone, cũng như những rủi ro chính trị liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý "Brexit" vào ngày 23/6 tại Anh đã khiến ECB phải áp dụng một loạt các biện pháp nới lỏng tiền tệ tích cực như cắt giảm tỷ lệ lãi suất (cụ thể các mức lãi suất siêu thấp đang được ECB duy trì trong suốt 6 tháng đầu năm 2016: lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, cũng như lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức âm 0,4%), tăng lượng mua trái phiếu lên 80 tỷ euro/tháng và cấp vốn vay giá rẻ cho các ngân hàng.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ bao gồm chính sách siêu nới lỏng tiền tệ định tính và định lượng và lãi suất âm. Mới đây nhất, chính quyền Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá hơn 28.000 tỷ Yen (tương đương 266 tỷ USD). 

Gói kích thích kinh tế này bao gồm khoảng 13.000 tỷ Yen trong chi tiêu chính phủ. Các khoản chi công cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và thu hút thêm du khách quốc tế được tăng đáng kể.