Tác động từ năng lực sáng tạo, hợp tác đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp chế biến thủy sản

Chu Bảo Hiệp, Phước Minh Hiệp, Thái Anh Hòa

Nghiên cứu này đề xuất mô hình đánh giá tác động của năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực đổi mới vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng Bằng Sông Cửu Long và đề xuất một vai trò trung gian cho nhân tố năng lực đổi mới. Kết quả chỉ ra rằng, năng lực sáng tạo và năng lực hợp tác đã tác động đến kết quả kinh doanh và xác nhận vai trò trung gian cho nhân tố năng lực đổi mới. Kết quả nghiên cứu cũng đóng góp vào cơ sở lý thuyết và thực tiễn trong việc xây dựng mục tiêu về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, Việt Nam.

Giới thiệu

Tuy thị trường đầu ra của ngành chế biến thủy sản Đồng Bằng Sông Cửu Long trong 10 năm qua đã tăng trưởng và đa dạng hóa, nhưng vấn đề khó là làm thế nào đối phó với sự cạnh tranh ngày một gay gắt trên thị trường quốc tế. Đó là sự yếu kém trong việc xây dựng mối liên kết dọc giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi, cũng như mối liên kết ngang giữa các thành viên trong cùng ngành giữa các hộ nuôi trong các tổ chức kinh tế hợp tác; giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với nhau.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông và hệ thống logistics trong vùng chưa được đầu tư thích đáng và thiếu đồng bộ, khiến chi phí, giá thành và thời gian vận chuyển tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản còn hạn chế về khả năng nghiên cứu phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cũng như xây dựng thương hiệu riêng cho doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng Bằng Sông Cửu Long; do đó mục tiêu về kết quả kinh doanh đạt được không như mong muốn.

Làm thế nào để có thể giúp doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng Bằng Sông Cửu Long đạt mục tiêu về kết quả kinh doanh là vấn đề được quan tâm. Do đó, nghiên cứu này phân tích “Tác động của năng lực sáng tạo và năng lực hợp tác vào kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng Bằng Sông Cửu Long”.

Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết về quan điểm dựa vào nguồn lực (Resource-Based perspective) nhấn mạnh khả năng đặc biệt của doanh nghiệp (firm-specific capabilities) như là một yếu tố nền tảng của hiệu quả doanh nghiệp (Penrose, 1959). Teece và cộng sự (1997) nỗ lực xác định khả năng đặc biệt của doanh nghiệp và xem đó là nguồn lực lợi thế để kết hợp giữa năng lực và nguồn lực cho sự phát triển. Lý thuyết về cạnh tranh động được nhấn mạnh trong thị trường biến động mạnh và doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh nhờ vào khả năng khám phá và sáng tạo (Grimm và cộng sự, 2006).

Năng lực động có thể được xem như là một cách tiếp cận mới và có khả năng tích hợp để tìm hiểu các nguồn lực mới. Năng lực động là khái niệm đầy hứa hẹn cả về tiềm năng nghiên cứu và ứng dụng hỗ trợ để các nhà quản lý nỗ lực đạt được lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng. Một số quan điểm cho rằng, lợi thế cạnh tranh đòi hỏi việc khai thác khả năng nội bộ hiện có và bên ngoài của doanh nghiệp (Wernerfelt,1984).

Năng lực sáng tạo (CRE)

Nguồn lực quan trọng tiếp theo là sáng tạo trong môi trường kinh doanh động, và cơ bản nó là một cách mới để làm một công việc nào đó: cụ thể “sản phẩm mới” hoặc “một chất lượng mới” hoặc “một phương pháp sản xuất mới” hoặc “một thị trường mới” hoặc “một nguồn cung cấp mới” hoặc “một cấu trúc tổ chức mới” (Crossan và Apaydin, 2010). Sự tồn tại và thành công của những doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào khả năng sáng tạo và khả năng tạo giá trị (Wang và Ahmed, 2004).

Quan trọng trong đó, Raisal và cộng sự (2019) đã khẳng định rõ năng lực sáng tạo có tác động thuận chiều vào đổi mới của doanh nghiệp. Hơn nữa, Stephens & Carmeli (2016) đã đưa ra bằng chứng rằng, năng lực sáng tạo có tác động vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, Phuong & cộng sự (2022) đã chứng minh năng lực đổi mới có tác động cùng chiều tích cực vào kết quả kinh doanh. Do đó, tác giả đề xuất giả thuyết sau:

Đề xuất 1: Năng lực sáng tạo có tác động thuận chiều tích cực vào kết quả kinh doanh.

Đề xuất 2: Năng lực sáng tạo có tác động thuận chiều tích cực vào năng lực đổi mới.

Đề xuất 3: Năng lực đổi mới có tác động vào kết quả kinh doanh.

Căn cứ vào đề xuất 1,2,3, tác giả xây dựng đề xuất 4 là năng lực sáng tạo có tác động gián tiếp vào kết quả kinh doanh qua trung gian năng lực đổi mới.

Năng lực hợp tác (COOP)

Hợp tác là một chiến lược rất quan trọng của doanh nghiệp vì nó tạo ra lợi thế cạnh tranh. Các đối tác của doanh nghiệp như: Khách hàng, nhà cung cấp, các nhà đầu tư mạo hiểm, các tổ chức trung gian và thậm chí các đối thủ cạnh tranh cùng ngành hợp tác nhằm đạt được mục tiêu (Gemunden & cộng sự, 1996).

Hơn nữa Ping và cộng sự (2018) xác nhận năng lực hợp tác có tác động thuận chiều vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, Pongsathornwiwat và cộng sự ( 2019) cũng đã làm rõ rằng năng lực hợp tác có tác động vào năng lực đổi mới. Do đó, tác giả đề xuất như sau:

Đề xuất 5: Năng lực hợp tác có tác động thuận chiều tích cực vào kết quả kinh doanh

Đề xuất 6: Năng lực hợp tác có tác động thuận chiều tích cực vào năng lực đổi mới

Vì đề xuất 3 là năng lực đổi mới có tác động vào kết quả kinh doanh, dựa vào đề xuất 3,5,6, tác giả xây dựng đề xuất 7 năng lực hợp tác có tác động gián tiếp có ý nghĩa vào kết quả kinh doanh qua trung gian năng lực đổi mới.

Năng lực đổi mới (INNO)

Theo Tidd và cộng sự (2005) “Đổi mới” là quá trình biến đối cơ hội thành ý tưởng sáng tạo và hỗ trợ cải tiến quy trình, sản phẩm và dịch vụ của tổ chức. Thêm nữa, các nhà nghiên cứu đồng ý rằng “Đổi mới” có thể được chia thành các hình thức tương phản như kỹ thuật - hành chính. “Đổi mới công nghệ” được xem là việc vận hành công nghệ tiên tiến của tổ chức có tác động vào những quá trình tạo kết quả của tổ chức.

Kết quả kinh doanh (PER)

Thêm vào đó, Kết quả kinh doanh còn được đề cập đến những hoạt động dưới sự kiểm soát của các cá nhân, đóng góp vào mục tiêu của tổ chức và Kết quả kinh doanh có thể được đo lường theo trình độ, kỹ năng của các cá nhân (Brito và Oliveira, 2016).

Năng lực động và kết quả kinh doanh

Yếu điểm của các mô hình kinh tế học cổ điển là bỏ qua tiến trình động của môi trường. Để khắc phục yếu điểm này, các doanh nghiệp nên áp dụng lý thuyết năng lực động. Ngoài ra, lý thuyết năng lực động còn phân tích vào khả năng và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và còn tập trung vào những biến chuyển của môi trường (Easterby-Smith và cộng sự, 2009).

Căn cứ vào đề xuất 1,2,3,4,5,6,7 tác giả xây dựng các giả thuyết sau:

H1: Năng lực sáng tạo có tác động thuận chiều tích cực vào kết quả kinh doanh.

H2: Năng lực sáng tạo có tác động thuận chiều tích cực vào năng lực đổi mới.

H3: Năng lực đổi mới có tác động vào kết quả kinh doanh.

H4: Năng lực sáng tạo có tác động gián tiếp vào kết quả kinh doanh qua trung gian năng lực đổi mới.

H5: Năng lực hợp tác có tác động thuận chiều tích cực vào kết quả kinh doanh.

H6: Năng lực hợp tác có tác động thuận chiều tích cực vào năng lực đổi mới.

H7: Năng lực hợp tác có tác động gián tiếp vào kết quả kinh doanh qua trung gian năng lực đổi mới.

Cách thức phân tích dữ liệu

Sử dụng phân tích nhân tố khẳng định (CFA) kết hợp dùng mô hình SEM để kiểm định những giả thuyết của mô hình nghiên cứu và kết quả phân tích mô hình SEM cho thấy tất cả 7 giả thuyết đều được chấp nhận và đều có ý nghĩa.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Để có hiệu lực thích hợp, mỗi biến quan sát phải có hệ số tải lớn hơn 0,5 và cao hơn 0,7 để đạt được độ chính xác. Ngoài ra, Phương sai trung bình trích xuất (AVE) của từng nhân tố phải cao hơn 0,5 để đảm bảo độ tin cậy và tính hợp lệ. Bảng 1 trình bày mỗi cấu trúc với Cronbach's Alpha, Độ tin cậy tổng hợp (CR) và AVE và ghi nhận tất cả các cấu trúc là hoàn toàn chính xác, với các giá trị Cronbach Alpha lớn hơn 0,7, CR lớn hơn 0,7 (Nunnally và Bernstein, 1994), và AVE lớn hơn đáng kể 0,5 (Fornell và Larcker, 1981).

Để mô hình phù hợp cần đạt các điều kiện sau: CMIN/DF = 3, TLI => .90, CFI => .95, GFI => 0,9 và RMSEA < 0,08 (Hair và cộng sự, 2014). Theo đó, mô hình đạt được sự phù hợp với mô hình tốt với các chỉ số sau: CMIN/DF = 1,333; TLI = 0,992; CFI = 0,994; GFI = 0,965 và RMSEA = 0,025; do đó, mô hình phân tích nhân tố khẳng định (CFA) phù hợp với dữ liệu thị trường.

Bảng 1: Phân tích giá trị của biến năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực đổi mới và kết quả kinh doanh

ALPHA

CR

AVE

MSV

MaxR(H)

PER

INNO

CRE

COOP

 

PER

0.913

0.914

0.679

0.182

0.915

0.824

     

INNO

0.926

0.927

0.717

0.182

0.927

0.427

0.846

   

CRE

0.914

0.916

0.731

0.144

0.920

0.364

0.349

0.855

 

COOP

0.900

0.901

0.694

0.144

0.902

0.307

0.284

0.379

0.833

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

Kiểm định mô hình

Mô hình kiểm định phù hợp khi CMIN/DF = 1,333 ; TLI = 0,992; CFI= 0,994; GFI = 0,965; RMSEA = 0,025. Đối với kiểm định giả thuyết, hệ số path coefficients cho thấy, năng lực sáng tạo (β = 0,212; p = 0,000) có tác động vào kết quả kinh doanh (H1) và năng lực sáng tạo (β = 0,302; p = 0,000) có tác động vào năng lực đổi mới (H2); năng lực đổi mới (β = 0,315; p = 0,000) có tác động vào kết quả kinh doanh (H3); năng lực sáng tạo (β = 0,089; p = 0,000) có tác động gián tiếp vào kết quả kinh doanh qua trung gian năng lực đổi mới (H4); năng lực hợp tác (β = 0,206; p = 0,003) có tác động vào kết quả kinh doanh (H5) và năng lực hợp tác (β = 0,260; p = 0,000) có tác động vào năng lực đổi mới (H6); năng lực hợp tác (β = 0,056; p = 0,000) có tác động gián tiếp vào kết quả kinh doanh qua trung gian năng lực đổi mới (H7)

Thảo luận

Bảng 2: Tổng hợp kết quả tác động trực tiếp và gián tiếp

Quan hệ

Tác động trực tiếp

Tác động gián tiếp

Khoảng tin cậy

Giá trị P

Kết luận

Dưới

trên

H4

CRE -> INNO -> PER

0,282

0,317

0,089

0,053

0,144

0,000

Trung gian một phần

H7

COOP->INNO->PER

0,177

0,317

0,056

0,025

0,100

0,000

Trung gian một phần

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

 

Lý thuyết năng lực động được áp dụng trong nghiên cứu này làm nền tảng lý thuyết cho nghiên cứu để xem xét tác động của năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực đổi mới đối với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Qua đó, nhóm tác giả đã đề xuất mô hình nghiên cứu về kết quả kinh doanh.

Mô hình gồm năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực đổi mới với kết quả kinh doanh. Kết quả những giả thuyết được xây dựng đều được chấp nhận và vì vậy tất cả các giả thuyết đặt ra đều phù hợp với mô hình.

Do đó, nghiên cứu bổ sung thêm 2 nhân tố đó là năng lực sáng tạo và năng lực hợp tác tác động vào kết quả kinh doanh và xác định thêm vai trò trung gian của năng lực đổi mới đối với mối quan hệ giữa năng lực sáng tạo và năng lực hợp tác tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực sáng tạo có tác động cả vào kết quả kinh doanh và năng lực đổi mới, vì vậy, cần có cơ chế chính sách đầu tư phát triển năng lực sáng tạo cho các doanh nghiệp ngành thủy sản như:

- Tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao năng lực sáng tạo dành cho các doanh nghiệp thủy sản và mời các chuyên gia trong ngành thủy sản ở các quốc gia phát triển.

- Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản thăm quan mô hình công nghiệp chế biến thủy sản ở các quốc gia phát triển để từ đó nâng cao kiến thức sáng tạo trong chế biến thủy sản.

- Chuyển đổi cơ cấu ngành chế biến thủy sản giá trị gia tăng tại các vùng nguyên liệu sinh thái.

- Phát triển chuỗi giá trị thủy sản chủ lực của doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long.

- Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý và chế biến thủy sản.

Tiếp đến, kết quả nghiên cứu cho thấy, năng lực hợp tác có tác động vừa vào kết quả kinh doanh vừa vào năng lực đổi mới, vì vậy, cần:

- Xây dựng cơ chế hợp tác với các quốc gia phát triển về công nghệ chế biến thủy sản và tạo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp thủy sản tham gia hợp tác với các quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản phát triển.

- Phát triển hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Đồng Bằng Sông Cửu Long để tạo động lực hợp tác phát triển.

- Chú trọng thu hút đầu tư phát triển sản phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu có tính cạnh tranh cao kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua kiểm định cũng cho thấy, năng lực đổi mới có vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa năng lực sáng tạo và năng lực hợp tác, vì vậy, để đạt mục tiêu về kết quả kinh doanh thì các nhà quản trị cũng cần phải kết hợp năng lực hợp tác và năng lực sáng tạo với năng lực đổi mới thì mục tiêu về kết quả kinh doanh mới có đạt được như mong đợi.

Tài liệu tham khảo:

  1. Brito, R. P. D, & Oliveira, L. B. D. (2016). The Relationship Between Digital Human Resource Management and Organizational Performance. Brazilian Business Review, 13(3), 90–110;
  2. Crossan, M. M., & Apaydin, M. (2010). A multi-dimensional framework of organizational innovation: A systematic review of the literature. Journal of Management Studies, 47(6), 1154–1191;
  3. Easterby-Smith, M., Lyles, M. A., & Peteraf, M. A. (2009). Dynamic capabilities: Current debates and future directions. British Journal of Management, 20(1), 1–8. https://doi.org/10.1111/j.1467-8551.2008.00609;
  4. Gemünden, H. G., Ritter, T., & Heydebreck, P. (1996). Network configuration and innovation success: An empirical analysis in German high-tech industries. International Journal of Research in Marketing, 13(5), 449–462. https://doi.org/10.1016/S0167-8116(96)00026-2;
  5. Grimm, C. M., Lee, H., & Smith, K. G. (2006). Strategy as action: Competitive dynamics and competitive advantage. Oxford: Oxford University Press;
  6. Penrose, E. T. (1959). The Theory of the Growth of the Firm. New York: John Wiley;
  7. Phuong, L. N., Tuan, K. C., Duc, N. N., & Thi, U. N. (2022). The Impact of Absorption Capability, Innovation Capability, and Branding Capability on Firm Performance—An Empirical Study on Vietnamese Retail Firms. Sustainability (Switzerland), 14(11), 1–17.