Tách bạch nội dung kiểm toán trong dự án PPP
Ban Soạn thảo và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu việc có để Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiểm toán dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) hay không, khi hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư PPP vừa được Quốc hội thảo luận. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, KTNN chỉ kiểm toán vốn, tài sản nhà nước trong dự án, chứ không kiểm toán toàn bộ dự án.
PV: Kiểm toán dự án BT, BOT giao thông, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn, giảm giá trị đầu tư, xử lý tài chính hàng ngàn tỷ đồng. Vì vậy, khi thảo luận Dự thảo Luật Đầu tư PPP, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục để KTNN kiểm toán dự án PPP?
Ông Nguyễn Văn Phúc: Khi chưa có Luật Đầu tư PPP, kiểm toán dự án BOT, BT là đúng, song khi có luật rồi, thì chỉ được kiểm toán tài sản và phần vốn nhà nước tham gia dự án; còn vốn, tài sản của nhà đầu tư là tài sản tư nhân, thì KTNN không có quyền kiểm toán.
KTNN cho biết, riêng năm 2018, cơ quan này thực hiện kiểm toán 8 dự án BOT giao thông, đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn tại 7 dự án, với tổng thời gian là 16,2 năm, giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng; kiểm toán 7 dự án BT giao thông, đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng.
Tất cả các dự án trên đều do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Nhưng hơn 20 năm qua, từ khi áp dụng đầu tư PPP, chúng ta không chỉ thu hút đầu tư BOT, BT vào giao thông, mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Riêng lĩnh vực năng lượng, cụ thể là xây dựng nhà máy điện, đã thu hút được 18 dự án BOT, với tổng vốn khoảng 857.209 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
KTNN có muốn kiểm toán các dự án này cũng không được, vì không nhà đầu tư nước ngoài nào chấp nhận cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát tài sản, vốn, công nghệ của họ.
KTNN có quyền thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, điều này đã được hiến định. Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, KTNN có quyền kiểm toán dự án PPP vì dự án sử dụng tài chính công, tài sản công?
Luật KTNN hiện hành quy định, đối tượng được kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tới hoạt động KTNN, nhưng lại không giải thích thế nào là “tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Vì vậy, mặc nhiên được hiểu rằng, dự án BOT, BT giao thông có tài chính công là phần vốn nhà nước tham gia dự án và có tài sản công là đất đai, nên KTNN được quyền kiểm toán.
Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày mai (26/11) đã làm rõ nội hàm khái niệm này.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Có nghĩa là, khi kiểm toán vốn, tài sản nhà nước tham gia dự án BOT, BT, nếu phát hiện vốn, tài sản nhà nước tham gia dự án được sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng, chưa tuân thủ đủ các điều kiện, quy trình, thủ tục, thì KTNN đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu giải trình, chứ không phải là kiểm toán toàn bộ dự án như lâu nay.
Vốn, tài sản nhà nước tham gia dự án được hòa chung với dự án, thì làm sao tách bạch được “đồng nào mua muối, đồng nào mua rau” để chỉ kiểm toán riêng phần vốn, tài sản nhà nước, thưa ông?
Trên thực tế, tài sản nhà nước góp vào dự án PPP chỉ có đất đai, tức là Nhà nước giao “đất sạch” cho nhà đầu tư.
Vì vậy, UBND cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.
Vốn nhà nước chỉ tham gia hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng, công trình phụ trợ thuộc dự án PPP; thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thuộc dự án PPP; hỗ trợ bồi thường, tái định cư.
Phần vốn, tài sản nhà nước hoàn toàn có thể tách thành dự án riêng (dự án thành phần) tương tự tách phần giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ, tái định cư ra làm dự án riêng trong Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Nếu vốn nhà nước được hòa trong đầu tư chung, cũng phải tách ra thành một gói thầu cụ thể. KTNN chỉ kiểm toán phần vốn, tài sản nhà nước đối với dự án thành phần, gói thầu cụ thể mà thôi.
Nếu vậy, làm sao có thể tránh được tình trạng khuất tất, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường…?
Nhà nước tham gia dự án PPP bình đẳng với doanh nghiệp như một đối tác và mỗi đối tác có quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ khác nhau được quy định cụ thể trong hợp đồng.
Sau khi hoàn thành công trình, hệ thống hạ tầng, cơ quan ký kết hợp đồng và nhà đầu tư quyết toán vốn đầu tư xây dựng.
Chi phí đầu tư được quyết toán là chi phí xây dựng công trình được xác định tại hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Như vậy, nếu chi phí nhà đầu tư bỏ ra vượt quá giá trị được xác định trong hợp đồng, thì nhà đầu tư phải chịu theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”.
Ngược lại, nhà đầu tư hoàn thành công trình trước thời hạn; áp dụng công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí, nên tiết kiệm được chi phí đầu tư được xác định tại hợp đồng, thì nhà đầu tư được hưởng, chứ không có chuyện điều chỉnh thời hạn hợp đồng hoặc mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ. Cần phải quy định cụ thể việc này.
Cơ quan ký kết hợp đồng phải thỏa thuận với doanh nghiệp tại hợp đồng việc lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc kiểm toán vốn đầu tư xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng, nhằm giảm thiểu tình trạng chủ đầu tư khai khống, chi khống để nâng giá trị công trình.
Còn KTNN thực hiện kiểm toán vốn, tài sản nhà nước ngay từ khi lập dự án, tránh tình trạng quyết toán xong, công trình đi vào vận hành, khai thác mới kiểm toán, thì không khác gì kiểm tra lại việc đã rồi.
Xin cảm ơn ông!