Tách MobiFone ra khỏi VNPT để cổ phần hóa

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Theo đề nghị của Bộ Thông tin Truyền thông, Chính phủ đã đồng ý cho tách Công ty Thông tin di động MobiFone ra khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT) để cổ phần hóa.

Tách MobiFone ra khỏi VNPT để cổ phần hóa
Chính phủ đã cho phép tách MobiFone ra khỏi VNPT để cổ phần hóa. Nguồn: internet

Chính thức tách MobiFone

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 của Chính phủ diễn ra vào chiều muộn ngày 1/4 tại Hà Nội.

Ông Nên cho biết, Chính phủ đã thông qua phương án trên trong buổi làm việc với Bộ Thông tin Truyền thông vào chiều 31/3 về việc tái cơ cấu VNPT. Thường trực Chính phủ đã họp và đồng ý với đề xuất của Bộ Thông tin Truyền thông, đồng ý tách phần viễn thông di động để chuẩn bị cổ phần hoá; phần còn lại của VNPT tiếp tục tái cơ cấu để vững mạnh hơn.

Tuy nhiên, một nguồn tin của phóng viên cho biết, Chính phủ thông qua phương án tách riêng MobiFone để cổ phần hoá chứ không làm theo phương án mà VNPT và Bộ Thông tin Truyền thông đề xuất là MobiFone sẽ được tách ra kèm một số công ty thành viên khác của VNPT đang làm ăn yếu kém rồi mới cổ phần hóa.

Có mặt tại buổi họp báo trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, sau khi tách MobiFone ra khỏi VNPT, công ty này sẽ trực thuộc Bộ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ này cần nhanh chóng cổ phần hóa MobiFone và tái cơ cấu VNPT để hình thành thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh.

Trong một diễn biến khác, cung cấp thông tin cho báo chí tại một cuộc hội thảo về tái cơ cấu thị trường viễn thông được tổ chức mới đây, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, phương án tái cơ cấu mà tập đoàn này trình lên Bộ và Chính phủ là VNPT không quản lý cùng lúc hai mạng di động; MobiFone sẽ tách ra khỏi VNPT và thành lập Tổng Công ty Thông tin di động cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động và MobiFone là một thành viên.

Ai được lợi khi cổ phần hóa MobiFone?

Theo ý kiến của các chuyên gia, khi cổ phần hóa MobiFone, cả nền kinh tế và người sử dụng dịch vụ di động đều được lợi.

Trả lời phỏng vấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, việc cổ phần hóa MobiFone mang lại nhiều lợi ích như thu được khoản tiền lớn, từ đó doanh nghiệp có thể sử dụng một phần để mở rộng mạng lưới, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. "Điều quan trọng là khi thay đổi loại hình doanh nghiệp, sau khi cổ phần hóa thì tính chủ động và sự năng động của doanh nghiệp cao hơn. Lợi ích của các cổ đông sẽ là sức ép buộc công ty phải thay đổi quy trình quản lý, quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh”, ông Thắng nói.

Cũng tại cuộc tọa đàm tái cơ cấu thị trường viễn thông nêu trên, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, khi cổ phần hóa MobiFone sẽ có một nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, công nghệ và kỹ năng quản lý... nên MobiFone sẽ tốt hơn do nâng cao được hiệu quả hoạt động, tạo động lực thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường viễn thông, tạo được áp lực cạnh tranh cho hai doanh nghiệp viễn thông lớn khác trên thị trường là Viettel và VinaPhone, buộc các doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Cũng tại tọa đàm trên, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch công ty MobiFone cho hay, việc Thủ tướng đồng ý với phương án tách MobiFone ra khỏi VNPT thành một tập đoàn riêng và tiến hành cổ phần hóa là một cơ hội chủ động sáng tạo, mở rộng phát triển cho MobiFone so với hiện tại để mở rộng quy mô, khả năng phát triển, phục vụ khách hàng tốt hơn, đóng góp cho Nhà nước nhiều hơn.

Một lãnh đạo của Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel cho rằng, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ tạo động lực để thị trường bứt phá. MobiFone cổ phần hóa sẽ buộc Viettel, VinaPhone phải tăng tốc cải cách. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp viễn thông, nền kinh tế và cả người dùng dịch vụ di động.

Cũng nói về việc cổ phần hóa MobiFone, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc công ty cổ phần CMC (đơn vị tham gia thị trường viễn thông với dịch vụ internet cố định) cho rằng, nếu ba doanh nghiệp viễn thông chiếm vị thế chi phối thị trường như Viettel, VinaPhone, MobiFone tiếp tục là doanh nghiệp nhà nước thì rất đáng lo ngại. Và doanh nghiệp tư nhân như CMC sẽ không còn “cửa” nào phát triển.

“Tuy nhiên, nếu MobiFone tách ra để sẵn sàng cổ phần hóa, thì đó là dấu hiệu đáng mừng. Bởi nếu hình thành được một doanh nghiệp có vốn đầu tư tư nhân tầm cỡ, lại là một trong ba doanh nghiệp trụ cột về viễn thông di động thì thị trường sẽ có cạnh tranh. Khi thị trường viễn thông đã theo quy luật thị trường (điều mà trước đây chưa có) thì CMC mới có cơ hội và khả năng phát triển,” ông Chính nói.