Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư: Thêm những “điểm nhấn”

ThS. TRẦN THỊ VÂN HUYỀN

(Tài chính) Sự ra đời của mô hình quỹ mở tạo nên “điểm nhấn” cho chiến lược tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là hướng đi đúng, phù hợp với chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đã được Chính phủ phê duyệt.

NĐT cá nhân đã giúp cho TTCK nhanh chóng trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Nguồn: internet
NĐT cá nhân đã giúp cho TTCK nhanh chóng trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Nguồn: internet

Nhận diện “bức tranh” cũ…

Tính đến tháng 6/2014, trong khoảng 1,4 triệu tài khoản của NĐT mở trên TTCK Việt Nam, số lượng NĐT cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Ở khối các NĐT nước ngoài với khoảng 17.000 tài khoản, quản lý danh mục gần 12 tỷ USD, các NĐT tổ chức chỉ chiếm gần 15% nhưng lại nắm giữ tới 99% tổng danh mục đầu tư. Tỷ trọng tham gia TTCK của các NĐT tổ chức trong nước cũng thấp với chỉ khoảng 75.000 tỷ đồng được quản lý bởi các quỹ, còn lại là thuộc về các NĐT cá nhân... Giá trị tài sản của NĐT tổ chức cả trong và ngoài nước ở thời điểm đầu năm nay ước đạt khoảng 11% GDP của Việt Nam (năm 2013), thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực như Malaysia là 66%, Thái Lan là 22% GDP.

Không thể phủ nhận việc tham gia tích cực của đông đảo các NĐT cá nhân đã giúp TTCK Việt Nam “bùng nổ” trong giai đoạn trước đây, góp phần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như tăng vốn nhanh cho các công ty đại chúng. Chính các NĐT cá nhân đã giúp cho TTCK nhanh chóng trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, từng bước đặt nền móng phát triển hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán, góp phần hình thành các NĐT tổ chức chuyên nghiệp.

Ưu điểm nữa từ sự góp mặt của đông đảo các NĐT cá nhân đó là sự luân chuyển mạnh của dòng vốn ngắn hạn, tạo thanh khoản tốt cho thị trường. Tuy nhiên, việc thị trường tồn tại đa số NĐT cá nhân đã khiến TTCK biến động nhanh, mạnh và bất thường do tâm lý đám đông. Các NĐT này dễ bị tổn thương, gây khó khăn cho việc huy động vốn, cổ phần hóa DNNN và là yếu tố khiến TTCK chưa thể phát triển bền vững. Kinh nghiệm và sự hiểu biết của công chúng đầu tư còn chưa cao, đặc biệt là nhận thức hạn chế về quyền của cổ đông trong các vấn đề liên quan tới quản trị công ty đôi khi gián tiếp làm giảm hiệu quả hoạt động của DN.

Đẩy mạnh tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư

Việc phát triển NĐT tổ chức là vấn đề cần quan tâm, vì đây chính là cơ sở để TTCK phát triển ổn định và là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020. Bởi vậy, việc ra đời mô hình quỹ mở từ đầu năm 2012 đến nay đã góp phần chuyển đổi cơ sở NĐT khi từ đây sẽ có nhiều hơn các NĐT chuyên nghiệp trên thị trường.

Theo TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), sau khi có 10 quỹ mở ra đời trong năm 2013 (4 quỹ được chuyển đổi từ quỹ đóng), dự báo TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục có 5 quỹ ra đời trong năm 2014. Trên cơ sở này, cơ quan quản lý sẽ từng bước tập trung phát triển mạnh NĐT tổ chức làm nền tảng hỗ trợ sự tăng trưởng của TTCK, định hướng bởi hoạt động đầu tư giá trị của các NĐT tổ chức.

Nhằm đẩy mạnh hướng đi trên, UBCKNN sẽ hoàn thiện các quy định hướng dẫn đồng bộ những sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán dành cho các NĐT có mức chấp nhận rủi ro khác nhau và các quỹ đầu tư đa mục tiêu, nhằm kết nối thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản với TTCK. Triển khai thí điểm các quỹ hưu trí tự nguyện, trước mắt cho phép các công ty quản lý quỹ huy động và quản lý các quỹ hưu trí tự nguyện trong khối các DN có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện các tổ chức nước ngoài, các ngân hàng thương mại cổ phần...

Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ nghiên cứu, từng bước xây dựng cơ chế thuế nhằm khuyến khích các hình thức đầu tư tập thể, khuyến khích việc tham gia đầu tư vào TTCK thông qua quỹ đầu tư, phù hợp các với thông lệ quốc tế. Nâng cao chất lượng và đạo đức người hành nghề quản lý tài sản. Xã hội hóa hoạt động đào tạo người hành nghề kinh doanh chứng khoán, tiến tới đào tạo người hành nghề có chất lượng theo chuẩn mực quốc tế, bảo đảm người hành nghề có đủ kỹ năng cần thiết để tư vấn và quản lý tài sản.

Cơ quan quản lý cũng sẽ không ngừng tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và sự tiện lợi trong hoạt động giao dịch cho NĐT, từng bước triển khai áp dụng các kỹ thuật hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, góp phần phát triển TTCK, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, kết hợp với việc tăng cường công tác quản lý, giám sát, chủ động đối phó với biến động của dòng vốn này. Điều chỉnh quy định về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài tại các DN phù hợp với các cam kết quốc tế và lộ trình phát triển thị trường vốn. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho NĐT nước ngoài dễ tiếp cận TTCK Việt Nam. Phân định rõ và giải quyết mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài, có cơ chế chuyển đổi từ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sang công ty cổ phần để niêm yết.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 6 - 2014