Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: Cách làm "rất Việt Nam"
(Tài chính) Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khuyến khích các ngân hàng thuộc nhóm G14 tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống bằng cách tự tìm cho mình một ngân hàng nhỏ, yếu kém để sáp nhập vào hệ thống của mình. Với cách làm này, NHNN hy vọng quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ đạt được nhiều mục tiêu, vừa giảm số lượng ngân hàng, vừa không dùng tới tiền ngân sách.
Đây có thể là lý do mà thời gian qua, thị trường liên tục đón nhận thông tin sẽ tìm kiếm đối tác để sáp nhập vào hệ thống. Tính đến thời điểm này, đã có 2 cặp đôi xác định "về cùng một nhà", đó là MaritimeBank - MeKongBank và Sacombank - Phương Nam. Ngoài ra, Vietcombank, Vietinbank, MB, SeABank, DongABank, ABBank… cũng đang tìm kiếm đối tác để sáp nhập. Dự kiến, đến nửa cuối năm, thị trường sẽ có thêm vài thông tin cụ thể hơn về những cái bắt tay về "chung một mái nhà".
Công cuộc tìm kiếm
Tuy vậy, công cuộc tìm kiếm đối tác xem ra không hề đơn giản, bởi mục tiêu và thực tế thường không tương xứng. Ví như MB chẳng hạn. tại ĐHCĐ, MB cho biết sẽ tìm kiếm ngân hàng để sáp nhập vào hệ thống nhưng 2 năm qua, MB vẫn tìm kiếm các đối tác. "Thực tế có vài đối tác tìm hiểu nhưng do chưa phù hợp, chất lượng tài sản chưa tốt nên chưa hợp tác", ông Lưu Công Thái, Phó Chủ tịch HĐQT MB cho biết.
MB đặt tiêu chí tổ chức tín dụng cùng sáp nhập phải là ngân hàng có hệ thống chi nhánh để hỗ trợ tăng chi nhánh, phát triển mạng lưới; có cơ sở khách hàng để tăng số lượng khách hàng; có tỷ lệ nợ xấu thấp, tỷ lệ an toàn vốn cao theo đánh giá minh bạch, rõ ràng để hợp nhất và sẽ ưu tiên các ngân hàng có cổ đông lớn có chung tầm nhìn với MB.
Theo ông Đặng Bảo Khánh, Tổng Giám đốc SeABank, ngân hàng đã tiếp xúc với vài đối tác, tuy nhiên, hiện vẫn chưa chốt được đối tác nào. SeABank muốn tìm kiếm đối tác có "đại bản doanh" ở TP. Hồ Chí Minh, với mục tiêu sẽ thâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này.
Có một thực tế, hiện nay, những ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội khi tìm kiếm khách hàng ở miền Nam thường rất khó khăn. Do vậy, nếu tìm được một đối tác phù hợp để sáp nhập mà có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh thì SeABank sẽ mở rộng được mạng lưới khách hàng ở thị trường năng động này. Hiện nay, mạng lưới khách hàng của SeABank ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung đã tương đối ổn định.
DongABank, PGBank, ABBank… cũng đang ráo riết tìm kiếm đối tác để sáp nhập, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có thêm nhiều thông tin ra thị trường. Hiện PGBank vẫn đang được xác định sẽ về một nhà với Vietinbank. Tuy vậy, lãnh đạo PGBank không có ý kiến gì về thông tin này mà chỉ nói là vẫn đang trong quá trình lựa chọn đối tác.
Thực tế, việc tái cơ cấu không chỉ còn xuất phát một phía từ NHNN mà bản thân các ngân hàng thương mại cũng đã ý thức được việc phải tự tái cơ cấu bản thân để nâng cao tính cạnh tranh. Do vậy, song song với những trường hợp sáp nhập của các đối tượng ngân hàng yếu kém, các ngân hàng không trong diện yếu kém cũng đã chủ động tìm kiếm đối tác sáp nhập nhằm tăng quy mô và nâng cao tính cạnh tranh.
Mục tiêu "3 trong 1"
Với việc tham gia tích cực của các ngân hàng thuộc nhóm G14, theo giới phân tích, từ nay đến cuối năm, hoạt động mua bán sáp nhập vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Trong dài hạn, theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ giảm từ 39 xuống khoảng 15 - 17 ngân hàng.
Cách làm này khiến cho giới chuyên gia nước ngoài lo ngại vì tốc độ xử lý chậm. Trong chuyến công tác tại Việt Nam mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lo ngại rủi ro trong nước có thể trở thành hiện thực bắt nguồn từ những khó khăn của khu vực ngân hàng nếu thiếu một gói cải cách toàn diện, đặc biệt là nguồn lực tài chính và cải cách pháp lý nhằm đẩy nhanh tốc độ cải cách ngân hàng và xử lý nợ xấu.
IMF cũng lý giải rằng Việt Nam có thể đẩy nhanh cải cách ngân hàng hơn nữa. Các bước đi quan trọng bao gồm việc ghi nhận nợ xấu một cách kỹ lưỡng và cách thức xử lý nợ xấu nhanh hơn (từ cải cách các văn bản pháp lý liên quan đến tăng cường hoạt động của VAMC và tăng vốn cho các ngân hàng).
Tuy nhiên, giới chuyên gia trong nước lại tỏ ra ủng hộ với cách làm này của NHNN. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng NHNN cùng với trải nghiệm thực tiễn đã xác định được một "liều lượng thuốc" vừa phải để thực hiện 3 mục tiêu trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: lành mạnh hóa hệ thống, đảm bảo hệ thống ổn định hoạt động và không phải sử dụng tiền ngân sách.
"Tuy vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục làm nhưng trong hơn 2 năm qua, NHNN đã cơ bản thực hiện được mục tiêu, có thể nói là quan trọng nhất, đó là ổn định hệ thống. Một số ngân hàng được sáp nhập hoạt động tốt lên, không gây xáo trộn tâm lý thị trường và người dân, qua đó tạo dựng thêm lòng tin vào quyết tâm và khả năng ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ", ông Thành bình luận.
Hơn nữa, cũng phải tính đến kịch bản tác dụng ngược nếu chúng ta làm quá nhanh và quá mạnh (nhất là khi lại thiếu đồng bộ với tái cấu trúc các lĩnh vực khác) thì không loại trừ việc làm bất ổn hệ thống, hoặc chính ngân hàng được tái cấu trúc lại hoạt động không hiệu quả, "rủi ro đạo đức" tăng cao vì được hỗ trợ nhiều. Một ngân hàng yếu kém cần phải tái cấu trúc cũng giống như một cơ thể ốm yếu, cách chữa chạy phải thích hợp cả về liều lượng (dù là thuốc bổ) và tiến độ, ông Thành phân tích.