Tái cấu trúc thị trường chứng khoán: Từ thực trạng đến lộ trình thực hiện
Sau hơn 12 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần giải quyết nhu cầu về vốn của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thu hút đầu tư nước ngoài và từng bước xã hội hóa hoạt động đầu tư của công chúng. Tuy nhiên, là một thị trường mới hình thành, lại chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, TTCK Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Không phải đến thời điểm này, câu chuyện tái cấu trúc TTCK mới được nhắc đến nhiều như vậy mà vấn đề này đã được đề cập từ đầu năm 2012 trong bối cảnh thị trường đã có dấu hiệu suy giảm mang tính hệ thống: giá chứng khoán liên tục sụt giảm, đa phần các công ty chứng khoán (CTCK), công ty niêm yết (công ty NY) bị thua lỗ, không ít nhà đầu tư mất niềm tin và dần rút khỏi thị trường... Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, một loạt chính sách nhằm sắp xếp, đổi mới và từng bước tái cấu trúc TTCK đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Thực tiễn triển khai tái cấu trúc TTCK
Từ đầu năm 2012, Chính phủ đã có những động thái tích cực trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và từng bước tái cấu trúc TTCK. Ngày 01/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó đặt ra những mục tiêu để phát triển TTCK.
Ngay sau đó, Chỉ thị 08/CT- TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ ra đời, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, các Bộ, ngành tăng cường công tác giám sát để thúc đẩy và tăng cường công tác quản lý, giám sát TTCK.
Trước đó, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK (Ban hành kèm theo Quyết định số 62/QĐ-BTC ngày 10/01/2012). Có thể nói đây là những văn bản pháp lý quan trọng để các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thực hiện một số biện pháp để từng bước tái cấu trúc thị trường.
Tái cấu trúc các CTCK
Nhận thấy tầm quan trọng của các CTCK đối với thị trường và trên thực tế, tính đến đầu năm 2012, các CTCK liên tục bị thua lỗ và thường xuyên vi phạm các quy định pháp luật. Vì thế, ngay sau khi ban hành, UBCKNN đã triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc các CTCK với nội dung trọng tâm là phân chia các CTCK thành 3 nhóm: nhóm bình thường, nhóm kiểm soát và nhóm kiểm soát đặc biệt, dựa trên việc xem xét các chỉ tiêu an toàn tài chính quy định tại Thông tư 226/2010/TT-BTC và kết quả hoạt động kinh doanh với 2 chỉ tiêu quan trọng là vốn khả dụng/tổng rủi ro và tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ để quản lý.
UBCKNN đã tăng cường giám sát thông qua việc thực hiện chế độ báo cáo hàng tuần, hàng tháng; kiểm tra thực tế và tăng cường chỉ đạo 2 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (TTLKCK) giám sát đối với hoạt động của các công ty này. Sau gần một năm triển khai, UBCKNN đã đặt 11 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt, 03 CTCK vào diện kiểm soát, đồng thời yêu cầu các công ty này xây dựng phương án, kế hoạch khắc phục.
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng rút nghiệp vụ môi giới của 4 CTCK, nghiệp vụ tự doanh của 02 công ty, bảo lãnh phát hành của 01 công ty, đình chỉ hoạt động 03 công ty, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của 04 công ty. Trong tổng số 125 chi nhánh CTCK và 75 phòng giao dịch được cấp phép thành lập, thị trường đã thu gọn còn 105 chi nhánh (giảm 20 chi nhánh) và 64 phòng giao dịch (giảm 11 phòng giao dịch). Kết quả trên cho thấy, UBCKNN đã có những nỗ lực đáng kể trong việc sắp xếp, kiện toàn lại các CTCK, giải quyết những tồn đọng khi thị trường có quá nhiều CTCK so với quy mô của thị trường, gây khó khăn cho hoạt động của thị trường.
Tái cấu trúc SGDCK
Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 đề ra mục tiêu tái cấu trúc thị trường giao dịch theo hướng cả nước chỉ có một SGDCK và từng bước CPH SGDCK để đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động, thuận tiện trong nâng cao năng lực quản trị và thu hút vốn từ các thành viên thị trường.
Trên thế giới, hiện có nhiều nước và vùng lãnh thổ chỉ có duy nhất một SGDCK. Các nước có quy mô thị trường lớn có thể có nhiều SGDCK nhưng mỗi Sở thường chuyên về một loại hàng hóa nhất định với cơ chế giao dịch khác biệt. Riêng SGDCK Thái Lan có tới 4 sàn giao dịch chuyên về 4 loại hàng hóa khác nhau. Đối với TTCK Việt Nam, với quy mô thị trường như hiện nay, việc tồn tại hai SGDCK với những hàng hóa, cơ chế giao dịch không có nhiều khác biệt có thể gây lãng phí nguồn nhân lực, chi phí cũng như cơ sở vật chất và hạn chế năng lực canh tranh trên thị trường quốc tế.
Việc sáp nhập hai Sở sẽ khắc phục được nhược điểm này và đây cũng là yêu cầu phù hợp với thông lệ quốc tế nhiều SGDCK tại nhiều nước đang thực hiện phương án sáp nhập. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sáp nhập hai Sở sẽ giúp nhà đầu tư tăng khả năng tiếp cận thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế. Có thể nói đây là một trong những công việc cấp bách để khắc phục những hạn chế của thị trường.
Các biện pháp tái cấu trúc TTCK, dù đã đạt được những kết quả nhất định, song thị trường vẫn còn nhiều tồn tại. Chỉ tính riêng trong năm 2012, có trên 50% trong tổng số 105 CTCK bị thua lỗ và 70% CTCK trong đó có lỗ lũy kế. Phương án sáp nhập hai SGDCK đã được đưa ra nhưng chúng ta vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai trên thực tế.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, khối lượng và giá trị giao dịch đạt thấp, chỉ số VN Index, HNX Index liên tục sụt giảm, nhiều công ty bị hủy niêm yết do thua lỗ. Theo số liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2012, so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp niêm yết lỗ lũy kế là 143 công ty, tăng gấp 1,7 lần, số công ty có lợi nhuận sụt giảm là 438 công ty, tăng 12%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình chỉ đạt 8% (thấp hơn lãi suất ngân hàng).
Nhìn chung, việc triển khai tái cấu trúc TTCK là bước đi cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, ngoài Đề án tái cấu trúc CTCK, các giải pháp tái cấu trúc thị trường còn chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống. Rõ ràng, thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có một giải pháp tổng thể, vừa mang tính định hướng chiến lược, vừa phải xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện một cách hiệu quả.
Biện pháp tổng thể tái cấu trúc TTCK
Sau nhiều tháng chờ đợi, TTCK Việt Nam đã đón nhận một sự kiện rất quan trọng, đánh dấu một cột mốc cho sự cải tổ toàn diện TTCK Việt Nam, đó là việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm” ban hành kèm theo Quyết định số 1826/2012/QĐ-TTg ngày 06/12/2012.
Đối với TTCK, Đề án đã xác định các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và hoạch định các giải pháp để tái cấu trúc TTCK trên tất cả các phương diện từ cơ sở hàng hóa trên thị trường, tái cấu trúc thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Điểm nổi bật của Đề án là việc tái cấu trúc TTCK được hình thành trên cơ sở xác định phạm vi, hoạch định những mục tiêu và có biện pháp cụ thể. Nếu như trước đây, chúng ta đặt nhiệm vụ tái cấu trúc CTCK lên trên hết thì Đề án này đã xác định cần phải tái cấu trúc toàn diện TTCK, trong đó đưa ra các vấn đề ưu tiên thực hiện trước và đặt trọng tâm đối với từng lĩnh vực, cụ thể như sau:
- Tái cấu trúc cơ sở hàng hóa trên thị trường: Rõ ràng, dù đã vận hành được hơn 12 năm nhưng hàng hóa trên TTCK Việt Nam còn đơn điệu. Ngoài cổ phiếu, trái phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên hai SGDCK, chúng ta chưa có các loại hàng hóa mới như chứng khoán phái sinh, các loại chứng chỉ quỹ đầu tư, các loại cổ phiếu niêm yết chất lượng chưa cao... Vì thế, việc xây dựng định hướng để hoàn thiện các vấn đề này đã được xác định rõ trong Đề án với những nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường; Tăng cường tính minh bạch trên TTCK; Nâng cao chất lượng quản trị công ty (QT công ty ), quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành; Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các hoạt động liên quan đến phát hành, niêm yết, công bố thông tin, QT công ty trên TTCK.
- Tái cấu trúc thị trường TPCP và trái phiếu doanh nghiệp: Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vì hiện nay các giao dịch trái phiếu ít được các nhà đầu tư quan tâm thực sự. Thị trường TPCP và TPDN được coi là thi trường tiềm năng nhưng hiện nay, do thị trường này chưa thực sự phát triển nên chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Việc phát triển cơ sở hàng hóa cho thị trường trái phiếu sẽ gắn liền với chủ trương sáp nhập hai SGDCK, trong đó sẽ tập trung xây dựng một sàn chuyên giao dịch trái phiếu.
- Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư: Với một TTCK còn non trẻ, chúng ta rất cần sự tham gia của những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những nhà tạo lập thị trường để làm tăng sức cầu cho thị trường. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam hiện nay vẫn thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp, một phần nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, một phần vì Việt Nam chưa có cơ chế phát triển các nhà đầu tư tổ chức. Theo đó, quy mô giao dịch trên thị trường của các nhà đầu tư tổ chức chưa cao. Vì thế, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư sẽ được triển khai theo hướng: đẩy mạnh đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp, nhằm tạo sức cầu ổn định, giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững; củng cố lòng tin và khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tích cực tham gia thị trường, tăng thanh khoản cho thị trường, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Đề án cũng đề ra các biện pháp để đối phó với sự biến động của dòng vốn ngoại, bài học mà chúng ta có được từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
- Tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán: Như đã trình bày ở trên, TTCK Việt Nam hiện đang tồn tại số lượng lớn các CTCK hoạt động kém hiệu quả, do đó việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán càng cần phải tiếp tục được thực hiện. Điều quan trọng là Đề án tái cấu trúc TTCK vẫn xác định việc phân loại các tổ chức kinh doanh chứng khoán thành 4 nhóm trên cơ sở mức độ rủi ro đối với thị trường để có biện pháp xử lý thích hợp, bao gồm: (i) Nhóm hoạt động lành mạnh, gồm các tổ chức có tỷ lệ vốn khả dụng trên 180%; (ii) Nhóm hoạt động bình thường gồm các tổ chức có tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 150% tới 180%; (iii) Nhóm bị kiểm soát gồm các tổ chức có tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 120% tới 150%; (iv) Nhóm bị kiểm soát đặc biệt gồm các tổ chức hoạt động kinh doanh thua lỗ làm cho tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%. Dựa trên việc phân nhóm các công ty như vậy, UBCKNN sẽ đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể đối với từng nhóm công ty này.
- Tái cấu trúc các SGDCK và TTLKCK: Nghiên cứu thành lập SGDCK Việt Nam theo nguyên tắc: (i) Thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành; (ii) Thống nhất về nền tảng công nghệ; (iii) Thống nhất và chuẩn hóa tiêu chí niêm yết, chế độ báo cáo, công bố thông tin, tiêu chuẩn về thành viên và giao dịch...; (iv) Phân tách và chuyên biệt hóa thị trường theo hàng hóa giao dịch, bao gồm một sàn giao dịch cổ phiếu và một sàn giao dịch trái phiếu, chứng khoán phái sinh. Đồng thời củng cố mô hình hoạt động độc lập của TTLKCK trên cơ sở đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và bổ sung các dịch vụ gia tăng khác liên quan tới hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm...
Kiến nghị
Nhìn chung, Đề án tái cấu trúc TTCK đã đưa ra hệ thống các giải pháp và lộ trình tương đối hoàn chỉnh nhằm xử lý triệt để những tồn đọng của TTCK và góp phần giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, lộ trình cụ thể cho việc giải quyết từng nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan cũng như cơ chế để triển khai thực hiện trên thực tế là vấn đề cần phải xem xét. Để Đề án thực sự đi vào cuộc sống, thực hiện thành công việc tái cấu trúc TTCK, một vài kiến nghị được đưa ra như sau:
- Trên cơ sở xác định nhiệm vụ quan trọng trong phương án tái cấu trúc, UBCKNN cần tham mưu cho Bộ Tài chính từng bước hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch và tạo cơ chế để những hàng hóa, sản phẩm mới có thể giao dịch trên thị trường. Cơ chế pháp lý để xây dựng cơ sở nhà đầu tư, như các vấn đề liên quan đến thuế, phí trong lĩnh vực chứng khoán; tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật cho sự hoạt động của các định chế trên thị trường như các quỹ đầu tư; xây dựng và ban hành các văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
- Để đẩy mạnh công tác giám sát nhằm mục đích giúp thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, tăng niềm tin cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường, UBCKNN cần tăng cường công tác giám sát thông qua việc phát triển nguồn nhân lực, thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ công chức thực hiện công tác thanh tra, giám sát; tích cực đổi mới phương thức giám sát và chế độ công bố thông tin, báo cáo kịp thời.
- Cần có sự phối hợp một cách đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan như UBCKNN, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan, xây dựng cơ chế phối hợp và chế độ thông tin, báo cáo để triển khai thực hiện thành công phương án tái cấu trúc TTCK.
- Nhanh chóng xây dựng phương án tái cấu trúc SGDCK và TTLKCK. Đề án đã đề ra các mục tiêu để sáp nhập hai SGDCK và củng cố hoạt động của TTLKCK. Tuy nhiên, chúng ta chưa có kế hoạch và lộ trình một cách cụ thể. Trong thời gian tới UBCKNN và Bộ Tài chính cần phải triển khai thực hiện công việc này để đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc thị trường, khắc phục những nhược điểm của hệ thống giao dịch và thanh toán như hiện nay.
- Do các hành vi giao dịch và nghiệp vụ của TTCK phức tạp, các nghiệp vụ mới liên tục phát sinh, các văn bản mới cần được cơ quan quản lý triển khai sâu rộng và phổ biến rộng rãi kịp thời cho công chúng đầu tư, qua đó thúc đẩy thị trường phát triển và hạn chế các hành vi vi phạm trên thị trường. UBCKNN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, cập nhật kiến thúc và pháp luật cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Triển khai các biện pháp để xây dựng hệ thống nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp nhằm tạo sức cầu, giúp thị trường phát triển bền vững; tăng lòng tin và khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường.
Hy vọng rằng, những biện pháp được triển khai trong thời gian tới sẽ giúp thị trường hồi phục, phát triển và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.