Để chuỗi liên kết nông sản bền vững trước khó khăn

Theo Minh Duyên/ Báo Phú Yên

Xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp giúp đảm bảo sự phát triển bền vững của nông sản trước những biến động do dịch bệnh, thiên tai… Qua nhiều năm, các Hợp tác xã (HTX) đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm về vấn đề này.

Nhờ đi chậm mà chắc nên chuỗi liên kết trên cây lúa của HTX Nông nghiệp An Nghiệp vẫn hiệu quả ngay trong mùa dịch COVID-19 (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: Minh Duyên
Nhờ đi chậm mà chắc nên chuỗi liên kết trên cây lúa của HTX Nông nghiệp An Nghiệp vẫn hiệu quả ngay trong mùa dịch COVID-19 (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: Minh Duyên

Ra đời theo nhu cầu thành viên

HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) đi từ sản xuất lúa giống đến đóng gói gạo chất lượng cao đều xuất phát từ nhu cầu của thành viên. Năng lực và nguyện vọng của thành viên tới đâu, HTX phát triển tới đó. Nhờ vậy, tạo được sự đồng thuận cao trong sản xuất, kinh doanh.

“Thành viên không chỉ là nhân tố đảm bảo vùng nguyên liệu sản xuất mà còn là lượng khách hàng tiêu thụ sản phẩm ổn định. 2 năm qua kể từ khi ra đời sản phẩm, trải qua mưa bão, dịch bệnh nhưng gạo chất lượng cao của HTX vẫn được thị trường đón nhận với ngày càng nhiều đơn hàng từ các doanh nghiệp tiêu thụ…”, ông Trần Tấn Khoa - Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp nói.

Còn theo ông Nguyễn Dư - Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), sản phẩm dầu đậu phộng của HTX trải qua một quá trình từ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây đậu phộng, rồi ép dầu thô tới đầu tư máy móc hiện đại, xây dựng thương hiệu độc quyền. Tất cả quá trình này đều có sự tham gia tích cực của thành viên HTX. Hơn hết, sản phẩm ra đời xuất phát từ nhu cầu nâng cao thu nhập cho thành viên, giúp xóa đói giảm nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho thành viên, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) cũng đã hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất từ làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, cho kết quả là sản phẩm rượu tằm Hòa Phong.

Theo giám đốc HTX này, trước đây chỉ trồng dâu nuôi tằm nên kén tằm là sản phẩm chủ yếu được bán và mang lại thu nhập cho người dân. Nguồn thu nhập này bấp bênh do đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào công ty thu mua. Để tăng nguồn thu, giúp người dân ổn định cuộc sống từ nghề truyền thống, HTX đã cho ra đời sản phẩm rượu tằm. Từ đây, người dân có thêm kênh tiêu thụ là HTX và thêm phụ phẩm tiêu thụ là nhộng tằm. Đời sống của thành viên được nâng lên thì hoạt động của HTX mới phát triển.

Không chạy theo chương trình hỗ trợ

Mỗi chuỗi liên kết nông sản, các HTX có thể được hỗ trợ kinh phí mua máy móc, trang thiết bị như máy tách vỏ, máy xay xát… nhưng nếu vì thế mà vội vàng làm, không tính tới các chi phí khác thì sản phẩm dễ chết yểu.

Ông Phạm Đức Hậu - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa), cho biết: Hiện sản phẩm gạo chất lượng cao Hòa Thành đã có mặt trên thị trường nhưng HTX chưa nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào. HTX đã bỏ ra 40 triệu đồng để in ấn và mua máy đóng gói bao bì. Nếu HTX đủ điều kiện được nhận hỗ trợ thì cũng không muốn nhận máy móc.

Bởi chi phí cho bảo dưỡng, vận hành máy lớn; nếu không tính toán cẩn thận sẽ trở thành gánh nặng, đẩy giá sản phẩm lên cao, mất khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện một bao gạo 5kg, HTX bán với giá 72.000 đồng, sau khi trừ các loại chi phí, đóng thuế, chỉ lãi được 2.700 đồng. Với nguồn này không thể đủ trả cho xăng dầu, công nhân, bảo dưỡng máy…

Vì vậy, học theo HTX Nông nghiệp An Nghiệp, khả năng tiêu thụ tới đâu HTX mở rộng sản xuất tới đó, chứ không làm vượt khả năng để được nhận hỗ trợ. Nên chăng, các cấp chính quyền xem xét miễn thuế 5% cho các sản phẩm nông sản mới ra đời của các HTX.

Ông Lê Thanh Lam - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: HTX là đơn vị kinh tế tập thể lấy phục vụ thành viên làm mục tiêu phát triển. Việc xây dựng và làm chủ các chuỗi liên kết nông sản để tạo ra sản phẩm hàng hóa cũng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Chuỗi liên kết nông sản gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề (OCOP) là cơ hội để các HTX có được sản phẩm của riêng mình, khẳng định khả năng trên con đường hòa nhập thị trường.

Tuy nhiên, trước khi xây dựng chuỗi, các HTX cần xét tới năng lực nội tại, nhu cầu của thành viên, đặc biệt là tìm hiểu kỹ thị trường. Các HTX nên đi từng bước, khả năng sản xuất tới đâu thì làm tới đó và sản xuất bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu…