Thúc đẩy cung ứng hàng hóa, tiêu thụ nông sản
Trong thời gian kéo dài thêm 14 ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại nông sản tiếp tục vào vụ thu hoạch rộ. Với những kinh nghiệm đã có ở 14 ngày giãn cách đầu tiên, chính quyền địa phương tiếp tục có những giải pháp mới nhằm đưa hàng hóa đến tay người dân và tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Đa dạng hình thức cung ứng
Dù có nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là việc đi chợ mua thực phẩm cho gia đình gặp không ít khó khăn nhưng hầu hết người dân ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có ý thức chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Các mô hình bán nông sản và giao tận nơi của hệ thống Viettel Post, VN Post, lực lượng “Áo xanh đi chợ”, đội nữ xung kích, tổ hỗ trợ mua nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ gia đình đã phát huy vai trò, đáp ứng được việc đi chợ thay cho người dân, góp phần hạn chế người dân ra đường.
Theo Sở Công Thương, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm tại các khu vực cách ly, phong tỏa được cung ứng kịp thời, ổn định. Tình hình thực hiện tiêm vắc-xin cho đối tượng tham gia chuỗi cung ứng, tiêu thụ các hàng hóa thiết yếu, nông thủy sản có 1.109 người đăng ký, hiện đã tiêm ngừa mũi 1 là 226 người, đạt tỷ lệ 20,3%.
Sở Công Thương và các sở, ngành đã hỗ trợ giới thiệu các doanh nghiệp, hệ thống Bách hóa xanh TP. Hồ Chí Minh, Co.opmart Bến tre, Citimart, Go! BigC, chung cư tại TP. Hồ Chí Minh thu mua các loại trái cây, nông sản trong tỉnh. Kết quả, sản lượng trái cây gồm cam, bưởi, chôm chôm, mít… tiêu thụ khoảng 1.833 tấn, rau màu gồm rau ăn lá và quả khoảng 56,8 tấn, dưa hấu 87,9 tấn. Nhãn xuồng đang có sản lượng lớn nhưng tình hình tiêu thụ chậm, khoảng 5 - 10 tấn/ngày.
Tại buổi họp trực tuyến giữa Tiểu ban Hậu cần phòng chống dịch COVID-19 tỉnh với các huyện, thành phố về tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ hàng hóa của người dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đánh giá: Công tác cung ứng hàng hóa trong 14 ngày thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg vừa qua được thực hiện tốt, hàng hóa được đảm bảo, giá cả tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc kết nối tiêu thụ hàng nông sản trong dân dù chưa như mong muốn nhưng cũng đã đạt được những kết quả khá khả quan.
Tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ
14 ngày giãn cách đã qua mang lại một số kinh nghiệm cho chính quyền và cả người dân trong việc vận hành cung ứng hàng hóa, tiêu thụ hàng nông sản. Tuy nhiên, tình hình trong 14 ngày giãn cách ở giai đoạn 2 được đánh giá là có thể khó khăn hơn so với giai đoạn 1.
Hiện có nhiều loại nông sản tiếp tục vào vụ thu hoạch rộ gồm: nhãn xuồng ở huyện Bình Đại với sản lượng khoảng 520 tấn, 2 tuần tới là vào vụ thu hoạch chính tôm biển; huyện Ba Tri đang có khoảng 62 ngàn quả trứng gà cần tiêu thụ; huyện Mỏ Cày Nam trong những ngày tới dự báo có khả năng tồn từ 13 - 14 triệu trái dừa…
Các cơ sở sơ chế dừa ngừng hoạt động, đội ngũ thu hoạch, vận chuyển dừa gặp khó khăn gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng dừa. Lượng dừa trái uống nước và dừa ta hiện tồn đọng khá nhiều. Một vài doanh nghiệp lớn trong ngành dừa cũng vừa thông tin tạm ngưng hoạt động như Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu gợi ý một số giải pháp như tổ chức bán hàng lưu động bằng xe có tải trọng nhỏ. Xe này dễ đi sâu vào khu vực dân, người dân vừa đỡ đi xa, người bán cũng được kiểm tra y tế. Đề nghị các huyện xem xét áp dụng tùy điều kiện nhằm giảm áp lực cho đội ngũ đi chợ thay người dân. Các đầu mối tiêu thụ nông sản cần thống nhất giá cả các loại nông sản, để đơn vị hỗ trợ kết nối việc mua bán hàng hóa nông sản với đối tác.
Khả năng cung ứng hàng hóa trong 2 tuần tới được Tiểu ban Hậu cần phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đánh giá ổn định, không có biến động lớn. Về tiêu thụ nông sản, Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, những nông sản nào có khả năng neo lại, thì chờ thu hoạch sau. Đối với những nông sản không thể kéo dài thời gian thu hoạch cần tiếp tục kết nối với các đầu mối sẵn có, đồng thời mở rộng kết nối tiêu thụ đến các tỉnh mà tình hình dịch bệnh đã ổn định.
“Bước vào giai đoạn 2 của giãn cách xã hội phải thực hiện một cách chặt chẽ, quyết liệt và xử lý nghiêm hơn đối với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn phải đảm bảo lưu thông cung ứng hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ hàng nông sản. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh trong 2 tuần nữa là ngăn chặn, đẩy lùi, khống chế được dịch bệnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh.