Mất thu nhập vì dịch, nhiều người chỉ đủ tiền sống trong một tuần

Theo Thảo Cao/zingnews.vn

Khi cả thế giới chao đảo với cú sốc tài chính vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người rơi vào cảnh khánh kiệt do không có sự chuẩn bị cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo khảo sát trên 26 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 42% trong số 125.787 người trưởng thành được hỏi cho biết họ đang lo lắng về các chi phí sinh hoạt hàng ngày. 40% chịu áp lực bởi tình hình tài chính, 37% tiết lộ họ chỉ vừa mới có cách giải quyết.

Đáng lo ngại nhất, với câu hỏi: "Nếu mất đi nguồn thu nhập chính, bạn có thể tiếp tục trang trải chi phí sinh hoạt trong bao lâu mà không cần vay mượn hay chuyển nhà?", 28% người thừa nhận chỉ khoảng một tuần, 25% cho biết khoảng một tháng và 18% hơn sáu tháng. Nhóm 14% không biết.

Riêng tại Indonesia, có đến 46% người cho biết chỉ đủ tiền trang trải sinh hoạt phí trong vòng một tuần nếu mất đi nguồn thu nhập chính. Chỉ 9% đủ tiền chi trả trong vòng nửa năm.

Nhiều người chỉ đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong vòng một tuần nếu mất nguồn thu nhập chính. Đồ họa: Nhân Lê
Nhiều người chỉ đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong vòng một tuần nếu mất nguồn thu nhập chính. Đồ họa: Nhân Lê
 

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh chặn đứng nguồn thu nhập của hàng triệu người. Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Oxfam, chỉ trong quý I/2020, khoảng 400 triệu việc làm toàn thời gian trên toàn cầu đã bị loại bỏ. Những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ, người lao động tự do và người lao động có thu nhập thấp.

Cuộc khảo sát của OECD không bao gồm Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng tại Mỹ cũng không khá hơn. Một báo cáo gần đây của Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia chỉ ra ít nhất 50% hộ gia đình ở bốn thành phố lớn nhất của Mỹ, Chicago (50%), New York (53% ), Los Angeles (56%) và Houston (63%), đang đối mặt với các vấn đề tài chính nghiêm trọng, bao gồm tiền tiết kiệm cạn kiệt, chật vật với các hóa đơn và không đủ tiền chăm sóc y tế.

Theo Nghiên cứu Khả năng Tài chính Quốc gia (NFCS) của giáo sư Annamaria Lusardi tại Đại học George Washington, hơn 60% người trẻ Mỹ thừa nhận bị đè nặng bởi áp lực tài chính. "Họ vốn căng thẳng về tài chính trước khi xảy ra khủng hoảng. Họ không đủ khả năng đối mặt với cú sốc nhỏ chứ đừng nói đến cú sốc lớn", bà Lusardi bình luận.

Hầu hết không có sự chuẩn bị về tài chính trước cuộc khủng hoảng. Ảnh: Getty Images.
Hầu hết không có sự chuẩn bị về tài chính trước cuộc khủng hoảng. Ảnh: Getty Images.
 

Người trẻ Mỹ sử dụng các dịch vụ tài chính như vay ngắn hạn, cầm đồ, vay mua ôtô lãi suất cao... Có đến 43% người sử dụng dịch vụ cho vay lãi suất cao và các lựa chọn khác.

Theo dữ liệu của NFCS, hơn 37% người không có đủ 2.000 USD để xử lý một trường hợp khẩn cấp trong một tháng, trong khi 53% người không thể trang trải chi phí trong vòng 3 tháng. Nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang cũng nêu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.

Nhiều người Mỹ thừa nhận nếu có một tình huống bất ngờ, họ không thể dễ dàng chi 400 USD. Theo CNBC, 40% người Mỹ nói chung không thể sống được một tháng bằng tiền tiết kiệm, 20% thậm chí không quá hai tuần.

Với cuộc khủng hoảng và mức độ sa thải lớn hiện tại, tình trạng thiếu hụt tiền tiết kiệm càng trở nên trầm trọng hơn. "Chúng ta đã quá quen với việc nghĩ rằng mọi người không có tiền tiết kiệm. Chúng ta không nhận ra tầm quan trọng của nó đối với sự ổn định của nền kinh tế và đời sống con người", giáo sư Lusardi bình luận.