Bộ Giao thông vận tải sẽ khởi công 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia giai đoạn 2021-2025

Theo Bùi Hằng/kinhtemoitruong.vn

6 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 4 Hà Nội; Vành đai 3 TP. Hồ Chí MInh (TP.HCM); Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Phương tiện lưu thông trên một tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, vận hành. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phương tiện lưu thông trên một tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, vận hành. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sẽ triển khaikhởi công mới 67 dự án

Nội dung được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề cập trong dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ triển khai khởi công mới 67 dự án. Trong đó có 6 dự án quan trọng quốc gia, gồm: Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 4 Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

10 dự án nhóm A bao gồm 4 dự án PPP cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây -Tân Phú, Chơn Thành - Đức Hòa, An Hữu - Cao Lãnh, cầu Rạch Miễu 2; 5 dự án vốn ODA là cầu Đại Ngãi, mở rộng các cầu trên QL1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, đường nối cao tốc Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai, logistics khu vực phía Nam.

Song song đó, Bộ GTVT còn đầu tư 51 dự án nhóm B và C. Hiện nay, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3/10 dự án nhóm A. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phê duyệt 42/51 dự án nhóm B, C. Đồng thời đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 2/6 dự án quan trọng quốc gia.

Còn lại 4 dự án quan trọng quốc gia, 7 dự án nhóm A và 9 dự án nhóm B và C chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025.

Dự kiến, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 có 12 dự án thành phần, dài 729 km và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường vào cuối năm nay.

Giải ngân cả năm phấn đấu đạt tối thiểu 96%

Bộ GTVT cũng đang “sốt ruột” với công tác giải ngân trong năm này. Hiện Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công những dự án trọng điểm nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân theo đúng yêu cầu.

Theo Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), năm 2021, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn khoảng 43.397 tỷ đồng. Dự kiến, tháng 11/2021 giải ngân được 3.283 tỷ đồng và lũy kế 11 tháng giải ngân được 31.869 tỷ đồng (đạt 73,4% kế hoạch).

Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông cơ bản đáp ứng kế hoạch. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 giải ngân vượt 220 tỷ đồng; dự án Nghi Sơn - Diễn Châu giải ngân vượt 205 tỷ đồng; cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây giải ngân vượt 140 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án chậm tiến độ giải ngân như: Dự án nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất chậm 192 tỷ đồng; dự án thành phần 2 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24 chậm 118 tỷ đồng; dự án nâng cấp QL57 chậm 116 tỷ đồng…

Vụ Kế hoạch Đầu tư cho biết, các nhóm dự án được giao kế hoạch vốn lớn sẽ quyết định kết quả giải ngân chung của cả Bộ GTVT. Trong đó, các dự án vốn ODA cần giải ngân 3.108 tỷ đồng gồm: Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dự án Đáy Ninh Cơ, dự án kết nối Mê Kông, dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh Long Xuyên…

11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cần giải ngân 4.484 tỷ đồng, tập trung ở các dự án đầu tư công khoảng 3.884 tỷ đồng. Như đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần phải giải ngân 975 tỷ đồng; cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần giải ngân 874 tỷ đồng; cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn cần giải ngân 435 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư nhận định, để giải ngân hết kế hoạch vốn cả năm đạt tối thiểu 96% (tương đương kết quả năm 2020), đáp ứng mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 63 của Chính phủ thì từ nay tới 31/1/2022, Bộ GTVT còn phải tiếp tục giải ngân hơn 9.900 tỉ đồng trong thời gian tới.