Để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới


Việt Nam đang ngày càng tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Để quá trình hội nhập có tính bền vững cao hơn, việc tạo ra và củng cố vị thế trong mạng lưới các chuỗi cung ứng toàn cầu là hết sức quan trọng, đặc biệt khi hệ thống này bị đứt gãy do tác động của đại dịch COVID-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời gian qua, dù Việt Nam đã có nhiều giải pháp khắc phục thực trạng trên, tuy vậy trong bối cảnh mới, cần tiếp tục có những nỗ lực, giải pháp tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được điều này, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng.

Khái quát về chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay

Ngay từ rất sớm, nhiều chuyên gia đã nhận ra rằng, có 2 xu hướng trái ngược chi phối sự biến động của các chuỗi cung ứng toàn cầu:

Một là, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục được củng cố, thậm chí được mở rộng. Lý do là hầu hết các chuỗi cung ứng do các tập đoàn đa quốc gia chi phối nên việc duy trì và phát triển là tất yếu.

Hai là, xu hướng bảo hộ mậu dịch và chính sách bảo hộ mậu dịch của nhiều quốc gia. Xu hướng này trở nên mạnh mẽ khi có những khủng hoảng trong quan hệ quốc tế và được thúc đẩy bởi nhiều quốc gia đang phát triển, muốn thâm nhập sâu hơn vào hệ thống các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, đã có các nhân tố chi phối quá trình tái cấu trúc hệ thống các chuỗi cung ứng toàn. Cụ thể là: sự gia tăng chi phí vận chuyển do giá xăng dầu và giá năng lượng tăng; sự gia tăng chi phí sản xuất và logistics, do có nhiều chủ thể mới gia nhập hệ thống các chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng cạnh tranh tiếp cận các nguồn tài nguyên; sự chuyển hướng của nhiều quốc gia, nhất là Trung Quốc vốn là “công xưởng” giá rẻ của thế giới, sang cung cấp những sản phẩm có hàm lượng cao; chi phí sản xuất giảm do áp dụng các công nghệ mới, công nghệ thông tin vào sản xuất; việc nghiên cứu, thiết kế và tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu cần tính đến các yếu tố cấu thành mỗi chuỗi cung ứng, không chỉ bao gồm các bộ phận sản xuất vật chất mà bao gồm ngày càng nhiều các tổ chức cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau, trong đó tính chất và đặc điểm của “dịch vụ” cũng có những thay đổi đáng kể so với những thập kỷ trước.

Theo số liệu thống kê, trong 2 năm gần đây, xu hướng mở rộng các chuỗi cung ứng chậm lại đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực hơn để xâm nhập và cải thiện vị thế đã tạo dựng được trong các chuỗi cung ứng.

Hiện nay, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra trên quy mô rộng, tác động tới hầu hết các nhóm sản phẩm, dịch vụ, nhưng tính chất và mức độ thì khác nhau. Nghiên cứu của Kilpatrick và Barter cho thấy, có tới 94% trong số 1.000 công ty trong danh sách khảo sát bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Các chuyên gia của Ngân hàng Trung ương châu Âu ước tính, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu làm giá trị thương mại quốc tế giảm đi khoảng 25%. Nguyên nhân đứt gãy của mỗi chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ rất khác nhau. Bởi vậy, khả năng và biện pháp cần áp dụng để khôi phục lại hoặc tái cấu trúc mỗi chuỗi cũng khác nhau.

Dựa trên kết quả nghiên cứu và số liệu thống kê kinh tế có được vào cuối năm 2021, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhìn tổng thể, các chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ có thể phục hồi một cách cơ bản trong vòng 2 năm tới, thậm chí tới giữa năm 2024 mới trở lại bình thường. Điều này còn chịu tác động của các chủ thể chủ yếu có liên quan, đặc biệt là chính sách của các quốc gia có vai trò quan trọng đối với những sản phẩm trung gian cốt lõi trong chuỗi.

Theo các chuyên gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các quốc gia phát triển thường có xu hướng coi trọng các khâu “hạ nguồn” trong các chuỗi cung ứng (để đảm bảo nguồn cung); trong khi các quốc gia kém phát triển hơn có xu hướng coi trọng các bộ phận “thượng nguồn” của các chuỗi cung ứng hơn. Đáng chú ý là ngay cả khi có sự cạnh tranh giữa các tổ chức cung cấp những sản phẩm trung gian tương tự trong cùng một chuỗi cung ứng, các tổ chức này cũng có nhu cầu hợp tác với nhau ở mức độ nhất định.

Thực tế, dịch bệnh COVID-19 làm sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam trở nên nặng nề hơn. Trong quá trình phục hồi và tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều nhân tố chủ quan và khách quan chi phối việc các DN và các quốc gia tham gia những chuỗi này và mức độ tham gia của các chủ thể này. Ken Ash (2015) cho rằng, các nhân tố chủ yếu tác động tích cực tới những khía cạnh trên, gồm: Quy mô của thị trường mà mỗi chuỗi phục vụ; Trình độ phát triển của chủ thể muốn tham gia chuỗi; Cấu trúc (và trình độ phát triển) của hệ thống công nghiệp quốc gia; Địa điểm địa lý của DN và quốc gia; Chính sách của nhà nước đối với việc tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong số những nhân tố này, so với các nước phát triển, ở những nước có thu nhập thấp, các chính sách thường có tác động ngắn hạn và trung hạn hạn chế hơn, không bằng sự hỗ trợ trực tiếp hoặc can thiệp trực tiếp vào lợi ích của các DN có liên quan. Ngoài những yếu tố trên, sự sẵn có lực lượng nhân lực có năng lực cần thiết với cơ cấu phù hợp, sự tồn tại của một thị trường tín dụng có khả năng tiếp cận một cách thuận lợi cũng là những nhân tố tác động tới việc đầu tư năng lực cần thiết để sự tham gia sâu hơn, có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh những nhân tố tích cực, hiện đã xuất hiện những nhân tố tác động tiêu cực, kìm hãm việc các DN thâm nhập và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình là sự gia tăng chính sách bảo hộ của nhiều nước; xu hướng tăng chi phí vận chuyển và chi phí năng lượng trên phạm vi toàn cầu; xu hướng chững lại của các dòng FDI; xu hướng tăng chi phí nhân công ở các nước đang phát triển, nhất là những nước trước đây tận dụng lợi thế lao động rẻ để phát triển; tính bất định của những tác động mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra đối với hệ thống sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ.

Thực tiễn tại Việt Nam

Trong những năm qua, các DN Việt Nam có nhiều nỗ lực để thâm nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, củng cố vị thế để đảm bảo sự phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Theo số liệu của Bộ Công Thương, giai đoạn 2016- 2020, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng của các DN Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng trưởng năm 2017, 2018, 2019 và 2020 của các DN 100% vốn trong nước lần lượt là 31,8%, 36,9%, 39,7%  và 33,1%; Các DN FDI lần lượt là 27,2%, 25,5%, 8,3% và 51,1%. Đến năm 2021, các chỉ số tăng trưởng giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng trên của các DN 100% vốn trong nước và DN FDI ở Việt Nam (so với cùng kỳ năm trước) lần lượt là -15% và 78,1%.

Cụ thể, năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng lần lượt là 38,5 tỷ USD (tăng 11,2 tỷ USD, tương ứng với 41%) và 46,3 tỷ USD (tăng 9,04 tỷ, tương đương với 24,3% so với năm trước). Cũng trong năm 2021, ngành Dệt - may - da - giày Việt Nam đã nhập khẩu 26,37 tỷ USD nguyên phụ liệu và xuất khẩu 32,78 tỷ USD hàng dệt may, 17,75 tỷ USD giày dép các loại (giá trị nhập khẩu chiếm 52,19% giá trị kim ngạch xuất khẩu, so với 46,21% năm 2020).

Đối với nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 21,43 tỷ USD và xuất khẩu 57,54 tỷ USD (giá trị nhập khẩu tương đương với 37,24% giá trị kim ngạch xuất khẩu, so với 32,5% năm 2020). Những chỉ số này cho thấy, sự tham gia tích cực hơn của các DN Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong một số ngành công nghiệp có vai trò quan trọng đối với Việt Nam, nhưng cũng cho thấy tình trạng dễ bị chi phối của sự tham gia này.

Thực tế cho thấy, Việt Nam là nước có trình độ phát triển công nghiệp còn thấp, tiềm lực hạn chế, nhiều lợi thế cạnh tranh còn yếu. Quyền chủ động của Việt Nam trong việc lựa chọn các lĩnh vực có thể thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng hiện đang bị hạn chế về nhiều mặt. Do vậy, Việt Nam cần phải chủ động tăng cường sự tham gia vào các chuỗi cung ứng trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để tạo ra những lợi thế cho mình như: những chuỗi cung ứng mà các DN Việt Nam đã khẳng định được vị thế và có lợi thế cạnh tranh; những chuỗi cung ứng các sản phẩm/dịch vụ có vai trò quan trọng đối với việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong tương lai; những chuỗi cung ứng mà sẽ tạo ra tác động tích cực lớn đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp của Việt Nam; hay những chuỗi cung ứng mà khi thâm nhập sâu cho phép tận dụng tốt các lợi thế trước mắt và góp phần giúp Việt Nam giải quyết tốt các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số giải pháp đề xuất

Thâm nhập vào chuỗi cung ứng nào, ở mức độ nào, vào những thời điểm nào là những vấn đề kinh tế và được quyết định bởi các DN. Nhưng hướng DN thâm nhập vào các chuỗi cung ứng, củng cố và phát huy vị thế của họ nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia là nhiệm vụ của Nhà nước. Để thúc đẩy các DN Việt Nam tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong giai đoạn tới, Nhà nước cần ưu tiên triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tổ chức nghiên cứu, phân tích, đánh giá cơ hội, khả năng và cách thức thâm nhập và củng cố, phát huy vị thế của các DN Việt Nam (kể cả DN FDI) trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Những kết quả nghiên cứu này vừa giúp Nhà nước có định hướng phù hợp trong điều kiện nguồn lực có hạn và chịu ràng buộc từ nhiều phía, vừa cung cấp cho các DN những cơ sở ban đầu để lựa chọn định hướng, xây dựng chiến lược và phương án cụ thể để thâm nhập và củng cố vị thế của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là việc mà các DN phải chủ động tự thực hiện nhưng hiện hầu hết các DN Việt Nam chưa có năng lực và chưa thực sự quan tâm tới việc này. Khi có những nghiên cứu chung của Nhà nước, các DN sẽ tiết kiệm được chi phí và nhận biết được lợi ích của việc nghiên cứu, từ đó chú trọng hơn đến nghiên cứu, đánh giá cơ hội, xây dựng phương án và chiến lược tham gia chuỗi cung ứng một cách bài bản, thận trọng hơn để mang lại kết quả bền vững hơn.

Thứ hai, định vị lại nền kinh tế, đặc biệt là công nghiệp trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực. Tuy Việt Nam đã tiếp cận rất nhanh với những mô hình phát triển kinh tế - xã hội tiên tiến, nhưng vẫn là nước đang phát triển có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh còn yếu, cơ chế thị trường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Bên cạnh đó, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, các địa phương, các ngành, các nhóm sản phẩm cũng như có sự phân hóa xã hội giữa các nhóm dân cư. Điều này đòi hỏi phải có sự định vị rõ ràng cho toàn bộ nền kinh tế cũng như cho từng ngành, từng địa phương một cách khách quan, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển, có các mốc và tiêu chí cụ thể để nhận biết thời điểm cần chuyển đổi vị thế đối với từng bộ phận.

Trên cơ sở này, Nhà nước cần rà soát, điều chỉnh để có định hướng rõ hơn về việc tái cấu trúc lại hệ thống công nghiệp. Trong quá trình này, các xu hướng chuyên môn hóa theo công nghệ và chuyên môn hóa theo sản phẩm thương phẩm/dịch vụ cần được kết hợp một cách hợp lý để vừa đảm bảo tạo ra lợi thế cạnh tranh, vừa đảm bảo tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng. Cần nhận thức, thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, cải thiện vị thế của DN Việt Nam thực chất là nâng cao năng lực kinh tế của Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan tới hoạt động của DN trong việc thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động của DN, góp phần giảm chi phí cho DN. Do vậy, Nhà nước cần ưu tiên nhiều hơn cho hoàn thiện chính sách và cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh để tạo ra những hiệu ứng bền vững. Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần chú trọng hơn tới các DN áp dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển giao công nghệ, chuyển giao năng lực cung cấp ổn định, bền vững các sản phẩm trung gian cho các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 được thúc đẩy, thời gian thay thế công nghệ được rút ngắn, việc lợi dụng khủng hoảng để đầu tư với suất đầu tư thấp bằng cách mua lại những trang thiết bị đã lạc hậu của các DN nước ngoài bị phá sản không phù hợp với Việt Nam nữa.

Thứ tư, thiết lập tài nguyên nhân lực với cơ cấu hợp lý và dễ tiếp cận cho các DN. Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì và tận dụng lợi thế lao động rẻ, nhưng lợi thế này sẽ sớm mất đi. Hơn nữa, điều mà DN cần để thâm nhập sâu, có hiệu quả vào các chuỗi cung ứng không phải là lao động rẻ, mà là chi phí nhân công tính trên một đơn vị sản phẩm thấp, có tính cạnh tranh cao so với các đối thủ cùng hoặc sẽ tham gia chuỗi. Muốn đáp ứng những yêu cầu này, lực lượng lao động cần phải có khả năng làm việc với năng suất cao, đảm bảo được các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật và xã hội đối với sản phẩm, có kỷ luật lao động và đạo đức nghề nghiệp tốt. Thực tế, đây là những điểm yếu của lực lượng lao động Việt Nam. Để giải quyết vấn đề kỷ luật lao động và đạo đức nghề nghiệp, cần sớm thực hiện giáo dục cộng đồng, bắt đầu từ các trường phổ thông về những nội dung liên quan. Đối với vấn đề trình độ chuyên môn, trước mắt, cần sử dụng các đòn bẩy kinh tế để phát triển và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ, thiết thực và có hiệu quả giữa các DN với các cơ sở đào tạo nghề.

Về dài hạn, trong vòng 5 năm tới, cần hoàn thành việc sắp xếp lại hệ thống đào tạo nghề công lập, xóa bỏ hoặc sắp xếp lại những cơ sở đào tạo nghề không đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, hoàn thiện những quy định về xử lý tranh chấp lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đồng thời tạo điều kiện để DN củng cố, đề cao kỷ luật lao động, góp phần hình thành ý thức lao động và đạo đức nghề nghiệp theo hướng tạo ra một đội ngũ lao động chuyên nghiệp, hiện đại ở Việt Nam.

Thứ năm, đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ lưu thông hàng hóa, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hệ thống logistics. Tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng do lưu thông hàng hóa bị ách tắc không chỉ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, mà ngay cả trong giai đoạn hiện nay. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 446 triệu USD dịch vụ vận tải, nhưng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ này lại lên tới 8,24 tỷ USD (gấp gần 18,5 lần kim ngạch xuất khẩu). Đối với Việt Nam, một quốc gia được đánh giá là có lợi thế về mặt địa lý, có tiềm năng lớn trong việc cung cấp dịch vụ vận tải nói riêng, logistics nói chung cho cả khu vực lẫn thế giới, sự mất cân đối giữa cung và cầu về dịch vụ vận tải cho thấy đây là một lĩnh vực cần được đầu tư xứng đáng và có hiệu quả hơn để có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong mạng lưới các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ sáu, rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn Việt Nam theo hướng tiếp cận tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn về môi trường, tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh và những tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật quan trọng phổ biến trên thế giới.

Thứ bảy, lồng ghép các yêu cầu tham gia sâu hơn, có hiệu quả hơn, bền vững hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chính sách và biện pháp của Nhà nước về việc tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu phải được đặt trông tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, gắn với và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác của đất nước. Từ năm 2020, trước tác động của đại dịch COVID-19, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đã bộc lộ và kéo dài đến nay, tuy gây ra những khó khăn cho đời sống kinh tế thế giới, nhưng cũng đã tạo ra những cơ hội cho nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã nhận biết và có nhiều nỗ lực để tận dụng cơ hội này, nhưng về tổng thể, nó vẫn bị bỏ lỡ một cách rất đáng kể. Trong thời gian tới, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục và tái cấu trúc, Việt Nam cần nhanh chóng định hình và thực hiện chiến lược để thâm nhập sâu hơn, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn trong hệ thống này để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.  

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội;

2. Chính phủ (2021), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

3. Bộ Công Thương (2021), Điểm danh mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam;

4. Tổng cục Hải quan Việt Nam (2022), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng/2021;

5. Lê Anh (2021), Khuyến nghị chính sách tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách trong dịch bệnh COVID-19;

6. Thanh Loan (2021), Năm 2021 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (mpi.gov.vn);

Ken Ash (2015), Participation of developing countries in global value chains: Implications for Trade and Trade-Related Policies. OECD;

7. Cigna, V. Gunnella, L. Quaglietti (2022), Global value chains: measurement, trends and drivers. European Central Bank, Occasional Paper Series. No. 289. 01/2022;

8. Martin Farrer (2021), Global supply chain crisis could last another two years, warn experts. The Guardian, 18/12/2021;

9. Chitra Lekha Karmaker, Tazim Ahmed, Sayem Ahmed, Syed Mithun Ali, Abul Moktadir, Golam Kabir (2020), Improving supply chain sustainability in the context of COVID-19 pandemic in an emerging economy: Exploring drivers using an integrated model. PMC.

(*) PGS., TS. Nguyễn Văn Phúc - Trường Đại học Yersin

 ThS. Nguyễn Thu Hà - Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 04/2022.