Tác động của đại dịch COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam

ThS. Bùi Thị Nhân - ThS. Nguyễn Thị Toàn -Trường Đại học Phan Thiết/tapchicongthuong.vn

Đại dịch COVID-19 đã trở thành một sự kiện “thiên nga đen”. Sự hiện diện của COVID đã làm rung chuyển mọi thứ trên toàn cầu trong tất cả các ngành, đặc biệt là lĩnh vực vận tải hàng hóa toàn cầu, dẫn đến những tác động đáng kể đến nền kinh tế thế giới. Đại dịch đã bộc lộ những lỗ hổng của nhiều công ty, đặc biệt là những công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, quá phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn, nhất là Trung Quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bài viết phân tích xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đang thể hiện mạnh mẽ, đưa đến cho Việt Nam nhiều cơ hội để vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới.

1. Chuỗi cung ứng toàn cầu là gì?

Chuỗi cung ứng toàn cầu là một mạng lưới giữa các công ty và các nhà cung cấp trên toàn cầu, bao gồm các hoạt động, con người, thực thể, thông tin và những tài nguyên khác nhau, thực hiện một quy trình cần thiết từ cung cấp nguyên liệu thô đến sản xuất và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

2. Tác động của đại dịch COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu

2.1. Ảnh hưởng nặng nề đến sự tăng trưởng kinh tế và khối lượng giao dịch toàn cầu

Kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 lần đầu tiên, đến nay có hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thông báo có ít nhất 1 ca nhiễm. Đến đầu tháng 4/2021, đã có hơn 137 triệu trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 2,9 triệu trường hợp tử vong được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) [Theo số liệu thống kê của worldometers.com]. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu đại dịch không được giải quyết hoàn toàn. Thế giới đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và nền kinh tế toàn cầu giảm khoảng 3% vào năm 2020. Do đó, theo Tổ chức Thương mại Thế giới, khối lượng thương mại toàn cầu từ 13% đến 32% trong năm 2021.

Theo một báo cáo vào tháng 08/2020 của nhóm tác giả: Zhitao Xu, Adel Elomri, Laoucine Kerbache và Abdelfatteh El Omri, khối lượng thương mại toàn cầu ước tính của các khu vực kinh tế lớn được thể hiện trong Hình 1, trong đó “O-2020” và “P-2020” đại diện cho các kịch bản lạc quan và bi quan trong năm. Các mối đe dọa của sự bùng phát Tác động của đại dịch COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu đang mở rộng đã làm dấy lên mối quan tâm trên toàn thế giới về thiệt hại và sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu (GSC).

Hình 1: Khối lượng thương mại toàn cầu năm 2020 và 2021

Tác động của đại dịch COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 1
Nguồn: Zhitao Xu và ctg.

Để tránh lây nhiễm quy mô lớn, một loạt các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 đã được các chính phủ áp dụng, bao gồm hạn chế đi lại, đóng cửa tạm thời các nhà máy và cửa hàng, phong tỏa các khu dân cư. Những hạn chế này dẫn đến tình trạng thiếu lao động và nguyên liệu thô. Do đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đã phải đối mặt với sự chậm trễ và thiếu hụt hàng tồn kho. Các tác động của Covid-19 đã rất sâu rộng và theo một số nhà phân tích, chúng sẽ không biến mất trước cuối năm 2022.

Đại dịch COVID-19 không phải là thảm họa đầu tiên làm ảnh hưởng đột ngột đến các chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số thảm họa thiên nhiên khác, chẳng hạn như trận động đất lớn năm 2011 ở Nhật Bản, dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc năm 2003 và trận sóng thần năm 2004 ở Indonesia, đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và sản phẩm. Điều đáng chú ý là hoạt động sản xuất được phục hồi sau những thảm họa này trong vài tuần, còn các tác động của COVID-19 khác biệt với tất cả các thảm họa trước đó.

Hầu hết các thảm họa trước đây, chẳng hạn như động đất, sóng thần, tai nạn hạt nhân hoặc phóng xạ và chiến tranh, thường chỉ giới hạn trong các khu vực địa lý cụ thể trong thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, trong vòng 4 tháng kể từ khi bùng phát lần đầu tiên, virus COVID-19 đã lây lan khắp hành tinh, khiến hàng tỷ người bị phong tỏa hoàn toàn, làm cho các ngành kinh tế lớn ngừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ.

Ngoài ra, không có khả năng dự đoán khi nào đại dịch này sẽ được kiềm chế, bất kỳ khu vực bị nhiễm nào trên toàn cầu đều là khu vực có nguy cơ cao bùng phát một đợt dịch  mới. Trái ngược với các thảm họa tự nhiên hoặc nhân tạo hoặc đại dịch truyền nhiễm khác, COVID-19 không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng địa phương mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến các chuỗi cung ứng toàn cầu ở tất cả các khâu, từ nguồn cung ứng đến khách hàng cuối cùng.

Theo dữ liệu từ Tradeshift - một nền tảng toàn cầu giúp hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng, đã cho thấy mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với hoạt động thương mại và sức mua. Tại Trung Quốc, từ giữa tháng 2/2020, số lượng giao dịch thương mại trong nước và quốc tế đã giảm 56% mỗi tuần. Mỹ, Vương quốc Anh và châu Âu xếp sau với mức giảm ban đầu là 26% vào đầu tháng 4 và tiếp tục giảm 17% vào cuối tháng 4. Hơn nữa, hoạt động thương mại ở tất cả khu vực áp lệnh phong tỏa đều gần như “đóng băng”. Theo Tradeshift, tổng số lượng giao dịch hằng tuần trên nền tảng này kể từ ngày 9/3/2020 đã giảm bình quân 9,8%, so với trước khi có lệnh phong tỏa. Số lượng hóa đơn và đơn đặt hàng cũng sụt giảm đáng kể từ cuối tháng 3/2020. 

Hình 2: Giao dịch thương mại bình quân trên toàn cầu - % tăng giảm so với mức ở trước thời điểm có lệnh phong tỏa

Tác động của đại dịch COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 2
 Nguồn: Tradeshift

Đồng thời, 2 tác dụng phụ gây ra bởi đà sụt giảm nói trên đối với thương mại toàn cầu cũng đã xuất hiện. 

Một là, mất nhiều thời gian hơn để thanh toán hóa đơn, trái ngược với xu hướng thanh toán nhanh trước đây. Theo dữ liệu của Tradeshift, các doanh nghiệp mất trung bình 36,7 ngày để thanh toán hóa đơn vào năm 2019, hơn con số năm 2018 là 36,8 ngày. Tuy nhiên, trong quý đầu tiên của năm 2020, thời hạn thanh toán trung bình đã tăng 1,7%, lên 37,4 ngày. 

Hai là, việc thiếu đơn đặt hàng trong toàn chuỗi cung ứng đang gây ra một làn sóng khác với các đơn hàng mới chậm lại và lượng hóa đơn giảm sút. Được biết, khối lượng đặt hàng trung bình hằng tuần trên nền tảng Tradeshift đã giảm 15,9% kể từ ngày 9/3; trong khi số lượng hóa đơn giảm 16,7% trong cùng thời gian.

Không dừng lại ở đó, trong quý II/2020, hoạt động thương mại tiếp tục đà sụt giảm 14,8% so với quý I.

Hình 3: Giao dịch thương mại bình quân trên toàn cầu - quý II so với quý I/2020

Tác động của đại dịch COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 3
 Nguồn: Tradeshift

Tại châu Âu, COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến Vương quốc Anh với khối lượng giao dịch giảm 23,1%. Ở những nước khác, khối lượng giao dịch trên toàn khu vực sử dụng đồng Euro đã giảm tổng thể 21,9%, bao gồm cả mức giảm 44,5% trước khi thực hiện lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 13 tháng 4/2020. Bên ngoài châu Âu, hoạt động thương mại ở Mỹ giảm 16,1%.

Còn với Trung Quốc, các giao dịch thương mại đã rầm rộ trở lại khi quốc gia này nới lỏng việc phong tỏa vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020. Giao dịch trung bình hàng tuần trên mạng của Trung Quốc đã tăng 430% đáng kinh ngạc sau khi các nhà máy mở cửa trở lại và bắt đầu hoàn thành các đơn đặt hàng tồn đọng. Mặc dù giao dịch tổng thể trong cả nước tăng 31,8% so với quý I, nhưng đây không phải là tin tốt. Dòng chảy thương mại ở Trung Quốc thường giảm trong quý I do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Và nếu chúng ta so sánh quý II/2020 với quý IV/2019, chúng ta thấy rằng khối lượng giao dịch tổng thể đã giảm đáng kể so với mức đáng lẽ phải có.

2.2. Chuỗi cung ứng và hàng hóa bị gián đoạn trên hầu hết các lĩnh vực

Theo một báo cáo của Sean Harapko nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng toàn cầu RPA, đại dịch COVID-19 là một sự gián đoạn toàn cầu đối với các hệ thống thương mại, tài chính, y tế và giáo dục, các doanh nghiệp và xã hội. Theo đó, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến 72% số đơn vị được khảo sát.

Hình 4: Ảnh hưởng của COVID-19 tới các chuỗi cung ứng toàn cầu

Tác động của đại dịch COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 4
 Nguồn: Sean Harapko (2021)

Trong số đó, tất cả các công ty sản xuất ô tô và 97% công ty sản xuất các sản phẩm công nghiệp đều cho biêt COVID-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với họ. Ngoài ra, 47% tổng số công ty cho biết đại dịch đã làm gián đoạn lực lượng lao động, trong khi nhiều nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà, những người khác - đặc biệt là trong môi trường nhà máy - phải thích ứng với các yêu cầu mới về khoảng cách vật lý, truy vết tiếp xúc và phải sử dụng nhiều thiết bị bảo vệ cá nhân hơn.

Chỉ có một số ngành công nghiệp (chiếm 11%) cho biết có tác động tích cực trong thời kỳ đại dịch. Các công ty này hầu hết hoạt động trong lĩnh vực khoa học đời sống và những tác động tích cực có thể phần lớn là do các sản phẩm họ sản xuất là thiết yếu. Đại dịch cũng yêu cầu một số công ty khoa học đời sống tăng gấp đôi việc tạo ra các sản phẩm mới thiết yếu như xét nghiệm COVID-19 hoặc vắc xin. Các lĩnh vực khác, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng, không thể giữ sản phẩm trên kệ trong những ngày đầu của đại dịch vì giấy vệ sinh, hàng đóng hộp, bột mì và các mặt hàng chủ lực khác có nhu cầu cao.

Với sản phẩm công nghệ cao: Ngành Công nghiệp công nghệ cao bao gồm các sản phẩm như điện thoại thông minh, tai nghe thực tế ảo và các phụ kiện công nghệ khác, COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng của ngành này bị rối do thiếu các bộ phận khác nhau. Ví dụ, Apple đã phải hoãn cung cấp các sản phẩm mới của mình ra thị trường do các nhà máy Foxconn ở Trung Quốc ngừng hoạt động. Samsung và LG đã ngừng sản xuất tại các nhà máy của họ ở Hàn Quốc và Ấn Độ. Một ví dụ khác là Tesla Motors đã đóng cửa các nhà máy của mình ở Thượng Hải, California và New York.

Trong lĩnh vực hàng không: Airbus, Boeing và Lockheed đã phải tạm dừng các hoạt động sản xuất tại một số nhà máy của họ ở châu Âu và Mỹ.

Phụ tùng ô tô: Hầu hết các nhà sản xuất ô tô đang phải ngừng sản xuất tại một số nhà máy của họ ở Trung Quốc và các nước khác. Sản lượng toàn cầu cho ngành Công nghiệp ô tô dự kiến ​​sẽ giảm 13%. Volkswagen đóng cửa các nhà máy sản xuất ô tô ở Trung Quốc do hạn chế đi lại và thiếu phụ tùng. General Motors đã khởi động lại các nhà máy ở Trung Quốc nhưng với tốc độ sản xuất rất thấp vì những lý do cơ bản giống nhau. Hyundai đã đóng cửa các nhà máy lắp ráp của họ ở Hàn Quốc, chủ yếu do thiếu phụ tùng từ Trung Quốc. Các nhà máy của Nissan ở châu Á, châu Phi và Trung Đông đã ngừng sản xuất.

Thuốc và thiết bị y tế: Các nhà sản xuất Trung Quốc ước tính chiếm 40% tất cả các thành phần dược phẩm hoạt tính (API) được sử dụng trên toàn thế giới. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu thuốc lớn thứ ba trên thế giới, do đó, đóng vai trò trung tâm là nhà cung cấp các loại thuốc COVID-19 cần thiết. Tuy nhiên, hơn 70% sản lượng thuốc số lượng lớn của Ấn Độ phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, nên các công ty dược phẩm của Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng do các nhà cung cấp của họ ở Trung Quốc bị đình chỉ sản xuất.

Ngoài thuốc men, chúng ta đang chứng kiến ​​tình trạng thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân. Sự thiếu hụt thiết bị bảo vệ cá nhân trên toàn cầu hiện nay, đặc biệt là khẩu trang y tế, mặt nạ phòng độc, đồ bảo hộ, giày dép, áo choàng và kính bảo hộ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ngăn chặn vi rút. Điều này là do các nhân viên y tế tuyến đầu có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao và hàng trăm nhân viên y tế đã chết ở Tây Ban Nha, Ý và Mỹ. Hơn nữa, nhu cầu toàn cầu không chỉ bị thúc đẩy bởi Covid-19 mà còn bởi thông tin sai lệch, tin tức giả mạo, mua sắm hoảng loạn và dự trữ sản phẩm, chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt toàn cầu.

Chuỗi cung ứng thực phẩm: Từ hạt giống đến các sản phẩm khô như gạo và lúa mì, cũng như thực phẩm tươi sống, chẳng hạn như thịt, rau và trái cây, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi 2 khía cạnh: canh tác và vận chuyển. Hầu hết tất cả các công đoạn sản xuất thực phẩm, chẳng hạn như gieo hạt, hái và giao hàng, đều sử dụng nhiều lao động. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã ngừng xuất khẩu do thiếu lao động và gián đoạn hậu cần. Nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, Việt Nam, có kế hoạch giảm 40% hạn ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Thiếu nhân viên vận tải, chuyến bay bị hủy, kiểm tra mất thời gian và kiểm dịch tại hải quan, đã cản trở việc vận chuyển thực phẩm tươi sống.

Logistics quốc tế bị gián đoạn: Lực lượng thiếu hụt lao động do các biện pháp hạn chế đi lại, ví dụ, một số chuyên gia và kỹ thuật viên từ Trung Quốc không thể đến dây chuyền lắp ráp máy ảnh ở Ấn Độ. Tương tự, các kỹ thuật viên từ Hàn Quốc không thể đến nhà máy Samsung tại Việt Nam.

Ngành Hàng không: Việc đóng cửa biên giới của các nước và hạn chế đi lại đã dẫn đến sự gián đoạn lớn trong nhu cầu đi lại bằng đường hàng không. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, số lượng ghế do các hãng hàng không cung cấp giảm khoảng 57% - 64% trong năm 2020. Phần lớn các hãng hàng không đối mặt với viễn cảnh hết kinh phí do các chuyến bay quốc tế bị dừng đột ngột. Qatar Airways là một trong số ít hãng hàng không tiếp tục đảm bảo các dịch vụ hành khách thương mại theo lịch trình.

Dệt may: Ngành Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động và có tính toàn cầu hóa cao. Các biện pháp kiểm dịch, đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, mất thu nhập cũng như lo sợ tiêu tiền trong thời kỳ suy thoái đã kìm hãm nhu cầu tiêu dùng đối với hàng dệt may. Tại Liên minh châu Âu, ngành Dệt may được dự báo sẽ phải đối mặt với khả năng sụt giảm doanh số 50% vào năm 2020. McKinsey & Company dự đoán rằng, doanh thu của lĩnh vực may mặc và giày dép sẽ thấp hơn 27% - 30% vào năm 2020. Theo một cuộc khảo sát của Liên minh Doanh nghiệp Có trách nhiệm, 50% các nhà máy và nhà máy cung cấp của họ không hoạt động hết công suất và 15% trong tổng số các nhà máy đang hoạt động dưới 50% sản lượng. Nhu cầu của người tiêu dùng bị đè bẹp là một lý do. Tình trạng thiếu nguyên liệu và đầu vào cùng với việc thiếu công nhân cũng góp phần vào sự sụt giảm đáng kể của ngành Dệt may.

Hoạt động bán lẻ: Với việc COVID-19 thống trị các tiêu đề trên các báo chí, hành vi hoảng sợ đã thúc đẩy mọi người chuyển sang mua các sản phẩm cơ bản như giấy vệ sinh và các sản phẩm không thể phân hủy (hàng khô). Một cuộc khảo sát của Tạp chí Search Engine Journal cho thấy rằng, doanh số bán hàng tiêu dùng cơ bản đã tăng lên đến 53% trong giai đoạn đầu của dịch bùng phát ở Mỹ. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, do niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh, doanh số bán hàng trung bình giảm 29% ở các ngành hàng như đồ gia dụng và nội thất, cũng như quần áo và điện tử. Tương tự, tại Mỹ, doanh số bán lẻ giảm 8,7%. 

Bảng 1. Thống kê các tác động của COVID-19 tới hoạt động sản xuất của các chuỗi cung ứng toàn cầu

Khu vực

Ảnh hưởng của COVID-19 tới các chuỗi cung ứng toàn cầu

Bắc Mỹ

- Dữ liệu mới nhất hàng tháng từ Mỹ về tổng nhập khẩu cho thấy giảm đáng kể nhập khẩu thiết bị máy tính và viễn thông, thân xe và rơ moóc và các sản phẩm khác liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu Mỹ - Trung so với tháng 02/2019.

- Theo Viện Quản lý cung ứng Hoa Kỳ, 75% các công ty báo cáo sự gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của họ. Cũng theo khảo sát này, thời gian sản xuất đã tăng gấp đôi cho nhiều công ty Hoa Kỳ. Ngoài ra, đã có sự thiếu hụt nguyên liệu thô và sản phẩm cuối cùng. Tất cả điều này trở nên trầm trọng hơn do sự thiếu hụt các kênh vận tải hàng không và đường biển để vận chuyển sản phẩm đi khắp thế giới.

Châu Âu

- Các doanh nghiệp đa quốc gia lớn như Gap, Hugo, Ralph Lauren, Nike, Airbus, Damien Klassen, General Motors,… đã phải đóng cửa các nhà máy và cửa hàng tại Trung Quốc.

- Tập đoàn Logistics tại Đức như DHL, UPS và FedEx báo cáo phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng trong dịch vụ hậu cần trong và ngoài nước đến và đi từ Trung Quốc trong các chuyến hàng vận chuyển đường không, đường bộ và đường sắt.

- H&M tuyên bố đóng cửa 45 cửa hàng tại Trung Quốc; các thương hiệu lớn khác bao gồm: Gap, Hugo, Ralph Lauren, Nike, Levi Strauss và Adidas, cũng công bố công khai về việc đóng cửa hàng của họ ở miền trung Trung Quốc.

- Các công ty đa quốc gia lớn trong ngành Ô tô và vận tải như Airbus, Damien Klassen, General Motors,… cũng tuyên bố đóng cửa cơ sở sản xuất của họ tại Trung Quốc.

Đông Á

Sự thiếu hụt các bộ phận đến từ Trung Quốc đã buộc nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai phải đóng cửa tất cả các nhà máy ô tô của mình tại Hàn Quốc. Công ty Nissan của Nhật Bản cũng tạm thời đóng cửa một nhà máy ở Nhật Bản.

Đông Nam Á

- Tháng 02/2020, Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm trong tổng xuất khẩu ở mức 1%, trong khi đó với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là 3,6%, Campuchia là 3,9 % và Singapore là 4,4%.

- Các công ty dệt may ở Campuchia và Việt Nam phải đối mặt với sự gián đoạn trong việc cung cấp nguyên liệu thô từ Trung Quốc (ngành Dệt may Campuchia đang nhập khẩu tới 60% các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc).

- Hoạt động sản xuất ở Indonesia bị gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, với ước tính khoảng 20% đến 50% nguyên liệu thô cho các nhà máy của đất nước này có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Nam Á

Ngành Công nghiệp hóa chất Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc vào nguồn cung cấp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong các mặt hàng tiêu dùng, các nhà sản xuất Ấn Độ sử dụng 75% linh kiện Trung Quốc cho các mặt hàng như TV và gần 85% linh kiện Trung Quốc cho điện thoại thông minh. Các thành phần quan trọng như màn hình di động, bảng điều khiển TV mở, bảng mạch mở, bộ nhớ và chip LED đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Rất khó để thay thế hàng nhập khẩu trung gian trong một khoảng thời gian ngắn.

 

 

 

3. Cơ hội cho Việt Nam

Trong thu hút đầu tư, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ 2019 nhưng vẫn tốt hơn so với mức giảm trung bình 30%-40% trên toàn cầu năm 2020. Đây là kết quả ban đầu khá tốt so với phần còn lại của thế giới, là đòn bẩy để Việt Nam lội ngược dòng ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19.

 Theo ông Frederick R.Burke, chuyên gia kinh tế Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Baker&Mckenzie Việt Nam, nhìn nhận, trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, Việt Nam dù chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy có nhiều dư địa để làm tốt hơn nữa. Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, đang đàm phán 2 FTA, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.

Trong khi đó, báo Nikkei Asia Review (Nhật Bản) dẫn kết quả khảo sát của Câu lạc bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ở Thượng Hải cho thấy: COVID-19 đã ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng của 54% doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 23% doanh nghiệp cho biết có các kế hoạch sản xuất hoặc mua sắm thay thế trong trường hợp nhà máy ở Trung Quốc bị đóng cửa lâu dài. Meiko Electronics là doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất các bảng mạch ô tô, hiện có cơ sở sản xuất lớn nhất ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Công ty này từng cân nhắc sản xuất linh kiện tại các cơ sở đã có các giấy chứng nhận cần thiết như Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản hoặc Việt Nam. Đối với các sản phẩm chỉ có thể sản xuất tại nhà máy ở Vũ Hán, Meiko Electronics đã đề nghị khách hàng tìm các nhà cung ứng khác.

Bài viết đăng trên trang counterpointresearch.com nhấn mạnh, trong thời đại chủ nghĩa bảo hộ mà nhiều nền kinh tế bị chao đảo bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đang vươn lên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất xuất khẩu.

Từ năm 2020 - 2026, thị trường dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ hằng năm kép là 5%. Với lĩnh vực chế tạo tăng trưởng theo cấp số nhân cùng với nhu cầu nội địa và xuất khẩu ngày càng tăng, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử và ô tô, doanh nghiệp EMS dự kiến sẽ mở rộng quy mô lên tầm cao mới. Nhiều nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và nhà cung cấp EMS toàn cầu như Samsung, LG và Foxconn (nhà sản xuất theo hợp đồng cho Apple) đang đầu tư vào sản xuất bảng mạch in, mô-đun máy ảnh, máy in, máy chủ, điện thoại, thiết bị mạng, tivi và các thiết bị điện tử khác trong nước.

Năm 2020 với gần 70% thị phần điện thoại tại Việt Nam, Samsung là một trong những công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Việt Nam có một trong những cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của Samsung bên ngoài Hàn Quốc. Đến năm 2022, Samsung dự kiến sẽ hoàn thành trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Việt Nam.

4. Kết luận

Trong thời gian tiếp theo không thể lường trước được diển biến tiếp theo cuộc khủng hoảng toàn cầu do sự bùng phát COVID-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể lập kế hoạch giảm thiểu các tác động tiềm tàng bằng cách phát triển các quy trình chuỗi cung ứng và kế hoạch sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ. Hiệu quả của việc chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp phụ thuộc nhiều vào sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về tác động của COVID-19 đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đại dịch này buộc các công ty phải đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ có đạt được hiệu quả và sự nhanh nhẹn trong trường hợp có sự cố. Một tập hợp các kế hoạch liên tục dựa trên cơ sở dự phòng được cung cấp nhằm hỗ trợ các công ty trang bị tốt hơn để giảm thiểu rủi ro bằng cách nhấn mạnh khả năng đáp ứng đối với sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng phức tạp.

Việt Nam đang đứng trước những thời cơ to lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển và tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu. Làn sóng này không chỉ tạo cho chúng ta cơ hội thâm nhập sâu hơn vào các mắt xích có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng, mà còn giúp chúng ta thu hút những dòng vốn FDI công nghệ cao, từ đó giúp cải thiện nền sản xuất trong nước và phát triển kinh tế quốc dân. Việt Nam cần phát huy những điểm mạnh và khắc phục điểm yếu bằng những biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ, nhằm tận dụng tối đa những thời cơ này, đưa nước ta tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như khẳng định một vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội (2020).

Tạp chí Tài chính.

Một số website:, vietnambiz.vn, vietnamtourism.gov.vn, thuvienphapluat.vn, tapchinganhang.com.vn, counterpointresearch.com, gso.gov.vn.