Luân chuyển chứng từ vận tải trong giao, nhận hàng hóa vận chuyển bằng container đường biển

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2019

Chuyên chở hàng hóa bằng container nói chung và đường biển nói riêng là một cuộc cách mạng trong công nghiệp vận tải. Kinh nghiệm của nhiều nước có hệ thống vận tải container phát triển cho thấy tính ưu việt của nó so với phương pháp vận chuyển thông thường. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong trong vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đòi hỏi cần phải nắm rõ quy trình luân chuyển chứng từ trong chuyên chở hàng hóa bằng container đường biển, điều này giúp các chủ thể có liên quan thực hiện thuận lợi, thông suốt công việc...

Quy trình luân chuyển chứng từ trong chuyên chở hàng hóa bằng container đường biển. Nguồn: Internet.
Quy trình luân chuyển chứng từ trong chuyên chở hàng hóa bằng container đường biển. Nguồn: Internet.

Quá trình phát triển của vận tải hàng hóa bằng container

Theo tiêu chuẩn ISO 668:1995(E), container hàng hóa là một công cụ vận tải có đặc điểm: Bền vững và đủ độ chắc tương ứng phù hợp cho việc sử dụng lại; Được thiết kế đặc biệt để có thể chở hàng bằng một hay nhiều phương thức vận tải, mà không cần phải dỡ ra và đóng lại dọc đường; Được lắp đặt thiết bị cho phép xếp dỡ thuận tiện, đặc biệt khi chuyển từ một phương thức vận tải này sang phương thức vận tải khác; Được thiết kế dễ dàng cho việc đóng hàng vào và rút hàng ra khỏi container; Có thể tích bên trong bằng hoặc hơn 1 mét khối (35,3 feet khối).

Từ thời La Mã, con người đã biết sử dụng các thùng lớn để chứa hàng giúp cho việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển được nhanh chóng, thuận tiện. Vận tải hàng hóa bằng container thực sự ra đời từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Quá trình phát triển của vận tải hàng hóa bằng container trên thế giới có thể được chia thành 4 giai đoạn, cụ thể:

Trước năm 1955

Đây là giai đoạn đầu tiên bắt đầu sử dụng container để vận chuyển hàng hóa trên thế giới. Việc phát triển và sử dụng thùng conex của hải quân Hòa Kỳ trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, có tiêu chuẩn là 6 feet được coi là tiền thân của container hiện đại sau này.

Từ năm 1955 đến năm 1966

Giai đoạn này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình container hóa trên thế giới. Container đã được áp dụng để chuyên trở các mặt hàng trên đường biển quốc tế và ngày càng có nhiều container loại lớn được sử dụng. Năm 1956, tàu chở container đầu tiên trên thế giới chính thức ra đời nhờ sự sáng lập của Malcomb Mclean.

Từ năm 1967 đến năm 1980

Luân chuyển chứng từ vận tải trong giao, nhận hàng hóa vận chuyển bằng container đường biển - Ảnh 1

Ở giai đoạn này, container đã được áp dụng theo chuẩn ISO, số lượng container loại lớn không ngừng tăng nhanh. Đồng thời, tàu container chuyên dụng và thiết bị xếp dỡ container cũng phát triển. Một số nước đã hình thành hệ thống vận tải hàng hóa bằng container và có các tuyến buôn bán quốc tế được container hóa cao. Ở thời điểm này, hình thức vận tải đa phương thức bắt đầu manh nha.

Từ năm 1980 đến nay

Công ước của Liên hợp quốc về vận tải đa phương thức năm 1980 đã được thông qua giúp vận tải container phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là ở các nước có nền kinh tế phát triển. Nhiều hãng vận tải hàng hóa được thành lập và có sự cạnh tranh gay gắt. Số lượng hàng hóa được vận chuyển bằng container ngày một tăng lên. Nhiều nước đang phát triển cũng đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng hệ thống vận tải container.

Vận tải container ra đời đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế của các quốc gia. Container ra đời kết nối các ngành vận tải với nhau, làm giảm thời gian, tăng tính an toàn trong quá trình vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí vận tải, từ đó, góp phần giảm chi phí sản xuất, chi phí tiêu thụ hàng hóa… dẫn đến tổng chi phí giảm, lợi nhuận của nền kinh tế tăng lên.

Chứng từ vận tải trong chuyên chở hàng hóa bằng container

Vận đơn nhận hàng để xếp

 Vận đơn do người chuyên chở cấp cho người gửi hàng khi nhận hàng để xếp.

Thông thường vận đơn container được ký phát tại thời điểm container được giao tại bãi container (CY), trước khi container được xếp lên tàu, do đó vận đơn container có các đặc điểm sau đây:

- Là vận đơn nhận hàng để xếp. Nhìn chung đối với loại vận đơn này (nếu thanh toán bằng tín dụng chứng từ – L/C) ngân hàng không chấp nhận thanh toán theo Điều 20 Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ sửa đổi năm 2007 (UCP 600), trừ khi trong L/C có ghi “chấp nhận vận đơn nhận hàng để xếp”. Vì vậy, khi container đã được bốc lên tàu, người gửi hàng nên yêu cầu người chuyên chở ghi chú thêm trên vận đơn : “container đã được bốc lên tàu ngày….” (Shipped on board, on…) và có ký xác nhận. Lúc này, vận đơn trở thành “vận đơn đã xếp hàng” và được ngân hàng chấp nhận thanh toán.

- Trong trường hợp người gửi hàng làm công việc xếp hàng vào container sau đó giao nguyên container đã được niêm phong, kẹp chì cho người chuyên chở, thì khi nhận container chứa hàng, người chuyên chở sẽ không trực tiếp tiếp xúc với hàng hóa và hàng hóa ghi trên vận đơn là do người gửi hàng kê khai bao gồm tên hàng, số lượng, chất lượng. Để nhằm mục đích được miễn trách nhiệm đối với hàng hóa chứa trong container khi giao container cho người nhận ở cảng đến nguyên niêm phong, kẹp chì, người chuyên chở ghi chú trên vận đơn câu “shipper’s load, count and seal” – “người gửi hàng xếp, đếm hàng và niêm phong”, “shipper said:…” – “người gửi hàng khai…”

Vận đơn chủ

Là vận đơn do người chuyên chở thực tế cấp cho người gom hàng khi nhận hàng từ người gom hàng. Vận đơn này dùng để điều chỉnh mối quan hệ giữa người chuyên chở thực tế và người gom hàng và là cở sở để đại lý của người gom hàng lấy hàng từ người chuyên chở tại nơi đến. Vận đơn chủ điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa hãng tàu vận chuyển và đại lý giao nhận theo quy định của luật hàng hải quốc gia nơi hãng tàu có trụ sở cùng các Công ước quốc tế phổ biến trên thế giới. Vận đơn chủ quy định các quyền và nghĩa vụ của hãng tàu về quá trình tiếp nhận, xếp, vận chuyển, dỡ hàng và trả hàng chủ yếu liên quan tới chặng đường biển. Nội dung của vận đơn chủ bao gồm các nội dung của một vận đơn đường biển thông thường do hãng tàu ký phát.

Luân chuyển chứng từ vận tải trong giao, nhận hàng hóa vận chuyển bằng container đường biển - Ảnh 2

Vận đơn nhà

Là chứng từ vận tải do người gom hàng cấp cho các chủ hàng lẻ khi người gom hàng nhận hàng để chở. Vận đơn này dùng để điều chỉnh mối quan hệ giữa người gom hàng và các chủ hàng lẻ và là cơ sở để những người nhận hàng lẻ nhận hàng tại đại lý của người gom hàng ở nơi đến. Vận đơn của người gom hàng còn được gọi là vận đơn thứ cấp vì nó được phát hành sau khi có vận đơn chủ và phải dựa vào vận đơn chủ, phát hành trước. Gọi là vận đơn chủ hay vận đơn thứ cấp là căn cứ vào nội dung tờ vận đơn chứ không căn cứ vào tên gọi của vận đơn là vận đơn chủ hay vận đơn nhà. Nội dung của vận đơn gom hàng gồm có các nội dung cơ bản của một vận đơn đường biển.

Luân chuyển chứng từ vận tải trong giao, nhận hàng hóa vận chuyển bằng container đường biển - Ảnh 3

Tuy nhiên, với vận đơn gom hàng có một số điểm khác biệt cần lưu ý. Đó là, vận đơn gom hàng do các đại lý giao nhận ký phát và thường được ghi đảm nhận để chuyên chở vì địa điểm tiếp nhận để vận chuyển và cảng để xếp lên tàu không ít trường hợp cách xa nhau hàng trăm cây số nên trước khi ra cảng hàng hóa có thể phải trải qua một hành trình bằng phương tiện đường bộ. Ngoài ra, trong vận đơn gom hàng người gửi hàng gọi là Consignor (xuất phát từ động từ tiếng Anh “to consign”) có nghĩa là ủy thác vận chuyển, ký gửi hàng.

Trong phương thức thanh toán bằng L/C, theo UCP 600, vận đơn của người gom hàng không được chấp nhận thanh toán vì người cấp vận đơn không phải là người chuyên chở mà là người gom hàng. Do đó, Liên đoàn các hiệp hội giao nhận kho vận quốc tế (FIATA) đề nghị người gom hàng sử dụng vận đơn vận tải đa phương thức của FIATA.

Luân chuyển chứng từ vận tải trong giao, nhận hàng hóa vận chuyển bằng container đường biển - Ảnh 4

Luân chuyển chứng từ trong chuyên chở hàng hóa bằng container đường biển

Căn cứ vào lượng hàng hóa của người gửi hàng có đóng đủ vào một hay nhiều container, người ta chia phương pháp gửi hàng bằng container thành các loại: Gửi nguyên giao nguyên (FCL/FCL); Gửi lẻ giao lẻ (LCL/LCL); Gửi hàng kết hợp (FCL/LCL, LCL/FCL).

Phương pháp gửi nguyên giao nguyên

Khi hàng hóa của người gửi hàng lớn, đóng đủ vào một hay nhiều container để gửi cho một người nhận hàng ở nơi đến thì áp dụng phương pháp gửi nguyên giao nguyên (FCL/FCL).

Ngày nay, việc giao nhận hàng thông thường được thực hiện thông qua các đại lý giao nhận. Khi đó, quy trình giao, nhận hàng và luân chuyển chứng từ vận tải được thực hiện như Hình 1.

Dù ít khi xảy ra nhưng người gửi hàng có thể giao hàng trực tiếp cho người chuyên chở. Khi đó, người chuyên chở sẽ phát hành vận đơn nhận hàng để xếp cho người gửi hàng. Quy trình giao nhận và luân chuyển chứng từ như Hình 2.

Ngoài ra, người gửi hàng có thể gửi hàng thông qua đại lý giao nhận nhưng các đại lý giao nhận không phát hành vận đơn nhà cho người gửi hàng mà yêu cầu người chuyên chở phát hành vận đơn nhận hàng để xếp cho người gửi hàng. Lúc này, đại lý giao nhận thay mặt cho người gửi hàng giao hàng cho người chuyên chở. Khi đó, quy trình giao nhận hàng hóa và luân chuyển chứng từ như Hình 2.

Luân chuyển chứng từ vận tải trong giao, nhận hàng hóa vận chuyển bằng container đường biển - Ảnh 5

Phương pháp gửi lẻ giao lẻ

Đây là phương pháp gửi hàng được áp dụng đối với những lô hàng đóng chung trong một container mà người gom hàng (người giao nhận) phải chịu trách nhiệm đóng hàng và dỡ hàng vào – ra container. Khi gửi hàng, nếu hàng không đủ để đóng nguyên một container, chủ hàng có thể gửi hàng theo phương pháp LCL/LCL.

Người kinh doanh chuyên chở hàng lẻ gọi là người gom hàng (consolidator) sẽ tập hợp những lô hàng lẻ của nhiều chủ hàng, phát hành vận đơn nhà cho họ, tiến hành sắp xếp, phân loại, kết hợp các lô hàng lẻ đóng vào container, niêm phong kẹp chì theo quy chế xuất khẩu và làm thủ tục hải quan, bốc container từ bãi container ở cảng đi tàu tàu vận chuyển, dỡ container lên bãi container ở cảng đến, dỡ hàng ra khỏi container và giao hàng cho người nhận hàng lẻ.

Người chuyên chở thực  nhận container nguyên niêm phong kẹp chì từ người gom hàng, ký phát vận đơn cho người gom hàng (vận đơn chủ), tại cảng đích, người chuyên chở thực dỡ container xuống tàu, vận chuyển container về bãi container và giao container cho đại lý hoặc đại diện của người gom hàng khi người này xuất trình vận đơn chủ. Quan hệ giữa người gom hàng và người chuyên chở thực lúc này là quan hệ giữa người thuê tàu và người chuyên chở.

Việc giao, nhận các lô hàng lẻ sẽ do người gom hàng và đại lý của họ thực hiện tại cảng đi và cảng đến. Quy trình giao, nhận và luân chuyển chứng từ sẽ được thực hiện như Hình 3.

Phương pháp gửi nguyên giao lẻ

Mặc dù, gửi hàng nguyên nhưng người gửi hàng vẫn phải tìm đến một công ty giao nhận để gửi hàng. Tương ứng với khối lượng hàng hóa mà người gửi hàng giao cho từng người nhận, công ty giao nhận sẽ phát hành cho người gửi hàng vận đơn nhà. Có bao nhiêu người nhận hàng thì sẽ có bấy nhiêu vận đơn nhà được phát hành. Tổng khối lượng hàng hóa trên tất cả các vận đơn nhà này sẽ bằng khối lượng hàng hóa trên vận đơn chủ mà người chuyên chở phát hành cho công ty giao nhận khi nhận nguyên container từ người giao nhận.

Phương pháp gửi lẻ giao nguyên

Mặc dù, toàn bộ hàng hóa trong container là của một người nhận hàng nhưng người nhận hàng vẫn phải dùng các vận đơn nhà để nhận các lô hàng lẻ từ đại lý của công ty giao nhận ở cảng đến. Các vận đơn nhà được công ty giao nhận phát hành cho từng người gửi hàng ở cảng đi. Người gửi hàng sẽ chuyển các vận đơn nhà cho người nhận hàng ở cảng đến.

Chuyên chở hàng hóa bằng container nói chung và đường biển nói riêng là một  cuộc  cách  mạng trong công nghiệp vận tải.  Kinh  nghiệm của nhiều nước có hệ thống vận tải container phát triển cho thấy tính ưu việt của nó so với phương pháp vận chuyển thông thường. Hiệu quả kinh tế của chuyên chở hàng hoá bằng container thể hiện qua việc giảm chi phí vận tải, góp phần làm giảm chi phí lưu thông của toàn xã hội, hạ giá thành sản phẩm. Qua đó, tạo điều kiện hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống vận tải trong mỗi nước cũng như trong phạm vi toàn thế giới và góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng phục vụ của ngành vận tải, thoả mãn nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng của xã hội. Việc nắm rõ quy trình luân chuyển chứng từ trong chuyên chở hàng hóa bằng container đường biển sẽ giúp cho các chủ thể có liên quan thực hiện thông suốt công việc của mình góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động vận tải đường biển.           

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Nguyễn Hợp Châu (2018), Vận tải và bảo hiểm trong ngoại thương, NXB Hồng Đức;
  2. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7553:2005 (ISO 668 : 1995);
  3. The Uniform Custom and Practice for Documentary Credit (Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ - UCP600);
  4. International Standard Banking Practice for the examination of documents under documentary credits (Tập quán Ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra chứng từ trong phương thức tín dụng chứng từ - ISBP745).