Ô tô nhập khẩu giảm mạnh do mãi lực yếu

Theo Nhật Minh/thoibaonganhang.vn

So với nửa cuối tháng 3/2020 và cùng kỳ năm 2019, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm rất mạnh

So với nửa cuối tháng 3/2020 và cùng kỳ năm 2019, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm rất mạnh. Nguồn: internet
So với nửa cuối tháng 3/2020 và cùng kỳ năm 2019, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm rất mạnh. Nguồn: internet

Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ vừa phát đi thông báo tới các tổ chức, cá nhân có liên quan đến 184 lô hàng tồn đọng đang lưu giữ tại cảng Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng) đã quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng chưa làm thủ tục hải quan. Trong số hàng tồn đọng có nhiều ô tô mới nhập khẩu của thương hiệu Nissan được đưa về cảng Tân Vũ, Hải Phòng từ cuối năm trước nhưng chưa có cá nhân, tổ chức nào đứng ra làm thủ tục thông quan.

Trước đó, tình trạng tương tự cũng đã xảy ra khi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 có thông báo tìm chủ nhân 26 container và 2 lô hàng lẻ tồn đọng đang được lưu giữ tại cảng Tân Vũ và 9 lô hàng tồn đang được lưu tại cảng PTSC Đình Vũ và một số lô hàng lẻ tại cảng Hoàng Diệu. Trong số hàng tồn đọng ở những cảng này có hàng chục xe hơi của một số hiệu xe nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc mới 100%, được vận chuyển về từ cuối năm 2019 nhưng chưa có cá nhân, tổ chức nào làm thủ tục hải quan để nhập khẩu.

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy,  trong 15 ngày đầu tháng 4, cả nước nhập khẩu 3.146 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá gần 79,6 triệu USD. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có số lượng nhiều nhất với 2.295 chiếc, trị giá 54,7 triệu USD. Dòng xe nhiều thứ hai là ô tô tải với 526 chiếc, trị giá hơn 12 triệu USD. Các loại xe nhập khẩu về thị trường Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc... Đáng chú ý, so với nửa cuối tháng 3/2020 và cùng kỳ năm 2019, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm rất mạnh, ở mức trên dưới 50%.

Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ ô tô nhập khẩu trong một vài tháng trở lại đây giảm mạnh bởi chịu sự tác động của dịch bệnh Covid-19, các quốc gia sản xuất ô tô bị đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, lệnh phong tỏa tại một số quốc gia khiến cho việc đi lại, vận chuyển, hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính được cho là có tác động đáng kể đến kim ngạch nhập khẩu ô tô trong những tháng qua chính là do sức mua trong nước bị sụt giảm vì ảnh hưởng dịch bệnh khiến cho nền kinh tế suy yếu, thu nhập người dân giảm sút, nhu cầu mua sắm, đổi xe mới bị tạm ngưng lại.

Một phó giám đốc phụ trách bán hàng tại showroom ô tô nhập khẩu tại đường Nguyễn Văn Linh, Quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều khách hàng trước Tết có xu hướng chọn mua các dòng xe nhập khẩu vì xe được trang bị nhiều tính năng, tiện ích; nay vì dịch bệnh nên đã tạm hoãn kế hoạch mua xe để nghe ngóng tình hình, lo sợ tình hình tài chính bị ảnh hưởng do hoạt động kinh doanh khó khăn.

Điều này được minh chứng qua số liệu báo cáo doanh số mới nhất từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 3/2020, các doanh nghiệp thành viên bán ra tổng cộng 19.154 xe, tăng nhẹ 8% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên so với cùng kỳ năm trước đã sụt giảm tới 41%. Cũng theo VAMA, tính đến hết quý I/2020, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu xét về nguồn gốc, xe lắp ráp trong nước giảm 20%, trong khi xe nhập khẩu giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những mẫu xe ô tô bán chậm, doanh số rớt thê thảm mùa dịch bệnh chủ yếu rơi vào các dòng  xe nhập khẩu. Đơn cử, như hãng xe Toyota mặc dù vẫn đang sở hữu những mẫu xe luôn có sức tiêu thụ đứng đầu thị trường, song bên cạnh đó, một vài dòng xe nhập khẩu của hãng này cũng nằm trong top xe bán ế như chiếc Toyota Alpha (giá bán chưa lăn bánh hơn 4 tỷ đồng), trong tháng vừa qua, mẫu xe này chỉ bán được 124 chiếc trên toàn thị trường. Hãng này còn có thêm chiếc Toyota Land Cruiser (giá chưa bao gồm thuế phí cũng xấp xỉ 4  tỷ  đồng) sau khi vượt qua những rào cản về thủ tục giấy tờ nhập khẩu theo quy định mới tại Nghị định 116, nhập nguyên chiếc từ Nhật Bản mới được phân phối trở lại thị trường Việt Nam có vẻ thuận lợi hơn năm ngoái, nhưng cũng chỉ bán được 267 chiếc.

Trong những mẫu xe bán chậm còn phải kể đến FordTourneo là mẫu MPV đầu tiên của Ford ra mắt thị trường Việt Nam, có 2 phiên bản với giá bán trên dưới 1 tỷ đồng, nhưng doanh số tiêu thụ khá thấp. Hay như xe Isuzu Mu-X cũng chỉ bán được 344 chiếc dù thường xuyên được hãng áp dụng giảm giá mạnh lên đến cả trăm triệu đồng nhưng mẫu SUV 7 chỗ  này vẫn không thoát khỏi số phận ế ẩm tại Việt Nam trong suốt năm vừa qua.

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ có tình trạng đó là do phần lớn đây là những mẫu xe có giá bán khá cao, chưa thực sự phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng trong nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người phải thắt chặt chi tiêu, thậm chí một số DN phải tạm ngưng hoạt động đầu tư, mua sắm. Còn những dòng xe nhập khẩu có mức giá trung bình thì lại chưa thực sự thuyết phục người mua về mẫu mã, chất lượng.