Cơ cấu nợ, con dao hai lưỡi!

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Ngày 28/11, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức bất ngờ hủy kế hoạch phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Động thái này càng cho thấy những khó khăn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt khi chọn tái cơ cấu nợ bằng công cụ này.

 Cơ cấu nợ, con dao hai lưỡi!
DN vay trái phiếu giá cao để trả nợ, chi phí vay cứ thế tăng cao dẫn đến rủi ro không trả được nợ trong tương lai tăng theo. Nguồn: internet
Nhà Thủ Đức cho biết, Công ty sẽ thay thế bằng phương án vay vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Á. “Do thủ tục của Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Á nhanh chóng thuận lợi hơn và lãi suất tốt hơn”, theo công bố thông tin đăng tải ngày 28/11 của Công ty.

Trước đó hai ngày, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà Thủ Đức, ông Lê Chí Hiếu, trả lời báo giới cho biết, Công ty đã tìm được nhà đầu tư mua 400 tỷ đồng trái phiếu. Khoản tiền này dự kiến được dùng một phần để trả cho khoản vay trái phiếu cũ 200 tỷ đồng có lãi suất 7%/năm hồi năm 2010.

Trả lời phóng viên, đại diện công bố thông tin của Nhà Thủ Đức cho biết, khoản vay mới qua Ngân hàng Đại Á có lãi suất 12%/năm, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với lãi suất dự kiến 13%/năm của khoản vay qua phát hành trái phiếu.

Vị đại diện này cũng cho biết, quy mô của khoản vay cũng giảm xuống chỉ còn 250 tỷ đồng, “vì trước mắt Công ty chỉ có nhu cầu vay mới để trả cho khoản vay trái phiếu cũ”.

“Chúng tôi cũng đã cân đối dòng tiền, ước tính đủ để trả nợ cho khoản vay mới này”, ông này nói và cho biết thêm, Nhà Thủ Đức và đối tác mua trái phiếu dự kiến chưa ký thỏa thuận chính thức nào, nên việc chuyển kế hoạch này không làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý nào.

Việc ngưng phát hành trái phiếu của Nhà Thủ Đức cho thấy rõ những khó khăn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt khi chọn trái phiếu doanh nghiệp để tái cơ cấu nợ. Cùng thời điểm với Nhà Thủ Đức, cũng đã có ít nhất 3 doanh nghiệp cỡ vừa công bố phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quy mô từ vài trăm đến 1.000 tỷ đồng.

Khi đó, đã có những quan điểm lo ngại về việc một loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Những ý kiến này đánh giá, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phải chịu lãi suất cao và các điều kiện ràng buộc khắt khe khi chọn trái phiếu doanh nghiệp - công cụ vay vốn gần như chỉ dành cho số ít các doanh nghiệp lớn đầu ngành, do đó sẽ dẫn đến gánh nặng trả nợ lớn hơn của doanh nghiệp trong tương lai.

Trước Nhà Thủ Đức hai tháng, Công ty Du lịch Thiên Minh cũng chào bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu với ý định sẽ phát hành với lãi suất khoảng 7%/năm - thấp hơn lãi suất của các khoản vay cũ - để tái cơ cấu nợ khoảng 400 tỷ đồng các khoản vay cũ. Tuy nhiên ý định này đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Lãi suất khoản vay mới từ ngân hàng của Nhà Thủ Đức, mặc dù vẫn cao hơn nhiều mức lãi suất 7%/năm của khoản vay cũ, đã giảm được 1%, từ 13% xuống 12%/năm vẫn là một thành công rõ rệt của doanh nghiệp.

Những nguồn tin liên quan tới các thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho biết, chi phí mà phần lớn doanh nghiệp phải chịu khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp không hề rẻ, đặc biệt là những doanh nghiệp dùng tiền vay mới để trả cho các khoản nợ cũ. Lãi suất công bố của các thương vụ phát hành từ đầu năm tới nay rơi vào khoảng 13 - 15%/năm với các doanh nghiệp bất động sản, nhưng chi phí thực có thể cao hơn nhiều.

Đầu năm nay, một doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 13%/năm. Tuy nhiên, những nguồn tin nội bộ cho biết, nếu cộng cả chi phí tư vấn, phí quản lý tài sản đảm bảo và một số phí khác - những loại phí này được gọi chung là “chi phí mềm” - lãi suất phát hành thực sự lên tới 14,5%/năm.

“Những chi phí mềm này để tránh việc lãi suất phát hành công bố cao sẽ ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh doanh nghiệp”, một nguồn tin cho biết và nói thêm, mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh từ đầu năm tới nay, nhưng chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp lớn đầu ngành với dòng tiền sản xuất tốt mới có thể dùng trái phiếu doanh nghiệp để chuyển các khoản nợ lãi cao sang các khoản nợ lãi thấp hơn.

“Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng trái phiếu doanh nghiệp để tái cơ cấu nợ, hoàn toàn có khả năng doanh nghiệp phải tiếp tục vay các khoản vay đắt hơn để bù đắp cho các khoản vay cũ. Chi phí vay cứ thế tăng cao dẫn đến rủi ro không trả được nợ trong tương lai tăng  theo”, nguồn tin này nói.