Công tác dự báo của doanh nghiệp - nhìn từ bài học của Lafooco

Theo Đầu tư Chứng khoán

Cuối 2011, giá hạt điều giảm mạnh, tiêu thụ kém nên lợi nhuận của công ty giảm, lãi vay cao và các khoản trích lập dự phòng lớn.

Công tác dự báo của doanh nghiệp - nhìn từ bài học của Lafooco

Gần 20 năm kinh nghiệm hoạt động, luôn là 1 trong 10 công ty hàng đầu về xuất khẩu điều tại Việt Nam, nhưng Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) cũng không thể thoát khỏi sự suy giảm chung của ngành. Công ty đã thua lỗ 4 quý liên tiếp và nhiều khả năng sẽ bị hủy niêm yết.

Quay ngược trở lại năm 2010, công ty đã đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận rất cao, lần lượt là 172% và 390%, nhờ quyết sách đúng đắn về dự trữ hàng tồn kho. Dự đoán giá điều sẽ tăng vào cuối năm, Lafooco đã mua một lượng lớn hàng tồn kho với giá bình quân khá thấp. Thực tế đã diễn ra đúng như dự đoán: giá điều tăng gấp 3 lần vào cuối năm 2010. Nhờ đó, công ty đã lãi lớn.

Giá điều tiếp tục đứng ở mức cao trong nửa đầu năm 2011. Và với lợi thế hàng tồn kho lớn, Lafooco tiếp tục ăn nên làm ra. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, công ty gần như đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm. Theo chu kỳ cũ (mua trong 6 tháng đầu năm, lúc điều vào mùa thu hoạch và bán vào mùa cao điểm cuối năm), công ty tiếp tục dự trữ hàng tồn kho.

Thậm chí, Lafooco đã đi một nước cờ mạo hiểm hơn khi dùng một lượng lớn vốn vay để mua hàng về dự trữ. Có thời điểm, vay ngắn hạn của công ty lên tới trên 616 tỷ đồng như vào cuối quý III/2011 so với chỉ 6 tỷ đồng vào đầu năm, kèm với đó là hơn 750 tỷ đồng hàng tồn kho.

Công ty đã dự đoán đúng về việc sản lượng điều nguyên liệu tiếp tục giảm. Nhưng cuối năm 2011, giá hạt điều cũng giảm mạnh, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này không còn cao nữa, vì kinh tế khó khăn. Kết quả là lợi nhuận đi xuống. Lãi vay cao và các khoản trích lập dự phòng lớn là những lý do khác khiến Lafooco lún sâu vào thua lỗ. Kết quả kinh doanh quý IV èo uột đã kéo lợi nhuận cả năm của công ty xuống, chỉ đạt 24% kế hoạch năm.

Giá vốn cao hơn doanh thu là nguyên nhân gây ra thua lỗ cho Lafooco trong năm vừa qua. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty 9 tháng đầu năm là âm 144,5 tỷ đồng, dẫn đến lỗ lũy kế tính đến thời điểm hiện tại là 132,6 tỷ đồng.

Chỉ cần lỗ thêm hơn 15 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm, Lafooco sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc (do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp).

Doanh thu và lợi nhuận của Lafooco phần lớn đến từ xuất khẩu nhân điều nguyên liệu. Khi nhu cầu giảm, công ty lập tức gặp khó khăn. Đây không phải là chuyện riêng của Lafooco. Các doanh nghiệp điều hầu như đã bỏ trống thị trường trong nước, chỉ khoảng 5% sản phẩm là phục vụ tiêu dùng nội địa. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), cho biết: “Ấn Độ có khoảng 1/3 sản phẩm được tiêu thụ nội địa. Thế nên khi nhu cầu của các thị trường xuất khẩu giảm, doanh nghiệp nước này đã không gặp khó khăn”.

Bỏ quên thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt Nam hầu như cũng quên luôn việc đầu tư cho công nghệ. Hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm điều không cao. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nhân điều thô, tức nhân điều chưa rang muối, chiên hay làm bánh kẹo... Lafooco, chẳng hạn, có trên 90% doanh thu đến từ xuất khẩu nhân điều. Đây cũng là nhóm giảm giá mạnh từ đầu năm đến nay. Theo Vinacas, trong 7 tháng đầu năm, giá hạt điều đã bóc vỏ giảm 13,3%, trong khi giá hạt điều đã chế biến chỉ giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu ra gặp khó nhưng đầu vào cũng không yên ổn. Trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nguyên liệu sản xuất, còn lại các doanh nghiệp phải nhập khẩu. Thật lạ là ngay cả một doanh nghiệp lớn trong ngành như Lafooco mà cũng không hề có bất kỳ chiến lược phát triển vùng nguyên liệu nào trong nước. Thay vào đó, công ty đã kinh doanh thêm thủy sản, gạo, thậm chí đầu tư bất động sản, điểm giao dịch chứng khoán.

“Đổi gạo lấy điều nguyên liệu từ châu Phi” có thể là chiến lược duy nhất Lafooco đã công bố nhằm phát triển vùng nguyên liệu. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong nước hầu như không có. Một hộ trồng điều tại Đồng Nai, một trong các vùng nguyên liệu trọng điểm của ngành, cho biết: “Lâu nay chỉ bán cho thương lái”.

Chính vì mối liên kết lỏng lẻo đó nên khi mất mùa người dân đã chọn cách bỏ hoang không chăm sóc hoặc chặt bỏ cây điều để trồng các loại cây có giá trị cao hơn như cao su. Theo ông Học, Vinacas, việc liên kết với nhà nông hay tự phát triển vùng nguyên liệu tại các nước bạn như Campuchia đã có những thành công bước đầu.

Hãy quay lại với Lafooco, những khó khăn trên không phải là mới. Ngay từ sớm, lãnh đạo công ty đã đưa ra các phương hướng giải quyết như tìm hiểu thị trường Campuchia để thu mua nguyên liệu, thực hiện chế biến sâu các sản phẩm từ điều như hạt điều rang muối… Tuy chậm nhưng các hoạt động này đang dần có hiệu quả. Chẳng hạn, nếu năm 2010, doanh thu từ hoạt động chế biến điều rang muối là 1,5 tỷ đồng thì sang năm 2011, con số này đã lên tới 37 tỷ đồng.

Lafooco cũng đã có những giải pháp khác trong ngắn hạn. Công ty đã lên kế hoạch huy động vốn từ cổ đông chiến lược. Nếu thành công, nguồn vốn mới sẽ là động lực giúp Lafooco vượt khó. Giá điều nguyên liệu đang tăng dần do nhu cầu sản xuất bánh kẹo dịp Tết và Giáng sinh tăng. Hơn nữa, cuối quý III, công ty cũng đã giảm được nợ ngắn hạn xuống chỉ còn 352 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với mức 616 tỷ đồng cuối quý III/2011. Vì thế, áp lực trả lãi vay cũng đã giảm xuống.