Khối doanh nghiệp tư nhân: Cần được kích hoạt!

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: “Thời gian vừa qua chúng ta chú ý nhiều đến mảng FDI, nhưng nay, khối doanh nghiệp dân doanh (DN tư nhân) cần được quan tâm đầy đủ hơn, bởi đây là lực lượng đông đảo nhất, cũng như quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam”.

Khối doanh nghiệp tư nhân: Cần được kích hoạt!
Khối DN tư nhân cần được quan tâm đầy đủ hơn. Nguồn: internet
GS.,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài - cũng đồng tình, để có được tốc độ tăng trưởng cao hơn mức dự kiến là 6% mà Chính phủ trình Quốc hội cho năm 2014-2015, thì những vấn đề liên quan đến phát triển DN tư nhân cần được chú trọng.

Thống kê cho thấy, hiện nay khối DN tư nhân, nhất là DN vừa và nhỏ đang trong trạng thái vận động không tốt. Kết quả cuộc điều tra về năng lực cạnh tranh của hơn 8.000 DN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê, trường Đại học Copenhagen và Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch thực hiện và công bố cuối năm 2013 cho thấy, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vốn là số 1, tiếp đến là thiết bị, lao động có kỹ năng, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin.

Về đầu tư nghiên cứu - phát triển (R&D), trong số hơn 8.000 DN, chỉ có 826 DN (hơn 10%) cho biết có tiến hành, nhưng phần lớn (55%) để ứng dụng công nghệ thích ứng với thị trường mà không phải nghiên cứu công nghệ mới so với thế giới. Những tư liệu của cuộc điều tra này đã bộc lộ nhược điểm lớn về vốn, máy móc, thiết bị, công nghệ và R&D của DN tư nhân.

Bộ trưởng - Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Bùi Quang Vinh:

Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để sửa 2 luật theo hướng tháo bỏ toàn bộ những rào cản đang cản trở sự tham gia vào thị trường cũng như thành lập và phát triển doanh nghiệp của khối dân doanh, theo hướng: Tất cả những ngành nghề nào mà luật pháp không cấm thì người dân và DN đều có thể tham gia, đó là: Luật DN và Luật đầu tư.

Vấn đề thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam cũng là nhược điểm cần được khắc phục. Theo ông Nguyễn Trung Thắng - Chủ tịch hội đồng quản trị MASSO Group, hơn 10 năm trước, hàng may mặc Việt Nam đã có những thương hiệu được đánh giá có triển vọng, khả năng cạnh tranh tốt dựa vào tiềm lực và kỹ thuật như Legafashion, Mốt, Việt Tiến, Việt Tháng, Ninomaxx, Nhà Bè... Thế nhưng, đến nay chỉ có một số thương hiệu giữ được thị trường.

Trước thực trạng trên, ông Mại cho rằng, DN tư nhân cần được kích hoạt nhanh hơn để góp phần gia tăng tốc độ tăng tưởng kinh tế đất nước. Theo ông Mại, giải pháp kích hoạt động lực này chủ yếu lại là từ chính bản thân các DN, bởi họ là những người hàng ngày phải lao động cật lực để xử lý từ sản xuất đến tiêu thụ, từ tài chính đến lao động, tiền lương, do vậy không nên bàn nhiều về việc DN của họ cần làm gì để vượt qua khủng hoảng, mà việc cần bàn là sự hỗ trợ từ nhà nước, từ mối liên kết giữa các DN để giúp các DN đang đình trệ có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, các DN đang trong trạng thái bình thường có cơ hội để kinh doanh phát đạt, tăng thêm tích lũy để tái sản xuất mở rộng...

Cũng theo ông Mại, có 4 nhân tố chính để DN vừa và nhỏ có thể phát triển, đó là: Hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế của nhà nước, tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý và thủ tục thuận lợi theo hướng chuyển từ cho vay phải thế chấp là chủ yếu sang cho vay theo phương án đầu tư, kinh doanh của DN; khuyến khích mối liên kết giữa DN vừa và nhỏ với tập đoàn kinh tế trong nước và trong khu vực FDI để phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ; coi trọng hình thành thương hiệu của DN và sản phẩm để tạo lập lòng tin với người tiêu dùng; đồng thời, coi trọng hơn nữa vai trò của Hiệp hội ngành hàng, bởi đó la nơi tập hợp tiếng nói các DN.