Lãi suất cho vay tín chấp doanh nghiệp: Tùy mức độ tín nhiệm

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Đại diện Vietcombank cho rằng, lãi suất vay tín chấp cao hơn thế chấp là bởi mức độ đánh giá rủi ro của loại hình này khác nhau. Đồng thời, mức độ rủi ro của khoản vay tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của khách hàng đề nghị vay vốn, vì vậy lãi suất của chương trình vay tín chấp này cũng sẽ tùy thuộc vào từng nhóm khách hàng.

Lãi suất cho vay tín chấp doanh nghiệp: Tùy mức độ tín nhiệm
Tín chấp trong điều kiện thị trường hiện khó cả ngân hàng và bên đi vay. Nguồn: internet
VietinBank mới đây đã “bơm” cho các doanh nghiệp (DN) trong câu lạc bộ CEO Club của TP. Hồ Chí Minh 10.000 tỷ đồng, với mục đích cùng đồng hành với các DN giải quyết khó khăn về vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay tiền đồng chỉ từ 6 - 8%/năm và USD cho các DN xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi từ 2,5 – 4%/năm. Cá biệt, có gói tài trợ còn được VietinBank mở rộng cho các DN muốn vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi chỉ 5%/năm.

Tại HDBank, ngân hàng này cũng cho biết đang tiếp tục mạnh tay đẩy vốn rẻ ra thị trường với kỳ vọng thu hút được DN đến vay trong mùa kinh doanh cuối năm. Trong đó, có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 8%/năm cho DN trong các lĩnh vực thủy sản, nông sản, cho vay tín dụng cà phê…

Những sản phẩm trên cho thấy, các ngân hàng đang tìm mọi giải pháp nhằm đẩy nhanh vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh dịp cuối năm.

Hiện, những gói sản phẩm này không chỉ áp dụng cho DN mới vay lần đầu mà cho cả DN đang còn nợ xấu. Theo đó, trường hợp các DN không có tài sản thế chấp vì đã thế chấp trước đó, nếu xét thấy dự án kinh doanh sản xuất khả thi, các ngân hàng vẫn đồng ý cho vay mới bằng hình thức tín chấp. Hoặc, cho vay thế chấp bằng hàng hóa, tiền bảo lãnh của DN…

Những động thái trên từ phía các ngân hàng cho thấy, những tháng cuối năm luôn là thời điểm các ngân hàng kỳ vọng đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân cả năm, nhưng năm nay, chính phía ngân hàng thực sự “bí” đầu ra.

Thừa nhận điều này, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc DongA Bank nói rằng, mặc dù đã ra sức cơ cấu lại nợ, giãn nợ và giảm lãi suất, kể cả cho vay mới khi DN chưa trả được nợ cũ, nhưng nhu cầu vốn của DN lúc này dường như không có. Vì thế, theo bà Vân, để “đẩy” được tăng trưởng tín dụng lúc này rất khó. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của DongA Bank trong 9 tháng đầu năm nay cũng chỉ mới “dương” được 1,2% so với chỉ tiêu ngân hàng này đề ra ban đầu, lên đến khoảng 9%.

Tương tự, lãnh đạo của VietinBank nói rằng, về lý thuyết, ngân hàng cho DN vay tín chấp để DN tiếp tục hoàn thành các dự án sản xuất, kinh doanh mới có tính khả thi thu hồi vốn và hiệu quả kinh doanh cao. Nhưng thực ra, ngân hàng này cũng đang bị ứ vốn khả dụng: theo số liệu 6 tháng, tín dụng của VietinBank vẫn trong tình trạng “âm” và hết 9 tháng đầu năm cũng mới chỉ chuyển sang trạng thái “dương”. Trong khi đó, theo kế hoạch ban đầu, tăng trưởng dư nợ tín dụng được VietinBank đưa ra cho năm nay ở mức lên đến 15- 17%...

Trong bối cảnh tình hình tài chính khó khăn như hiện nay, không phủ nhận những lợi ích thiết thực của các chương trình mở rộng điều kiện tín dụng mang lại. Tuy nhiên, có DN dù vẫn phải vay vốn, nhưng đồng thời cũng than phiền rằng, lãi suất theo dạng cho vay tín chấp còn cao. Kèm theo đó là những điều kiện trong hợp đồng tín dụng vẫn chỉ bảo vệ an toàn bên cho vay…

Chia sẻ về vấn đề lãi suất, đại diện Vietcombank cho rằng, lãi suất vay tín chấp cao hơn thế chấp là bởi mức độ đánh giá rủi ro của loại hình này khác nhau. Đồng thời, mức độ rủi ro của khoản vay tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của khách hàng đề nghị vay vốn, vì vậy lãi suất của chương trình vay tín chấp này cũng sẽ tùy thuộc vào từng nhóm khách hàng.

Tương tự, ông Trần Xuân Quảng, Phó tổng giám đốc Maritime Bank cho biết, dù các ngân hàng thừa vốn thật, đang cố đẩy vốn bằng nhiều cách, nhưng ông có nhận định vấn đề theo một cách khác.

Theo ông Quảng, các DN có khó khăn về tiếp cận vốn có thể là chính các DN cũng đang thực sự gặp khó khăn trong kinh doanh do khả năng cạnh tranh hạn chế, lượng hàng tồn kho nhiều, công nợ cao, sử dụng vốn sai mục đích… Đây là những khó khăn xuất phát từ năng lực của bản thân DN. Đối với những khách hàng như vậy, trong bối cảnh kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện tại, các ngân hàng dù cho vay tín chấp nhưng chắc chắn rất thận trọng với những DN này, vì tránh làm cho gánh nặng nợ xấu của chính mình trầm trọng thêm.

Trái lại, theo ông Quảng, những DN có năng lực tài chính ổn định, kế hoạch kinh doanh khả thi thì đều tiếp cận nguồn vốn khá dễ dàng. Hiện nay, khối ngân hàng nói chung và Maritime Bank nói riêng đều đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh chóng nhằm tạo điều kiện cho các DN sản xuất kinh doanh. Như vậy, về bản chất, một số hiện tượng hiện nay không phải thể hiện nghịch lý như một số ý kiến còn băn khoăn.

Có lẽ, cũng vì những lý do khách quan trên mà dù rất nỗ lực, nhưng lượng vốn chảy ra khỏi ngân hàng vẫn không tăng như dự đoán. Trên quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định rằng, khó khăn về thị trường và xử lý hàng tồn kho chưa khả quan vẫn đang là trở ngại lớn ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng mới của các DN. “Phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm nay là điều không dễ khi đến cuối tháng 10 mà dư nợ chỉ mới đạt gần 7%”, ông Minh băn khoăn.