Cảnh báo các doanh nghiệp tìm đối tác thông qua Internet, sàn giao dịch điện tử

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan/baocongthuong.vn

Mới đây, Thương vụ tại Hà Lan lại tiếp tục nhận được một số đề nghị giúp đỡ của doanh nghiệp Việt Nam nhờ hỗ trợ điều tra sau khi đã tiến hành giao dịch kinh doanh và đã trả trước 30% hoặc đặt cọc nhưng sau đó đã không thể liên hệ được.

Thương vụ tại Hà Lan tiếp tục lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết. Nguồn: Internet.
Thương vụ tại Hà Lan tiếp tục lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết. Nguồn: Internet.

Ở các trường hợp này, điện thoại thường để chế độ voice mail, hoặc không còn sử dụng nữa, hầu hết là trường hợp số điện thoại di động hoặc cũng có trường hợp số cố định nhưng không gọi được.

Sau khi tra cứu Thương vụ nhận thấy các doanh nghiệp này có địa chỉ, thường là công ty 1 người, có đăng ký kinh doanh, có web thiết kế cầu kỳ hoành tráng đầy đủ các thông tin cũng như số điện thoại trùng với thực tế công ty đăng ký.

Do vậy, Thương vụ tại Hà Lan tiếp tục lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên internet, có trường hợp lấy từ mạng Alibaba; hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau; trước khi tiến hành các cam kết làm ăn với hoặc chuyển tiền trả trước cho các doanh nghiệp dạng này, công ty Việt Nam nên liên hệ với Thương vụ để tham vấn cũng như tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp, cũng như độ tin cậy của đối tác Hà Lan cũng như rủi ro có thể xảy ra.

Thương vụ xin gợi ý một số biện pháp đơn giản để kiểm tra nhanh độ tin cậy của đối tác sau;

Một là, kiểm tra số điên thoại để biết đó là di động hay cố định, thông thường những công ty chuyên doanh, lâu năm, có uy tín trên thị trường thường có nhân viên và điện thoại cố định; và nên thử gọi điện đến số cố định và di động để kiểm tra tính xác thực, nếu thường xuyên chỉ nhận được voice mail thì phần nhiều không đáng tin cậy. Kiểm tra các thông tin trên website (nếu có) của công ty đó để phán đoán.

Hai là, dựa trên địa chỉ của công ty/đối tác, kiểm tra địa chỉ trên google map để xem hình ảnh của công ty, trụ sở, biển hiệu, nhà kho có chính xác không, nhà riêng hay trụ sở văn phòng v.v. nếu hình ảnh là nhà riêng thì phần nhiều là công ty 1 người, tự doanh, nếu có trục trặc xảy ra rất khó có thể xử lý hậu quả.

Ba là, một số đối tác còn gửi cho công ty Việt Nam photo hộ chiếu, thẻ căn cước, trong trường hợp này phần nhiều là giả mạo vì trên thực tế không bao giờ thương nhân lại gửi chi tiết hộ chiếu và ID cho đối tác nước ngoài, nhất là đối tác mới quen. Động tác này thường để tạo niềm tin cho đối tác Việt Nam nhưng thực tế copy hộ chiếu. ID là của người khác.