EVFTA đã thành hiện thực - Việt Nam đón cơ hội ra sao?
Hội đồng Bộ trưởng Liên minh Châu Âu (EU) vừa phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt Nam- EU (EVFTA), mở đường cho việc ký kết chính thức hiệp định này vào ngày 30/6 tới.
Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu chia sẻ: "Sau Singapore, thỏa thuận thương mại với Việt Nam là FTA thứ hai mà EU thực hiện với một quốc gia Đông Nam Á. FTA này cũng cho thấy bước tiến mới cho việc gắn kết của Châu Âu với khu vực Đông Nam Á”.
Kết nối với thị trường lớn
Ngay sau khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế quan hàng hóa EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là 7 năm tối đa.
Đặc biệt, Việt Nam cũng có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Tác động này sẽ được cộng hưởng mạnh mẽ khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thực hiện, cùng với đó là các FTAs với Liên minh kinh tế Á - Âu, với Hàn Quốc hay Hiệp định CPTPP mới có hiệu lực từ đầu năm 2019.
EVFTA là một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, ngoài xóa bỏ hàng rào thuế quan, sẽ có những điều khoản rộng hơn nhằm mang lại lợi ích cho môi trường kinh doanh, người lao động...
Một nghiên cứu cho thấy, EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân từ 4-6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỷ USD ngay trong 1-2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA.
Riêng với dệt may, EVFTA có thể giúp xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỷ USD vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028 so với trường hợp không có FTA.
Thách thức không nhỏ
Nhưng những thách thức cũng không hề nhỏ. Doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là yêu cầu bắt buộc của EU đối với một số nước; trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA, thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam).
Đặc biệt, mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.