Cảnh báo lá Khát độc gấp 500 lần so với ma túy nhập lậu vào Việt Nam

PV. (Tổng hợp)

Gần đây, cơ quan hải quan một số địa phương đã thành công trong việc phối hợp đấu tranh, ngăn chặn và bắt giữ một số vụ buôn lậu lá Khát - một trong những loại ma túy mạnh gấp 500 lần cần sa, có thể gây tử vong đột ngột. Tuy nhiên, thực trạng này cũng cảnh báo nguy cơ đáng lo ngại về tình trạng sử dụng, tiêu thụ lá Khát, có thể gây ra những hệ lụy xã hội hết sức nguy hại.

Cán bộ hải quan và công an mở niêm phong xe vận chuyển lá Khat để thực hiện tiêu hủy. Ảnh: Minh Hà/thoibaotaichinhvietnam.vn
Cán bộ hải quan và công an mở niêm phong xe vận chuyển lá Khat để thực hiện tiêu hủy. Ảnh: Minh Hà/thoibaotaichinhvietnam.vn
Chiều 11/5, tại cảng Nam Hải Đình Vũ, Cục Hải quan TP. Hải Phòng phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) tiến hành khám xét container chứa khoảng 2,5 tấn lá Khat chứa chất ma túy. Lô hàng đi từ Kenya (châu Phi) về cảng Hải Phòng, đứng tên người nhận là một số công ty tại Việt Nam có hoạt động tạm nhập tái xuất. 

Trước đó, qua thời gian theo dõi, giám sát, Cục Hải quan TP. Hải Phòng phối hợp với Công an TP. Hải Phòng đã phát hiện container số CGMU3015630 được vận chuyển theo tàu KESTREL nhập cảnh vào Hải Phòng ngày 2/2/2018 tại cảng Nam Hải Đình Vũ bên trong có trên 300 thùng giấy cac-tong lá thảo mộc, trọng lượng ước tính khoảng 2.000 kg.

Tuy nhiên, qua một thời gian dài, không có cơ quan tổ chức nào làm thủ tục nhận hàng, đồng thời người đứng tên nhận hàng tại Việt Nam đã từ chối nhận lô hàng trên. Theo kết quả giám định khoa học hình sự thì đây là lá Khat có chứa chất ma túy, được khai báo ngụy trang là chè và cà phê khi tàu nhập cảnh.

Theo Hải quan Hải Phòng, từ đầu năm 2016 đến nay, các lực lượng phòng chống ma túy thuộc Bộ Công an, Tổng cục Hải quan nói chung và Hải quan Hải Phòng nói riêng đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều lô hàng lá Khát. Hải quan Hải Phòng cũng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung đấu tranh, phòng chống, phát hiện và bắt giữ đối với loại hàng hóa này.

Trước đó, gần 2,3 tấn lá Khat chứa chất ma túy trong các vụ việc thuộc chuyên án E316 cũng đã được tiêu hủy vào ngày 10/5/2018, tại Nhà máy xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, theo Cục Hải quan Hà Nội, đây là toàn bộ số tang vật thu giữ trong chuyên án E 316 - chuyên án triệt phá đường dây vận chuyển lượng lớn khá Khat lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam, qua đường bưu chính quốc tế và đường hàng không để vận chuyển tiếp qua nước thứ ba.

Được biết, chuyên án E316 được Cục Hải quan TP. Hà Nội phối hợp với C47 (Bộ Công an) xây dựng từ năm 2016 và tiến hành trong thời gian qua đã phát hiện, xử lý nhiều vụ lậu lậu và xuất lậu lá Khat từ nước ngoài vào Việt Nam, xuất đi Mỹ, Anh, Australia.

Thủ đoạn chung của đường dây vận chuyển loại ma túy này là nhập khẩu từ các nước Ethiopia, Kenya, Nam Phi tập kết về Việt Nam rồi sau đó tìm cách vận chuyển sang các nước khác qua đường hàng không, bưu chính quốc tế.

Được biết, lá "Khát" (hay Kat, Qat, Ghat hoặc Chat) còn gọi với cái tên khá mỹ miều là lá "Thiên đường" (tên khoa học Catha edulis) là loại cây bụi được trồng, sử dụng và buôn bán ở nhiều nước châu Phi, vùng Nam Ả Rập.
Việc thâm canh cây Khát mang lại lợi nhuận cao. Trên thị trường, giá lá Khát là 0,5 đến 20 USD/bó, song còn tùy thuộc vào chất lượng và độ tươi của lá. Do vậy, bất chấp những tác hại đối với sức khỏe mà cây Khát gây ra, người dân vẫn sản xuất, buôn bán chúng vì chúng mang lại giá trị kinh tế lớn. 
Trên thực tế, nhu cầu lớn nên lượng tiêu thụ lớn, trung bình một ngày hơn 25.000kg lá Khát được bán ra tại chợ Adaway của Ethiopia. Đó là lý do vì sao nhiều người dân tại vùng Sừng châu Phi và bán đảo Arab lại trồng loại cây gây nghiện này.

Loại lá này có chứa chất cathinone – một chất kích thích giống ma túy tổng hợp amphetamine, nhưng có tác dụng nhanh hơn (khoảng 15 phút sau khi nhai, so với 30 phút nếu dùng amphetamine), có mức độ nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần. Cathinone trong lá Khát cũng dẫn tới một số trường hợp ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, có các hành vi bất thường, cực đoan, bạo lực, muốn tự tử...

Nguy hiểm hơn, từ lá "Khát" có thể tinh chế thành chất ma túy cathinone. Từ chất này có thể tổng hợp với chất amphetamine thành loại ma túy có tên gọi là Flakka - loại pha trộn giữa cocain và hàng đá, nên mức độ nguy hại, tàn phá cơ thể của nó đối với người sử dụng thật sự... đáng sợ hơn các loại ma túy thông thường rất nhiều. Người dùng lá "Khát" được cho là khó cai nghiện hơn nhiều loại ma túy khác và khả năng dẫn đến tử vong cũng rất cao.

Do vậy, ở Mỹ và nhiều nước châu Âu liệt lá "Khát" vào danh mục ma túy cực kỳ nguy hiểm. Việc loại lá Khát này bắt đầu nhập mạnh vào Việt Nam cảnh báo nguy cơ đáng lo ngại về tình trạng tiêu thụ loại lá này, có thể gây ra những hệ lụy xã hội hết sức nguy hại.