Đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch: Cấm là đúng, nhưng có làm được đến cùng?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản đề nghị Bộ Công an và Bộ Công Thương cùng phối hợp ra tay phạt nghiêm đối tượng đổi tiền lẻ ăn chênh lệch trái phép. Tuy nhiên, không ít người hoài nghi về khả năng ngăn chặn vấn nạn đã diễn ra ở chợ đen bao năm nay, khi nó phần nào phản ánh nhu cầu thực của người dân.

Nhu cầu người dân là có thật,
nhưng không đổi được qua ngân hàng. Nguồn: internet
Nhu cầu người dân là có thật, nhưng không đổi được qua ngân hàng. Nguồn: internet

Phải hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Giáp Ngọ 2014, song những ngày này, bất chấp cái lạnh của thời tiết, thị trường đổi tiền lẻ mới bắt đầu tăng nhiệt. Án ngữ tại các cổng chùa, đền to, phủ lớn bên cạnh những cửa hàng dịch vụ soạn đồ lễ, đổi tiền lẻ là một hoạt động ăn theo đem lại cho người kinh doanh một khoản lợi nhuận không nhỏ.

Đổi tiền lẻ nghề siêu lợi nhuận

Năm nào cũng vậy, cứ sát Tết, chị Đào Thị Hương, phố Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội), lại chuẩn bị vài triệu để lo đổi tiền lẻ phục vụ nhu cầu đi lễ, mừng tuổi đầu xuân. Chị Hương cho biết ban đầu chị ra ngân hàng đề nghị đổi một số tiền thì họ nói là đợt cuối năm tiền khan không có. Những ngày thường muốn đổi cũng luôn nhận được cái lắc đầu lịch sự rằng đợt này, tiền lẻ chưa về. Không còn cách nào khác, chị đã bắt mối với một người chuyên kinh doanh tiền lẻ trước cửa chùa Hà. Đến hẹn lại nên, cứ có nhu cầu, chị lại ra đổi và chấp nhận mất tiền chênh lệch nhưng muốn mệnh giá gì, bao nhiêu cũng có.

Thông thường, những loại tiền polyme nguyên seri, chưa qua sử dụng, với mệnh giá "phổ thông" như 10.000, 20.000, 50.000, 100.000, 5.000, 1.000 đồng được đổi theo tỷ lệ 10 "ăn" 9. Cũng là tiền 10.000, 20.000 đồng nhưng là những tờ tiền giấy đỏ, xanh ngân hàng đã thôi phát hành nhưng vẫn trở thành mốt và được nhiều người đi lễ chuộng sử dụng nên giá được đẩy khá cao, tỷ lệ 13 "ăn" 10, nghĩa là muốn có 1 triệu đồng tiền 10.000 đồng loại giấy đỏ đẹp, khách hàng phải chi mất 1,3 triệu đồng cho người kinh doanh.

Loại tiền 2.000 đồng được đổi với tỷ lệ 12 "ăn" 10 tương đương triệu đồng tiền 2.000 đồng sẽ được chuyển qua tay người đổi với giá 1,2 triệu đồng. Đặc biệt, với tờ 200, 500 đồng, loại được gọi là "hiếm có khó tìm" hiện nay, thì giá "chát" đến "cắt cổ". Trong khi, trên thị trường, loại 200 đồng không thể dùng để mua hàng, loại 500 đồng rất khó để thanh toán, thì đây lại là loại được liệt vào hàng quý hiếm.

Loại 500 đồng hàng "lướt", nghĩa là đã qua sử dụng, có mức giá 7 "ăn" 5, tương đương muốn đổi một cọc tiền gồm 10 tập 500 đồng tương đương 500.000 đồng, khách hàng phải bỏ mức phí 700.000 đồng. Còn loại 500 đồng nguyên đai, nguyên kiện với seri còn "zin" thứ tự thì phải bỏ mức giá "cắt cổ".

Có cầu ắt sẽ có cung?

Mặc dù mới đây, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Công an cùng Bộ Công Thương phối hợp để xử phạt người kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch cao, để tránh những tiêu cực từng diễn ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, thị trường tiền lẻ vẫn không vì thế mà trầm lắng.

Một người dân kinh doanh tiền lâu năm cho biết: "Nhà nước cứ cấm, chứ thực ra có cầu ắt có cung. Nhu cầu đổi tiền lẻ trong dân có thật, sao không để chúng tôi kinh doanh. Dẫu rằng có dẹp được chúng tôi thì có loại hết được những người kinh doanh trên mạng không. Theo tôi, càng cấm thì dịch vụ này sẽ càng hoạt động mạnh, chỉ có điều sẽ thay đổi phương thức hoạt động mà thôi".

Chỉ cần cái click chuột nhấn vào nút tìm kiếm thông tin đổi tiền lẻ trên mạng là có nhan nhản kết quả cho thấy rất nhiều người tự quảng cáo cho dịch vụ của mình. Một người tên là Q. tự quảng bá trên một trang web với dòng tít rất bắt mắt: "Dịch vụ đổi tiền lẻ mới tại Hà Nội với giá cạnh tranh". Tại đây niêm yết rất rõ thông tin về mệnh giá của từng loại.

Lần theo số ĐT: 091xxxx, phóng viên trong vai người có nhu cầu đổi tiền sau khi hỏi thông tin nhận được câu trả lời, loại gì cũng có. Nếu muốn họ có thể giao hàng tận nhà, tùy độ xa gần mà tính giá "phíp" (phí vận chuyển).

Biết rằng việc ngăn chặn hành vi đổi tiền lẻ lấy chênh lệch cao là tốt cho xã hội. Tuy nhiên, liệu việc cấm hay xử phạt này có làm được triệt để, hay lại chỉ ban ra chỉ thị rồi để đó. Nhiều ý kiến băn khoăn, trong khi nhu cầu người dân là có thật, nhưng không đổi được qua ngân hàng, đương nhiên họ sẽ tự động tìm đến chợ đen. Ở đây có hay không việc "bắt tay" của cán bộ ngân hàng với giới "buôn tiền".

Làm sao dân buôn lại có được lượng tiền lớn, nguyên đai, nguyên kiện tuồn từ ngân hàng ra? Đây mới chính là câu hỏi mà cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ. Khi tìm được câu trả lời và giải được bài toán làm sao đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân thì không cần dẹp, nạn đổi tiền giá cao sẽ tự bị triệt tiêu.