Khó phạt hành vi lách luật thanh toán bằng bitcoin?

Theo Hà Tâm/baodautu.vn

Liên quan đến việc Đại học FPT chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo có thể bị phạt hành chính 150-200 triệu đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định hiện hành, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Nguồn: internet
Theo quy định hiện hành, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Nguồn: internet

Tuy vậy, theo các luật sư, nếu các doanh nghiệp, trường học “lách luật”, việc xử phạt rất khó.

Có thể bị “quy” trách nhiệm hình sự

Liên quan đến thông tin gây xôn xao dư luận nêu trên, NHNN khẳng định vẫn bảo lưu quan điểm không công nhận tiền ảo, đồng thời cho biết đã bổ sung nhiều quy định về xử phạt hành chính, hình sự với hành vi này.

Theo quy định hiện hành, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

“Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 206, Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017)”, đại diện NHNN khẳng định.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico cũng khẳng định, NHNN quy định, trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được thanh toán bằng VND, việc chấp nhận các đồng tiền khác đều là trái phép. Tuy nhiên, giới luật sư cho rằng, việc xử lý sẽ trở nên khó khăn, phức tạp hơn nếu các doanh nghiệp lách luật, chấp nhận bitcoin như một khoản “quà tặng”.

Với trường hợp Đại học FPT, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT cho hay, nhà trường chấp nhận bitcoin như một khoản “hiến tặng” của sinh viên, sau đó sẽ hoán đổi lại cho sinh viên một mức học bổng tương ứng, chứ không phải sử dụng bitcoin như một loại tiền tệ để đóng học phí như VND hay USD. Mục đích là để Trường có bitcoin phục vụ công tác nghiên cứu.

Chưa biết sau thông báo của NHNN, Đại học FPT có tiếp tục triển khai nhận bitcoin hiến tặng hay không, song nếu vẫn tiếp tục, đây sẽ là một tiền lệ kéo theo nhiều tiền lệ khác. Đồng thời, việc xử phạt cũng đòi hỏi phải đưa ra các quy định chặt chẽ hơn.

Thực tế không thể né tránh

Trong bối cảnh tiền ảo chưa được cơ quan quản lý công nhận ở Việt Nam, việc chấp thuận thanh toán tiền ảo là bất hợp pháp. Tuy nhiên, động thái lách luật của FPT trong chấp thuận bitcoin và làn sóng đầu tư vào tiền ảo của giới trẻ Việt Nam tăng nhanh thời gian gần đây cho thấy, tiền ảo đang là một thực tế không thể né tránh của nền kinh tế số.

Từ đầu năm đến nay, đồng bitcoin đã tăng trưởng hơn 500%, là kênh đầu tư siêu lợi nhuận nhất lịch sử. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia chấp thuận thanh toán bằng bitcoin. 

Việc NHNN cũng giống như ngân hàng trung ương nhiều quốc gia khác lo lắng, e ngại về tiền ảo (trong đó có bitcoin) là điều dễ hiểu. Bởi việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như khả năng bị tấn công, đánh cắp, có khả năng tiếp tay cho tội phạm, rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế… Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, bitcoin nói chung và tiền ảo nói riêng đang ngày càng được cộng đồng cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư quan tâm trong nền kinh tế số.

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cho rằng: “Tại Việt Nam, dù muốn hay không, các giao dịch mua bán bitcoin vẫn đang diễn ra. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần sớm phải hình thành khung pháp lý để quản lý dòng tiền ảo này để đảm bảo quyền tự do thương mại, tự do kinh doanh của người dân, đồng thời để Nhà nước có thể quản lý và thu thuế”.