5G còn chưa phổ biến, Hàn Quốc cùng Trung Quốc đã chạy đua phát triển 6G

Theo Anh Vũ/doanhnhan.vn

Hai doanh nghiệp dẫn đầu trong phát triển 5G là Samsung cùng Huawei tiếp tục tăng tốc chạy đua công nghệ mới.

 Một trạm viễn thông được lắp đặt tại Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters
Một trạm viễn thông được lắp đặt tại Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters

Dù mạng di động 5G còn chưa phổ biến toàn cầu, cuộc chạy đua phát triển 6G đã bắt đầu nhen nhóm. Dẫn đầu là Samsung (Hàn Quốc) cùng Huawei (Trung Quốc), hai đơn vị về đích sớm trong cuộc đua 5G, tiếp theo tới các công ty tại Nhật Bản hay Mỹ cũng muốn giành thị phần của chiếc bánh béo bở này.

Các hoạt động thử nghiệm hạ tầng, thiết bị dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2023 và thương mại hóa trong năm 2027. Tại Hàn Quốc, Samsung cùng LG sẽ nghiên cứu công nghệ mới, chính phủ Hàn Quốc đồng thời hỗ trợ 800 triệu USD phát triển hạ tầng, thiết bị. Trong khi đó tại Trung Quốc, Huawei sẽ đảm nhận trách nghiệm nghiên cứu song song với đội ngũ do chính phủ Trung Quốc chỉ đạo.

So với 5G, 6G sẽ có tốc độ nhanh hơn 10 lần (khoảng 1 terabit mỗi giây) chính vì thế thiết bị sử dụng cho kết nối 6G phải được thiết kế lại. Để đạt được tốc độ kinh ngạc kể trên, mỗi trạm phủ sóng 6G chỉ có thể hoạt động hiệu quả trong phạm vi 200m hoặc thấp hơn, đồng nghĩa với việc sẽ cần rất nhiều trạm phát sóng để lấp đầy một thành phố.

Khác với các trạm phát sóng truyền thống có kích thước lớn cùng ăng-ten dài, mạng 6G sử dụng sóng ngắn để thu, phát tín hiệu nên kích thước từng trạm có thể được rút gọn. Thậm chí các thiết bị chiếu sáng hay phương tiện giao thông công cộng cũng có thể tích hợp để trở thành trạm thu phát 6G.

Một trạm thu phát sóng 5G do samsung phát triển. 
Một trạm thu phát sóng 5G do samsung phát triển. 

 

Tetsuya Kawanishi, giáo sư tại trường Đại học Waseda, Tokyo cho hay: "Lượng trạm phát sóng có thể phải lớn gấp 10 lần dân số. Chỉ tính tại Nhật Bản nói riêng hiện chúng tôi có khoảng 600.000 trạm. Với kết nối 6G, riêng Nhật Bản cần 1 tỷ trạm và thế giới có thể sẽ cần tới 100 tỷ".

3 doanh nghiệp Huawei, Ericsson và Nokia đang độc tôn thị trường thiết bị viễn thông khi chiếm tới 80% thị phần. Thụt lùi về công nghệ, tổng thống Donald Trump tuyên bố muốn Mỹ phát triển sâu hơn về chip xử lý cho các thiết bị 6G. Nhật Bản mặt khác lại muốn chiếm lĩnh cả thị phần thiết bị lẫn lượng bằng sáng chế liên quan tới 6G.

Hiện chỉ năm giữ 2% thị phần thiết bị viễn thông, Nhật Bản kì vọng tăng con số này lên 30% với kết nối 6G. Về bằng sáng chế, trong cuộc đua 5G Samsung dẫn đầu với 8,9%, Huawei với 8,3% và Qualcomm với 7,4%. Đại diện sáng giá nhất tại Nhật Bản là Docomo xếp vị trí thứ 6 với 5,5%.

Trong quá trình phát triển mạng 6G, Nhật Bản mong muốn nắm giữ khoảng 10% lượng sáng chế, các công ty Nhật cũng đang có rất nhiều động thái để đạt được mục tiêu này. Đơn cử như SoftBank với dự định tích hợp trạm thu phát 6G vào thiết bị bay không người lái để truyền tải dữ liệu từ ngoài Trái Đất.