Bất chấp kế hoạch gặp nhau đổ vỡ, Mỹ - Trung vẫn nối lại đàm phán thương mại

Theo Tùy Phong/doanhnhansaigon.vn

Nếu thực sự muốn ký thỏa thuận, thì việc địa điểm Mỹ và Trung Quốc gặp nhau bị hủy chỉ là vấn đề hậu cần, chứ không ảnh hưởng gì đến thỏa thuận. Song, nếu cả hai không thấy có thể ký thỏa thuận vào giữa tháng này, việc hủy địa điểm sẽ là cái cớ để "câu giờ", một chuyên gia nhận xét.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - hai nhân vật cốt cán trong đoàn đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - hai nhân vật cốt cán trong đoàn đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ được nối lại vào ngày 1/11/2019. 

Cụ thể, các nhà đàm phán cấp cao hai nước sẽ có cuộc điện đàm vào thứ Sáu, trong bối cảnh đối thoại thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục được duy trì thuận lợi, bất chấp trở ngại phát sinh do Chile hủy đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sắp tới - nơi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau để ký kết thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1".

Dẫu vậy, Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ trong tuyên bố ngày 31/10/2019 rằng, nhóm đàm phán hai bên sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ, và các cuộc đối thoại vẫn đang tiến triển tốt. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán cùng nhiều công việc khác theo kế hoạch ban đầu, với hy vọng có thể “tạm dừng” cuộc chiến thương mại đã kéo dài suốt 18 tháng qua giữa hai cường quốc kinh tế này.

Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 26/10/2019 cũng cho biết cả Bắc Kinh và Washington đã thống nhất sẽ "giải quyết thỏa đáng những nỗi lo cốt lõi của nhau". 

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump hai ngày sau đó cũng đã bày tỏ hy vọng sẽ ký kết thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh APEC tại Chile.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã đổ vỡ khi Tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố rút nước này khỏi việc đăng cai APEC, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và bạo loạn tiếp tục gây sóng gió tại thủ đô Santiago. Trước diễn biến này, Nhà Trắng có vẻ bất ngờ và lúng túng, song khẳng định sẽ nỗ lực để thỏa thuận "giai đoạn 1" được ký kết sau vài tuần nữa.

Theo một số nguồn tin, các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đã dự tính tìm địa điểm khác khi biểu tình tại Chile leo thang; song việc nước này hủy đăng cai APEC vẫn khiến Mỹ ít nhiều rơi vào thế bị động. Hiện chưa rõ giới chức Mỹ đã tìm được địa điểm thay thế cho cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước hay chưa, và các nhà tổ chức APEC cũng chưa đưa ra được địa điểm mới để tổ chức hội nghị.

Tuy nhiên, cả phía Mỹ lẫn Trung Quốc đều bày tỏ sự lạc quan, cho rằng Bắc Kinh và Washington sẽ tìm ra cách thức ký kết thỏa thuận “giai đoạn 1” vào tháng tới.

"Tôi vẫn cứ đinh ninh là ông Trump và ông Tập sẽ gặp nhau tại Chile. Tuy nhiên, nếu hai bên đã nhất trí được một thỏa thuận mà họ sẵn sàng ký kết, thì kiểu gì cũng sẽ tìm ra cách để ký", chiến lược gia Brendan McKenna thuộc Wells Fargo Securities nhận định.

Về phía Trung Quốc, ông Châu Quang Diệu - người từng trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán thương mại song phương với tư cách Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2018 - cho hay, ông lạc quan rằng thỏa thuận sẽ được ký kết vào tháng 11/2019, nếu hai bên duy trì liên lạc chặt chẽ qua các kênh ngoại giao.

Trả lời báo chí bên lề một diễn đàn ở Singapore về quan hệ Mỹ - Trung, Phó giám đốc Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc tin rằng hai bên có thể đạt thỏa thuận và lãnh đạo hai nước có thể gặp gỡ cũng như ký kết thỏa thuận ở một nước thứ ba ngoài Chile.

"Nếu hai bên thực sự muốn hoàn thành thỏa thuận ‘giai đoạn 1’, thì việc APEC bị huỷ chỉ là vấn đề về hậu cần, chứ không ảnh hưởng gì đến thỏa thuận cả. Song nếu cả hai không cảm thấy có thể ký thỏa thuận vào giữa tháng này, việc hủy thượng đỉnh sẽ là một cái cớ để ‘câu giờ’", Jude Blanchette - chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington nhận định.

Theo một số chuyên gia phân tích, sự gián đoạn phát sinh do Chile hủy đăng cai sự kiện lại là "trong cái rủi có cái may". Nguyên nhân là vì việc hoàn tất văn kiện thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" giữa Mỹ và Trung Quốc để kịp ký kết vào ngày 16-17/11/2019 tại APEC như dự định ban đầu vốn được xem là hành động gấp gáp. Do đó, việc tìm địa điểm mới sẽ giúp các nhà đàm phán hai bên có thêm thời gian.