Hàn Quốc tăng cường các biện pháp để kiềm chế nợ hộ gia đình

Theo Gia Huy/thitruongtaichinhtiente.vn/Yonhap

Các biện pháp như vậy sẽ tập trung vào việc cải thiện cách tính toán khả năng trả nợ của một hộ gia đình, tránh rủi ro cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) Koh Seung-beom cho biết chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp chặt chẽ hơn để kiềm chế các khoản nợ hộ gia đình, gọi những khoản nợ như vậy là "rủi ro tiềm ẩn lớn nhất" đối với nền kinh tế quốc gia.

Kể từ tháng 7, FSC đã áp dụng các tính toán cho vay chặt chẽ hơn đối với các khoản vay thế chấp, được gọi là tỷ lệ dịch vụ nợ (DSR). DSR đo lường số tiền người vay phải trả trong các khoản thanh toán gốc và lãi tương ứng với thu nhập hàng năm của họ.

Theo dữ liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK), tín dụng hộ gia đình tại quốc gia này đạt mức cao kỷ lục 1.805,9 nghìn tỷ won (tương đương 1,54 nghìn tỷ USD) vào tháng 6, tăng 41,2 nghìn tỷ won so với ba tháng trước đó.

Sự tăng trưởng không có dấu hiệu giảm xuống khi ngày càng có nhiều người vay tiền để mua nhà trong bối cảnh giá nhà đất tăng chóng mặt. Nhu cầu cho vay tín chấp cũng vẫn ở mức cao trong bối cảnh bùng nổ đầu tư vào cổ phiếu.

Vào tháng 8, BOK đã thực hiện đợt tăng lãi suất đầu tiên trong thời đại đại dịch để giải quyết lạm phát gia tăng và kiềm chế các khoản nợ hộ gia đình tăng cao, chấm dứt 15 tháng lãi suất thấp kỷ lục trong bối cảnh các dấu hiệu cải thiện. Động thái này đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 5 năm ngoái, khi BOK cắt lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,5%.

Đầu tháng này, BOK cho biết họ sẽ từng bước điều chỉnh nới lỏng tiền tệ khi tìm cách đạt mục tiêu lạm phát 2% cho năm nay trong bối cảnh các dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19.