ILO: Người lao động ASEAN bị giảm 5,7% thu nhập so với trước đại dịch

Theo Thu Thủy/congthuong.vn

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) “COVID-19 và thị trường lao động ASEAN: tác động và phản ứng chính sách”, trong nửa đầu năm 2021, người lao động ASEAN trung bình bị giảm 5,7% thu nhập so với trước đại dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Báo cáo chỉ ra, số lượng giờ làm tại các quốc gia khu vực ASEAN đã giảm nhiều so với trước đại dịch và chỉ chó tể phụ hồi phần nào trong năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng và tiến độ triển khai vaccine chậm có thể khiến cuộc khủng hoảng trong thị trường lao động tiếp tục bị kéo dài và làm chậm công cuộc phục hồi.

Sau khi xem xét các biện pháp hạn chế đi lại đang được các quốc gia áp dụng cũng như tiến độ tiêm vaccine và tốc độ phục hồi của nền kinh tế, số giờ lao động khó có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2022. Trong khi đó, năm 2021, ASEAN sẽ phải đối mặt với tổn thất giờ làm lên tới 7,4% đối với kịch bản trung bình, khả quan nhất là 7% và trong kịch bản tồi tệ nhất à 7,9% so với thời điểm trước đại dịch.

Mức tổn thất thời giờ làm việc của khu vực ghi nhận trong quý đầu năm 2021 là 6,1% và trong quý II là 6,2% (so với quý IV/2019). Trong khi đó, mức tổn thất thời giờ làm việc của khu vực ghi nhận trong năm 2020 là 8,4%, tương đương với thời giờ làm việc của khoảng 24 triệu lao động toàn thời gian, và thu nhập cũng giảm 7,8%.

Tổ chức ILO dự báo: "Làn sóng dịch COVID-19 đang tiếp diễn sẽ khiến điều kiện thị trường lao động nửa cuối năm 2021 có thể trở nên tệ hơn nữa".

Trong số 6,7 triệu người lao tạm ngừng làm việc năm 2020 do tình trạng dịch bệnh, hầu hết chưa thể quay lại làm việc, theo ILO. Một số người mất động lực để tìm kiếm công việc mới, một số người khác – đa số là phụ nữ - có thể sẽ phải buộc bỏ việc để làm các công việc trong gia đình như chăm sóc trẻ em khi trường học đang đóng cửa. Bên cạnh đó, 1,9 triệu công nhân trên toàn khu vực ASEAN đang trong tình trạng thất nghiệp. Kết quả là, năm 2020, tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực này tăng lên 3,1% so với con số 2,5% trong năm 2019.

Báo cáo của ILO cũng chỉ ra, lao động nữ là người có nhiều khả năng mất việc nhiều hơn nam giới, cả ở quy mô toàn cầu và khu vực ASEAN. Cụ thể, số lượng việc làm của nữ giới tại khu vực ASEAN năm 2020 thấp hơn 3,9% so với mức dự kiến trong giả định không có bệnh dịch. Con số này chỉ là 2,7% ở nam giới. Tương tự, những người lao động trẻ tuổi cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tỉ lệ mất việc làm của thanh niên là 6,2% so với 2,8% ở người lớn tuổi. Tỉ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia các chương trình giáo dục và đào tạo cũng tăng lên tại các quốc gia ASEAN như Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam

Bà Chihoko Asada Miyakawa - Giám đốc ILO khu vực Châu Á và Thái Bình Dương nhận xét: "Cuộc khủng hoảng đã làm lộ rõ những mảng dễ bị tổn thương của các nền kinh tế và thị trường lao động trong khu vực. Với tình hình này có thể còn tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa, vấn đề cấp bách là các nước ASEAN phải đẩy nhanh các chính sách và chương trình giúp tăng cường khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, người lao động và các hộ gia đình, đồng thời tạo nền tảng vững chắc hơn cho việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người".

Báo cáo của ILO cũng cho biết, tính đến tháng 5/ 2021, các nước ASEAN đã phân bổ tổng cộng gần 16% GDP cho các phản ứng kích thích tài khóa. Tuy nhiên, ILO khuyến nghị cần phải có thêm những hành động chính sách trong lĩnh vực an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ lao động để đảm bảo một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng lấy con người làm trung tâm ở khu vực ASEAN.