Sự sụp đổ tại Afghanistan ảnh hưởng ra sao đến thị trường tài chính thế giới?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Chuyên gia nhìn nhận, uy tín của nước Mỹ đang chịu tổn hại, triển vọng của trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong vai trò công cụ đầu tư an toàn và đồng USD trong vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu chắc chắn bị ảnh hưởng tiêu cực...

Bên ngoại trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Kabul - Ảnh: GettyImages
Bên ngoại trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Kabul - Ảnh: GettyImages

Việc Afghanistan bất ngờ sụp đổ không khỏi khiến nhiều người hoài nghi về vị thế của nước Mỹ trong suy nghĩ của đồng minh và các nước đối địch với Mỹ. 

Cùng lúc đó, nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích tranh luận về tác động của sự sụp đổ này lên đồng USD và các loại tài sản khác trong những năm và thập kỷ tới.

Liệu có điểm tích cực nào từ sự sụp đổ này hay không? Cho đến hiện tại, những yếu tố lộn xộn xung quanh việc Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan sau 20 năm nước này dưới sự chiếm đóng của Mỹ, chi tiêu ra hơn 1 nghìn tỷ USD và chịu thiệt hại hàng chục nghìn nhân mạng chưa gây ra quá nhiều ảnh hưởng lên thị trường toàn cầu. 

Trưởng bộ phận chiến lược thị trường và là người đứng đầu viện đầu tư Barings, ông Christopher Smart, nhận xét: “Bạn cần phải rất cẩn trọng khi liên kết tác động từ những sự kiện lớn của quốc tế tại một quốc gia nhỏ lên thị trường cách đó cả nửa vòng trái đất. Tuy nhiên, xét đến việc rằng nước Mỹ rút đi khỏi Afghanistan, nó cho thấy nước Mỹ đã đổi trọng tâm hướng vào các câu chuyện nội bộ nước này theo nhiều cách trong thập kỷ qua. Như vậy có thêm bằng chứng cho thấy nước Mỹ không còn muốn giữ vai trò “cảnh sát” của thế giới, truyền bá giá trị của dân chủ và thị trường tự do”.

Khi mà Trung Quốc và Nga nhanh chóng thừa nhận chính quyền Taliban mới, uy tín của nước Mỹ đang chịu tổn hại nghiêm trọng, triển vọng của trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong vai trò công cụ đầu tư an toàn và đồng USD trong vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu chắc chắn bị ảnh hưởng tiêu cực, ông Smart nhận định.

Cùng lúc đó, những câu hỏi về sự lãnh đạo của nước Mỹ sau nhiều cuộc khủng hoảng chính trị gần đây cuối cùng đều cho thấy rằng các sự kiện, diễn biến mới cũng không ảnh hưởng quá mạnh đến vai trò của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu. 

Các loại tài sản, trong đó có tài sản Mỹ trong ngày thứ Hai diễn biến theo đúng hướng thường thấy khi chịu ảnh hưởng từ cú sốc chính trị. 

Giá trái phiếu chính phủ Mỹ và nhiều loại trái phiếu chính phủ khác, loại tài sản vốn giữ vị thế tài sản an toàn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm giảm xuống mức 1,256%, giảm 4 điểm cơ bản từ mức vào cuối ngày thứ Sáu tuần trước. Lợi suất và giá trái phiếu thường diễn biến ngược chiều.

Đồng yên, loại tài sản vốn dễ chịu ảnh hưởng nhất trong nhóm các tài sản an toàn, tăng giá so với đồng USD và nhiều loại tiền tệ khác. Đồng USD trong khi đó cũng tăng giá so với một số loại tiền tệ khác ngoài đồng yên.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm vào đầu ngày thứ Hai, tuy nhiên chỉ ở mức độ tạm thời. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đóng cửa ở mức kỷ lục mới phiên thứ 5 liên tiếp.

Và thị trường có những biến động không phải chỉ do yếu tố Afghanistan. Thông tin kinh tế bi quan từ phía Trung Quốc và việc số lượng ca lây nhiễm COVID-19 tăng vọt trên toàn thế giới cũng tác động đến thị trường.

Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cho thấy những lo lắng nhiều năm nay của các nước đồng minh về khả năng nước Mỹ có thể giữ vững được cam kết bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc, theo chiến lược gia tại ngân hàng Rabobank – bà Jane Foley.

Dù rằng các yếu tố liên quan đến chính trị Afghanistan rồi sẽ không còn xuất hiện nhiều trên truyền thông, tuy nhiên thông tin liên quan đến căng thẳng với Trung Quốc sẽ có thể tăng lên trong những năm tới.