Mỹ đóng băng toàn bộ tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan
Bất kỳ tài sản nào của ngân hàng trung ương mà chính phủ Afghanistan có tại Mỹ sẽ không được chuyển giao cho Taliban. Tài sản này sẽ bị đóng băng theo danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ.
Mỹ đã đóng băng 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan và ngừng mọi giao dịch chuyển tiền đến nước này trong nỗ lực ngăn chặn chính quyền mới do Taliban dẫn dắt tiếp cận với số tiền này, theo xác nhận mới nhất của quan chức chính quyền Mỹ với Bloomberg.
Cũng theo quan chức này, bất kỳ tài sản nào của ngân hàng trung ương mà chính phủ Afghanistan có tại Mỹ sẽ không được chuyển giao cho Taliban. Tài sản này sẽ bị đóng băng theo danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ.
Giám đốc tạm quyền của ngân hàng trung ương Afghanistan, ông Ajmal Ahmady, vào đầu ngày thứ Hai cho biết rằng việc chuyển các khoản tiền sẽ ngừng lại khi mà phía Mỹ cố gắng chặn Taliban tiếp cận với số tiền trên.
Ngân hàng trung ương Afghanistan hiện đang có khoảng 9,5 tỷ USD tài sản, một tỷ lệ lớn trong số này nằm trong tài khoản của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại New York và nhiều tổ chức tài chính lớn khác của Mỹ.
Việc Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt lên Taliban đồng nghĩa họ sẽ không thể tiếp cận với bất kỳ nguồn tiền nào. Phần lớn tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan hiện đang không nằm ở Afghanistan, theo những người có nguồn tin thân cận với vụ việc.
Triển vọng kinh tế Afghanistan hiện giờ đang khá nguy nan bởi bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào chắc chắn cũng sẽ gặp khó. Afghanistan có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, tuy nhiên tình hình chính trị rối ren khiến cho tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên ngày một tồi tệ hơn.
Afghanistan hiện giờ vẫn đang phụ thuộc nhiều vào viện trợ từ nước ngoài. Vào năm 2019, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng viện trợ nước ngoài vào Afghanistan hiện tương đương 22% GNP của nước này. Tỷ lệ này khá cao, tuy nhiên dù vậy vẫn giảm đáng kể so với tỷ lệ 49% cũng theo tính toán của WB 10 năm trước.
Giờ đây, dòng vốn viện trợ nước ngoài vào Afghanistan đang đương đầu với triển vọng bi quan. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heike Maas nói với ADF vào tuần trước: “Chúng tôi sẽ không chi ra một cent nào nếu Taliban kiểm soát đất nước và áp dụng luật Sharia”.
Ngoài ra, tình thế của Afghanista cũng khá nguy nan bởi chi tiêu vào an ninh quốc phòng quá cao từ trước khi Taliban tiếp quản, tỷ lệ chi tiêu vào an ninh lên đến 29% GDP so với tỷ lệ trung bình chỉ 3% của các nước thu nhập thấp.
Không chỉ vậy, việc gần như không có đầu tư nước ngoài vào Afghanistan cũng khiến cho kinh tế nước này vô cùng khó khăn. Dữ liệu của Liên hợp quốc (UN) cho hay trong vòng 2 năm qua, không có khoản đầu tư nào mới vào Afghanistan. Từ năm 2014, chỉ có 4 dự án đầu tư nước ngoài vào nước này.
Lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân tại Afghanistan hoạt động rất hạn chế. Việc làm tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp có năng suất thấp: 60% các hộ gia đình có thu nhập từ nông nghiệp.
Kinh tế ngầm tại Afghanistan hoạt động rất mạnh. Hoạt động khai thác mỏ trái phép tràn lan, buôn lậu phát triển mạnh. Ngành kinh doanh ma túy mang đến nguồn doanh thu quan trọng cho Taliban.