Điều gì khiến các chuyên gia lo ngại về kinh tế Trung Quốc?

Theo cafef.vn

(Tài chính) Business Insider đã trao đổi với 6 chuyên gia chuyên nghiên cứu về Trung Quốc với cùng 1 câu hỏi: Điều gì khiến bạn lo lắng nhất về Trung Quốc?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Năm 2013, tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống còn 7,7% - thấp nhất kể từ năm 1999. Trên các mặt báo ở cả trong và ngoài Trung Quốc là nỗi lo lắng về “ngân hàng trong bóng tối”, nợ của chính quyền địa phương ngày càng tăng và các quỹ tín thác trước nguy cơ đổ vỡ.

Tình trạng căng thẳng tín dụng mà Trung Quốc đã trải qua hồi tháng 6 năm ngoái cùng với nỗi lo quá trình giải chấp có thể khiến Trung Quốc hạ cánh cứng cũng thu hút được nhiều sự chú ý.

Business Insider đã trao đổi với 6 chuyên gia chuyên nghiên cứu về Trung Quốc với cùng 1 câu hỏi: Điều gì khiến bạn lo lắng nhất về Trung Quốc? 

Alaistair Chan, Moody's

Chiến dịch giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay cũng như giảm tỷ lệ đòn bẩy hiện đang quá cao của khu vực tài chính là một nỗi lo lớn. Có vẻ như NHTW Trung Quốc (PBoC) đã rút ra được một số bài học từ đợt căng thẳng tín dụng hồi tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ đến đâu khi một loạt vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ bùng nổ trong năm nay. 

David Cui, Bank of America

"Tốc độ gia tăng nợ và khả năng chi trả của khu vực doanh nghiệp là những vấn đề đáng lo ngại của Trung Quốc".   

Patrick Chovanec, Silvercrest Asset Management

 “Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự tin rằng mọi thứ đều đang ở trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, “chiếc đồng hồ đếm ngược” đang chạy rất nhanh và Trung Quốc buộc phải thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư.

Trong trường hợp tốt đẹp nhất, Trung Quốc sẽ chỉ đối mặt với kịch bản tăng trưởng chậm lại đáng kể. Còn trong trường hợp tồi tệ nhất, nợ xấu sẽ gây ra những hệ quả khó lường. Và, dù trong trường hợp nào, kinh tế Trung Quốc cũng bị điều chỉnh mạnh. 

Nếu các lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng họ không những phải thay đổi hướng đi mà còn phải thay đổi càng sớm càng tốt, Trung Quốc vẫn còn hi vọng. Nếu không, Trung Quốc sẽ đối mặt với thảm họa”.

George Magnus, UBS

Trong số rất nhiều thứ khiến tôi lo lắng về Trung Quốc, vấn đề cấp thiết nhất là trong trường hợp nào và bằng cách nào Trung Quốc sẽ kiềm chế tăng trưởng tín dụng. Mới chỉ có rất ít vụ vỡ nợ không gây nên xáo trộn, nhưng Trung Quốc không tỏ rõ quyết tâm hạ nhiệt thị trường tín dụng.

Giữa PBOC và Ủy ban điều tiết ngành ngân hàng Trung Quốc đã xuất hiện những căng thẳng khi đánh giá về các “ngân hàng trong bóng tối”. Tăng trưởng tín dụng chậm lại sẽ dẫn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế giảm xuống. Điều tôi lo ngại là khi đó chính phủ Trung Quốc sẽ mềm mỏng hơn và điều này có thể dẫn đến những hậu quả lớn hơn về sau này. 

Jim Rogers, Rogers Holdings

Đó là nợ của một số khu vực ở mức quá cao. Những năm gần đây, kinh tế toàn cầu đã hồi phục sau khủng hoảng và mức lãi suất siêu thấp tạo ra nên thanh khoản ảo trên khắp thế giới. Các nước phát triển ồ ạt in tiền khiến tình trạng bị bóp méo xảy ra ở khắp nơi, trong đó có Trung Quốc. Một số địa phương và công ty đã tích lũy nợ trong những năm vừa qua và giờ đây gánh trên vai núi nợ khổng lồ.

Tom Orlik, Bloomberg

Điều lo lắng nhất về Trung Quốc trong năm 2014 là thể trạng của hệ thống tài chính. Tăng trưởng tín dụng quá nhanh khiến các ngân hàng “phơi nhiễm” quá nhiều rủi ro. Khi nền kinh tế giảm tốc, những vết nứt đang bắt đầu xuất hiện.