Trung Quốc tham vọng xây khu kinh tế 10.000 tỷ USD trên... vũ trụ

Theo Khởi Vũ/doanhnhansaigon.vn

Trái Đất dường như đang trở nên quá nhỏ bé so với tham vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc, khi nước này đang xem xét xây dựng một khu kinh tế - thương mại ngoài… vũ trụ.

Hãng thông tấn RT dẫn nguồn tin cho hay, khu kinh tế này sẽ được xây dựng trong không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng trước năm 2050.
Hãng thông tấn RT dẫn nguồn tin cho hay, khu kinh tế này sẽ được xây dựng trong không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng trước năm 2050.

Theo ông Bao Weimin - Giám đốc ủy ban khoa học và công nghệ tại Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CAST), khu kinh tế này sẽ được đặt trong không gian gần Trái Đất, Mặt Trăng và ở giữa cả hai. Được biết, CAST sẽ là nhà thầu chính cho chương trình không gian quốc gia này của Trung Quốc.

Trong một báo cáo về phát triển không gian của Trái Đất và Mặt Trăng, ông Bao nói lĩnh vực này sở hữu tiềm năng kinh tế khổng lồ; do đó, Trung Quốc cần nghiên cứu các hệ thống vận chuyển hàng không vũ trụ đáng tin cậy cũng như có giá thành thấp để kết nối hành tinh của chúng ta và vệ tinh của nó.

Tờ Nhật báo Khoa học và Công nghệ dẫn nguồn tin từ các chuyên gia trong ngành cho hay, dự án có thể giúp Trung Quốc thu về khoảng 10.000 tỷ USD.

Nền tảng công nghệ cơ bản dự kiến hoàn thành trước năm 2030, trong khi công nghệ vận tải chủ chốt được kỳ vọng sẽ phát triển trước năm 2040. Đến giữa thế kỷ này, Trung Quốc sẽ có thể thành công xây dựng khu kinh tế vũ trụ, ông Bao nhận định.

Trước tin tức này, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự thích thú; một số thậm chí còn nói rằng: "Nếu có thể bay lên Mặt Trăng trong phần đời còn lại, tôi sẽ có thể nhắm mắt xuôi tay mà không hối tiếc gì".

Những năm gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã và đang gấp rút phát triển lĩnh vực vũ trụ cũng như nghiên cứu Mặt Trăng. Hồi tháng 7, tên lửa đẩy do công ty i-Space ở Trung Quốc phát triển đã đưa thành công 2 vệ tinh vào quỹ đạo, đánh dấu lần đầu tiên một công ty tư nhân Trung Quốc phóng thành công vệ tinh vào quỹ đạo. 

Ngoài ra, Trung Quốc vào tháng Giêng năm ngoái đã phóng thành công tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga - 4 và đưa nó lần đầu đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng. Đây là sự kiện lịch sử, bởi trước đó, chưa một nhà du hành hay robot tự động nào đặt chân lên khu vực này của Mặt Trăng.

Cuối năm nay, Trung Quốc sẽ phóng tiếp tàu Hằng Nga - 5, đem các mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất và sau đó sẽ là tàu Hằng Nga - 6, đem mẫu vật từ cực nam Mặt trăng. Còn tàu Hằng Nga - 7 sẽ thám hiểm cực nam để tìm hiểu cấu tạo của khu vực này và tàu Hằng Nga - 8 sẽ thử nghiệm các công nghệ then chốt như công nghệ in 3D để xây dựng trạm nghiên cứu.

Theo Sách Trắng về hoạt động vũ trụ của Trung Quốc công bố năm 2016, chương trình vũ trụ được coi là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của quốc gia này. Chương trình vũ trụ của Trung Quốc hướng đến mục tiêu mang lại sự giàu có cho đất nước thông qua nền kinh tế dựa vào công nghệ vũ trụ. Hiện, nền kinh tế dựa vào công nghệ vũ trụ toàn cầu sở hữu giá trị khoảng 350 tỷ USD và dự báo đạt 2.700 tỷ USD vào năm 2040.