Kẽ hở mở đường cho hàng Trung Quốc
Trong khi hàng Việt xuất sang Trung Quốc luôn được kiểm soát gắt gao thì hàng nhập từ thị trường này vào Việt Nam dường như dễ dàng hơn, lắm kẽ hở cho gian lận thương mại, bán phá giá làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước rơi vào thế “trứng chọi đá”.
Thử đánh từ khóa “nhập hàng giả từ Trung Quốc” trên công cụ tìm kiếm Google, một con số khá bất ngờ khi có đến... 146 triệu kết quả. Kèm theo đó là một loạt trang thương mại điện tử, website tự giới thiệu là cổng nhập hàng Trung Quốc tận gốc, dịch vụ nhập hàng Trung Quốc giá sỉ về Việt Nam hoặc hướng dẫn nhập hàng, chỉ dẫn kinh doanh hàng nhập từ Trung Quốc…
Từ hàng lậu đến giả mạo xuất xứ
Với rất nhiều công ty làm dịch vụ nhập khẩu (NK) hàng hóa Trung Quốc đăng tải rộng rãi trên mạng Internet, việc NK hàng hóa từ Trung Quốc được cho là chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay.
Điều này trái ngược với hình ảnh nông sản, trái cây Việt thường xuyên bị ùn ứ ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
Trong khi đó, hàng lậu, hàng giả mạo xuất xứ từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam vẫn còn là nỗi lo lớn. Đơn cử vào trung tuần tháng 10/2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phát hiện lô hàng quần áo có số lượng lớn NK từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, trên sản phẩm, bao bì đều ghi rõ “Made in Viet Nam”, “Made in Korea”.
Trước đó, vào tháng 9/2019, thông tin từ Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết đã phát hiện 100 tấn gồm quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, điện gia dụng có xuất xứ Trung Quốc, nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại Việt Nam.
Ngay như một số mặt hàng đặc sản mang tính địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có dấu hiệu bị làm giả từ Trung Quốc rồi chuyển lậu về Việt Nam tiêu thụ.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, anh Tuấn, người từng có quãng thời gian làm trong ngành đường sắt tại phía Nam, cho biết đã nhiều lần tận mắt chứng kiến sản phẩm kẹo dừa được nhập từ Trung Quốc lại gắn nhãn một thương hiệu nổi tiếng ở Bến Tre và có mức giá khá rẻ so với thương hiệu gốc.
Ngoài ra, hàng bán phá giá từ Trung Quốc cũng là nỗi ám ảnh lớn với các nhà sản xuất trong nước. Điển hình như ngành thép, Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Quyết định số 3198/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép phủ màu (hay thường gọi là tôn màu) có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo đó, mức thuế CBPG được áp dụng cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 2,53 - 34,27%. Kết luận điều tra đã khẳng định có đủ cơ sở ban hành quyết định áp dụng biện pháp CBPG, cụ thể là: Có tồn tại hành vi bán phá giá đối với sản phẩm thép phủ màu của các DN sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc.
Rơi vào thế “trứng chọi đá”
Hàng hóa NK từ Trung Quốc được bán phá giá với biên độ khá cao, từ 2,53 - 34,27%. Theo Bộ Công Thương, hành vi và mức độ bán phá giá nói trên đã gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: Sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra.
Đặc biệt trong giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, nhiều DN sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và nhiều lao động đã phải nghỉ việc.
Thép được cho là mặt hàng góp phần đáng kể trong tổng kim ngạch NK của Trung Quốc vào Việt Nam nhiều năm nay. Còn số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Giới phân tích nhận định NK hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh đặt trong mối tương quan và tình hình địa chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hóa NK từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế. Đặc biệt là trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua.
Mặt khác, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng nhanh có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát NK từ Việt Nam và Việt Nam dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng Trung Quốc đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới DN xuất khẩu, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cả đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng nhiều mặt hàng nhập lậu, giả mạo xuất xứ, bán phá giá được NK từ Trung Quốc khiến cho các DN sản trong nước rơi vào thế “trứng chọi đá”. Đặc biệt là khi lượng hàng hóa dồi dào từ Trung Quốc luôn lăm le tìm mọi kẽ hở từ Việt Nam để gian lận thương mại, nà ở đó không thể không có sự tiếp tay từ lòng tham vô trách nhiệm của một số DN cho nạn buôn lậu, giả mạo xuất xứ.
Cũng nên nhắc lại mối băn khoăn về hàng NK từ Trung Quốc của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tại phiên thảo luận mới đây ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội khi lại dẫn lại số liệu thống kê NK từ Trung Quốc chiếm đến 50% tổng kim ngạch NK của Việt Nam, chưa kể NK theo đường tiểu ngạch.