Trung Quốc tung 188 tỷ USD kích thích kinh tế

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn

Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Hai tuyên bố sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng lần thứ hai trong năm nay, tức tung ra 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (188 tỷ USD) để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hiện đang chậm lại.

 Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng sẽ giảm 50 điểm cơ bản, có hiệu lực từ ngày 15/12.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đã phục hồi ấn tượng sau đợt suy giảm vì đại dịch năm ngoái, mất đà tăng trưởng những tháng gần đây do sản xuất chậm lại, vấn đề nợ trên thị trường bất động sản và các đợt bùng phát dịch dai dẳng, theo CNBC.

Một số nhà phân tích tin rằng tăng trưởng của Trung Quốc có thể chậm lại nữa trong quý IV, thấp hơn con số 4,9% của quý III, mặc dù tăng trưởng cả năm vẫn có thể đạt khoảng 8%.

Wen Bin, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Minsheng cho biết: “Việc giảm tỷ lệ dự bắt buộc sẽ giúp giảm bớt áp lực đi xuống đối với nền kinh tế, giúp kinh tế tăng trưởng đều đặn. Mặc dù không khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những áp lực và thách thức lớn trong năm tới”.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tương đối khiêm tốn, trên 6%, cho năm nay, sau một năm bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch. Kinh tế Trung Quốc năm 2020 tăng trưởng 2,3%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng là mức mơ ước của nhiều quốc gia trong bối cảnh đại dịch.

Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm nay, sau lần một vào tháng Bảy, nhằm tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Cắt giảm lần này không áp dụng đối với các tổ chức tài chính có tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện tại là 5%, và tỷ lệ dự trữ bắt buộc bình quân gia quyền đối với các tổ chức tài chính sẽ ở mức 8,4% sau lần giảm mới này.

Theo ngân hàng trung ương Trung Quốc, một phần của khoản tiền nước này tung ra sẽ được sử dụng để trả các khoản vay trung hạn đáo hạn, một lần nữa khẳng định lập trường không sử dụng các biện pháp kích thích “như lũ”.

Ngân hàng trung ương sẽ hướng dẫn các tổ chức tài chính tích cực sử dụng khoản tiền này để hỗ trợ thiết thực cho nền kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ. Việc cắt giảm dự trữ bắt buộc sẽ giúp giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc sẽ khuyến nghị các cơ quan chức năng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 thấp hơn con số 2021, giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm cơ hội thúc đẩy cải cách cơ cấu.

Hãng tin Tân Hoa xã cho biết hôm thứ Hai, Bộ chính trị Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản, tuyên bố sẽ duy trì các hoạt động kinh tế năm 2022 trong "phạm vi hợp lý" và sẽ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực bất động sản.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nói: “Câu hỏi quan trọng trong đầu các nhà đầu tư là liệu chính phủ có sẵn sàng thay đổi lập trường chính sách trong lĩnh vực bất động sản không, mức độ thay đổi ra sao và liệu sự thay đổi có thực sự giúp xoay chuyển lĩnh vực này không”.

Động thái của Trung Quốc, nhằm ngăn chặn các nhà phát triển bất động sản vay nợ tràn lan, dẫn đến các ngân hàng bị thiệt hại về khoản vay và thị trường tín dụng bị tổn thương. Nó cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thanh khoản tại tập đoàn bất động sản China Evergrande và các công ty bất động sản khác, CNBC đưa tin.

Hôm thứ Sáu, các nhà chức trách cho biết họ sẽ can thiệp và giám sát việc quản lý rủi ro tại tập đoàn này. Gần đây, họ cũng thực hiện các điều chỉnh về tài chính giúp người mua nhà và mở rộng các kênh huy động vốn cho một số chủ đầu tư.

Biến thể Omicron làm tăng thêm sự bấp bênh cho doanh nghiệp vì chiến lược ‘Không Covid’ của Bắc Kinh - dập triệt để các đợt bùng phát to hay nhỏ - đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc.