Trung Quốc tung gói cứu trợ kinh tế 559 tỷ USD, không kém gói kích thích kinh tế 826 tỷ USD của châu Âu

Theo Chí Thành/nhadautu.vn/SCMP

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua đã công bố trước Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) của Trung Quốc kế hoạch cứu trợ kinh tế cực khủng, lên tới 559 tỷ USD nhằm giúp đỡ các nhà máy và doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh trong năm 2020 và các năm tới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cần Bình (đứng) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (đang đi) tại Quốc hội Trung Quốc. Ảnh EPA-EFE
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cần Bình (đứng) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (đang đi) tại Quốc hội Trung Quốc. Ảnh EPA-EFE

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua, thứ Năm (28/5) nhấn mạnh tại phiên cuối cùng của kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) của Trung Quốc rằng gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 559 tỷ USD) vượt hơn rất nhiều gói kích thích kinh tế mà nước này từng đưa ra hồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Một loạt các biện pháp hỗn hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gồm miễn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, miễn đóng phí bảo hiểm xã hội, giảm giá điện..., tất cả sẽ tiêu tốn cho Chính phủ Trung Quốc cỡ 2.000 tỷ nhân dân tệ, trong kế hoạch chi tiêu tài khóa bổ sung và phát hành trái phiếu chính phủ.Vẫn theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, gói kích thích kinh tế lớn nhất lịch sử Trung Quốc này nhằm bù đắp các chi phí cho các nhà máy, doanh nghiệp, cũng như các thương nhân đang phải vận lộn với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đồng thời hy vọng sẽ mang lại nhiều công ăn việc làm cho các lao động bị mất việc vì đại dịch.

Kế hoạch giúp đỡ doanh nghiệp, doanh nhân lần này của Trung Quốc có vẻ ngược với mục đích của gói kích thích kinh tế cũng cỡ 4.000 tỷ nhân dân tệ mà Trung Quốc thực hiện năm 2008 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vốn tập trung chủ yếu vào việc trang trải các nợ nần chi tiêu của nhà nước, gia tăng mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong ngày họp cuối cùng của Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường của nước này nhấn mạnh rằng các biện pháp mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng, tập trung chủ yếu vào các việc như 'tạo công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân và giúp đỡ các thực thể kinh tế".

"Công ăn việc làm là tối quan trọng cho cuộc sống của người dân. Trung Quốc có một lực lượng lao động tới 900 triệu người.

"Chúng tôi từng nói rằng chúng tôi sẽ không bơm tiền mạnh vào thị trường, dù đây vẫn là một chính sách. Tuy nhiên, thời điểm phi thường thì cần những nỗ lực phi thường. Giờ chúng tôi có thể mang nước đến để cá sống sót. Cá có thể bị chết vì thiếu nước nhưng nếu chúng tôi cho quá nhiều nước thì chúng sẽ tạo ra các bong bóng", ông Lý nhấn mạnh về các biện pháp hỗ trợ kinh tế, thông qua hình ảnh ẩn dụ của những con cá.

Bù lại, ông Lý nói Bắc Kinh có nhiều dư địa chính sách về tài chính, thuế khóa, và an sinh xã hội giúp họ có thể đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ bổ sung mà không cần phải do dự quá nhiều.

"Đây chính là 900 triệu cái mồm cần được ăn nếu họ bị mất việc, nhưng cũng sẽ là 900 triệu đôi tay tạo ra thịnh vượng nếu họ có việc làm", một lần nữa Thủ tướng Lý của Trung Quốc dùng các hình ảnh ẩn dụ để nói về các chính sách hỗ trợ kinh tế.

"Nếu đạt được mục tiêu đảm bảo việc làm, đảm bảo sinh kế và bảo vệ được các thực thể thị trường, chúng tôi sẽ đạt được mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020. Và chúng tôi cố gắng để có được một tỷ lệ tăng trưởng tích cực nhằm đẩy kinh tế Trung Quốc tiến về phía trước", ông Lý nhấn mạnh.

Vẫn theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, hiện Trung Quốc vẫn còn tới 600 triệu người có thu nhập bình quân hàng tháng vào cỡ 1.000 nhân dân tệ (khoảng 140 USD), hoặc ít hơn, dù cho thu nhập bình quân đầu người của nước này vào năm ngoái đã đạt mức 30.733 nhân dân tệ (tức 4.300 USD).

Thủ tướng Lý cũng nói thêm là nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc giờ thêm nặng nề vì đại dịch do virus corona gây ra khiến không ít người Trung Quốc lại trở lại tái nghèo.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong tháng Tư vừa qua ước tính rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể đạt mức 1,2% vào năm 2020, cao hơn mức giảm dự kiến cỡ 5,9% GDP ở Mỹ, nhưng cũng ít hơn nhiều so với con số 6,1% mà nước này đạt được trong năm ngoái.

GDP quí I vừa qua của Trung Quốc đã giảm xuống mức -6,8%. Đồ họa của Statista  
GDP quí I vừa qua của Trung Quốc đã giảm xuống mức -6,8%. Đồ họa của Statista  

Hầu hết các nhà kinh tế tư nhân nhận định rằng tốc độ phát triển GDP của Trung Quốc trong năm nay chỉ đạt cỡ từ 1,5% đến 2,5%.

Trong tuần trước, lần đầu tiên kể từ năm 2002, Trung Quốc đã bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong báo cáo của chính phủ, sau khi nền kinh tế nước này có mức giảm tới 6,8% giá trị GDP trong quí I vừa qua.

Mức thâm hụt tài chính của chính quyền trung ương Trung Quốc cùng qui mô phát hành trái phiếu kho bạc, được công bố vào cuối tuần trước cũng đã giảm dưới mức kỳ vọng của thị trường.

"Tôi từng được nghe phản hồi từ một số người rằng qui mô của các chính sách hỗ trợ đã giảm dưới mức kỳ vọng. Để chống lại các cú sốc, chúng ta cần làm chủ cả về qui mô lẫn thời điểm ban hành các chính sách. Chúng tôi đã đưa ra một phản ứng chính sách qui mô lớn và nó khá là mạnh mẽ", ông Lý nhấn mạnh tại Quốc hội Trung Quốc.

Gói kích thích kinh tế mà ông Lý công bố vào tuần trước gồm 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) nhằm thêm vào cho các chi tiêu bổ sung, giúp tăng thêm 0,8 điểm phần trăm cho tỷ lệ thâm hụt tài chính của chính phủ trung ương, cùng với 1.000 tỷ nhân dân tệ từ việc bán các trái phiếu kho bạc đặc biệt.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cho phép các chính quyền địa phương của nước này phát hành thêm 1.600 tỷ nhân dân tệ trái phiếu nhằm phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã phải đối mặt với nhiều thách thức khắc nghiệt khi tỷ lệ thất nghiệp vọt tăng cao và trước tình trạng tụt giảm thảm hại các đơn hàng đến từ nước ngoài do tác động của virus corona.

Các nhà phân tích của hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, do Andrew Fennell đứng đầu, cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận hạn chế trong chính sách kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ việc phục hồi kinh tế trong nước mà tránh gây ra các rủi ro về mặt tài chính.

Nhưng họ cũng nói thêm là Bắc Kinh có thể áp dụng một biện pháp kích thích kinh tế mạnh hơn nếu GDP không thể phục hồi trong nửa cuối năm 2020.

Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á cho biết virus corona đã làm biến đổi hoàn toàn quĩ đạo phát triển kinh tế của Trung Quốc và gói kích thích kinh tế đã công bố của Trung Quốc không đủ để thúc đẩy phần còn lại của thế giới như những gì nó đã làm được trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

"Do phải gánh chịu quá nhiều nợ nần, Trung Quốc không đủ tin cậy để bảo lãnh cho phần còn lại của thế giới", bà Wendy nói.

Trong cuộc họp báo truyền thống diễn ra vào cuối ngày họp của Quốc hội Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường cũng đưa ra những nhận xét hòa giải cho quan hệ Mỹ-Trung bằng cách nhấn mạnh luôn có các cơ hội hợp tác giữa hai cường quốc cho dù mối đe dọa ngày càng tăng của một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai quốc gia.

"[Chúng tôi] có thể nói rằng việc tách rời hai nền kinh tế lớn sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp, ngoài việc gây hại cho toàn thế giới", ông Lý nói. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh rằng quan điểm của Trung Quốc về Đài Loan-một quan tâm khác với Hoa Kỳ, là không hề thay đổi và Trung Quốc đại lục luôn sẵn sàng đối thoại với bất kỳ đảng chính trị nào của Đài Loan tôn trọng đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc.

Chiều ngày 27/05/2020, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã công bố kế hoạch 750 tỷ euro để chấn hưng kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và một ngân sách 1.100 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027. Bruxelles hy vọng kế hoạch đầy tham vọng này sẽ được 27 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu thông qua vào tháng 7/2020.

Theo thông cáo của Ủy Ban Châu Âu, kế hoạch 750 tỷ euro bao gồm 500 tỷ euro được cấp dưới dạng tài trợ cho các thành viên, 250 tỷ euro còn lại là một khoản tín dụng do Ủy Ban đứng ra bảo lãnh cho các quốc gia trong khối. Khoản tài trợ được dành cho những thành viên bị dịch Covid-19 nặng nhất. Ví dụ như Ý sẽ nhận được 82 tỷ euro, Tây Ban Nha 77 tỷ, Pháp 39 tỷ hay Ba Lan 38 tỷ. Đổi lại, các quốc gia này sẽ phải trình bày một kế hoạch đầu tư và cải tổ phù hợp với chính sách chung của châu Âu, bao gồm những mục tiêu như đầu tư cho hệ thống y tế, đầu tư phát triển năng lượng sạch.

Về số tín dụng 250 tỷ euro, các nước được vay sẽ bắt đầu trả nợ kể từ năm 2029 và thời gian thanh toán được trải dài trong 30 năm. Kế hoạch 750 tỷ euro được cho là 'đầy tham vọng' và mang tính 'lịch sử' còn phải được 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu chấp thuận.

Paris hy vọng các nước thành viên sẽ tìm được đồng thuận vào tháng 7 tới đây. Trước mắt, 4 thành viên thuộc diện chặt chẽ nhất về chính sách chi tiêu chung là Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển chỉ mới đồng ý về vế tín dụng trong chương trình của bà Ursula von der Leyen. (Theo RFI)