Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở Việt Nam và những yêu cầu đặt ra
Tái cơ cấu ngân hàng là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế - một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đến nay, quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Sự ổn định, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững và cải thiện; Nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng thương mại được đẩy lùi; Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại giảm, giúp các ngân hàng tăng sức cạnh tranh... Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đòi hỏi sự nỗ lực và chung tay của toàn hệ thống chính trị với một lộ trình mạnh mẽ và kiên quyết hơn.
Sự ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng được giữ vững và cải thiện
Cơ cấu lại ngân hàng ở Việt Nam không chỉ là hành động đơn lẻ của một lĩnh vực, mà là một phần trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu đầu tư công. Giai đoạn cuối năm 2011, trước những khó khăn của nền kinh tế, những yếu kém, rủi ro tích lũy nhiều năm trước của hệ thống ngân hàng đã bộc lộ.
Không ít tổ chức tín dụng (TCTD) đã gặp khó khăn về thanh khoản, nợ xấu cao, có nguy cơ đổ vỡ, đe dọa sự an toàn của hệ thống các TCTD. Yêu cầu đặt ra là phải tái cơ cấu nhằm khắc phục những yếu kém nội tại của ngành Ngân hàng, lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của và toàn hệ thống.
Thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 18/10/2011 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng, trình Bộ Chính trị, Chính phủ chấp thuận và Thủ tướng đã ký Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 ban hành Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 (Đề án 254) và Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 ban hành Đề án Xử lý nợ xấu (Đề án 843).
Đến nay, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD được thực hiện theo đúng Đề án đã được phê duyệt. Sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và cải thiện; Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã ngày càng cải thiện được tính thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ. Bên cạnh đó, phải kể đến sự cải thiện đáng kể của hệ thống pháp lý, tạo “đường ray” thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đi nhanh và đúng hướng, đồng thời, mở rộng “cửa” hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 12/2015, hệ thống các TCTD đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% (mức tối thiểu theo quy định là 9%) và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật. Thanh khoản được đảm bảo và cải thiện, nợ xấu của hệ thống được xử lý quyết liệt, nguồn vốn huy động tiếp tục tăng khá. Đây là điều kiện quan trọng giúp hệ thống ngân hàng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế đi đôi với giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tính đến hết tháng 4/2016 đã có 9 TCTD được sáp nhập, hợp nhất vào TCTD khác, 4 TCTD được mua lại, không bao gồm 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 VND nhằm tăng quy mô, năng lực cạnh tranh và cơ cấu lại hoạt động của các TCTD. Diễn biến này đã khẳng định việc khuyến khích sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện là chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam để cơ cấu lại các TCTD và giảm số lượng TCTD, đặc biệt là TCTD nhỏ, yếu kém.
Đồng thời, cũng phản ánh sự thay đổi tích cực về tư duy, nhận thức của chủ sở hữu các TCTD từ chỗ e ngại sang chủ động, tích cực hơn trong việc cơ cấu lại, đổi mới như là một tất yếu khách quan để định hướng chiến lược cho sự tồn tại, phát triển lâu dài, an toàn, hiệu quả, bền vững.
NHNN đã kiểm soát được các TCTD yếu kém theo phương án cơ cấu lại được phê duyệt. Môi trường kinh doanh ngân hàng đã được lành mạnh hoá. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ.
Một kết quả quan trọng đạt được là năng lực tài chính của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cải thiện đáng kể. Đến tháng 12/2015, vốn điều lệ liên tục tăng lên và đạt trên 460.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30%; vốn chủ sở hữu đạt trên 550.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2011. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì sở hữu vốn và tham gia tái cơ cấu các NHTM (hiện có 16 NHTM cổ phần có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, trong đó có 8 ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài).
Với việc áp dụng đầy đủ chuẩn mực mới về phân loại nợ, từ quý I/2015 không còn tồn tại 2 số liệu nợ xấu (số liệu theo báo cáo của TCTD và số liệu theo kết quả giám sát của NHNN), nợ xấu của các TCTD đã được minh bạch hơn. Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng trong giai đoạn 2011-2015. Sở hữu của các NHTM cổ phần đã minh bạch và đại chúng hơn; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đượcxử lý và kiểm soát về cơ bản.
Một số vấn đề về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020
Nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng luôn vận động và phát triển không ngừng, do đó, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD là một quá trình thường xuyên, liên tục. Theo các chuyên gia, để tăng hiệu quả của việc tái cơ cấu, các TCTD cần tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp và nâng cao nghiệp vụ kiểm soát rủi ro theo thông lệ quốc tế, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm và năng lực cạnh tranh... Để thực hiện thành công các mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020, trong thời gian tới, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, bổ sung và xây dựng khuôn khổ pháp luật về cơ cấu lại các TCTD, xử lý các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó đề cao thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các TCTD trong việc xử lý các yếu kém, tồn tại và các vi phạm, rủi ro của TCTD; Sửa đổi đồng loạt các luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mua nợ xấu theo giá thị trường của các ngân hàng, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; Giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các TCTD, góp phần đưa lãi suất cho vay về mức 5%/năm.
Hai là, thực hiện điều tiết thị thường tiền tệ, kiểm soát lạm phát một cách chủ động trên cơ sở sử dụng các công cụ tiền tệ gián tiếp, lấy lãi suất làm công cụ chủ đạo trong điều hành; Thực hiện đổi mới và phát triển hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại, trong đó chú trọng nâng cao hiệu của các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Ba là, xử lý căn bản tình trạng đô la hóa vào năm 2020; hạn chế và tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ đến năm 2020; tự do hóa giao dịch vốn ở mức cao, tăng mức đầu tư gián tiếp đổi với các nhà đầu tư nước ngoài hơn mức hiện tại; thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt với biên độ giao động rộng hơn.
Bốn là, tiếp tục triển khai cổ phần hóa các NHTM cổ phần nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại một số NHTM cổ phần về mức trên 65%; triển khai giám sát đồng bộ và thống nhất toàn bộ khối ngân hàng; Thực hiện thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro là chủ yếu; áp dụng biện pháp phá sản đối với các TCTD yếu kém mà việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống TCTX.
Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đến nay được xử lý được một bước quan trọng. Sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần minh bạch và đại chúng hơn; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát về cơ bản...
Sáu là, điều chỉnh mạnh mẽ cấu trúc hệ thống các TCTD theo hướng giảm dần số lượng, tăng quy mô về vốn tương ứng với năng lực quản trị điều hành và phạm vi hoạt động, đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn hoạt động do NHNN quy định.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2012), Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015;
2. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phải tái cơ cấu, http://www.thesaigontimes.vn/150391/Ngan-hang-Nha-nuoc-cung-se-phai-tai-co-cau.html;
3. Tái cơ cấu ngân hàng: Khởi động giai đoạn 2, http://vef.vn/2016/06/29/tai-co-cau-ngan-hang-khoi-dong-giai-doan-2/.