Tái cơ cấu kinh tế: Đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững
Một trong những mục tiêu quan trọng được Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 là trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Song, muốn hoàn thành mục tiêu này, việc tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng cần được chỉ đạo quyết liệt hơn.
Quy mô nền kinh tế còn nhỏ
Có thể nói, với xuất phát điểm thấp và nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thì việc tập trung tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã trở thành vấn đề mang tính sống còn và chủ động tránh nguy cơ tụt hậu, kém phát triển.
Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu luôn theo đà năm sau cao hơn năm trước và được duy trì ở mức khá cao. Năm 2021, tuy bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhưng tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu xếp thứ 1/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng khá nhanh.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì quy mô nền kinh tế tỉnh nhà còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp và thiếu bền vững. Điểm lại một vài con số cho thấy, Bạc Liêu cần nỗ lực rất nhiều và phải “chạy đua” so với các tỉnh khác thì mới có khả năng đứng vào tốp khá.
Cụ thể, trong thu ngân sách, đến nay Bạc Liêu cũng dừng ở con số khoảng 3.300 tỷ đồng/năm, trong khi đó Cà Mau đã gần 6.000 tỷ đồng, Đồng Tháp trên 8.000 tỷ đồng… Đó là chưa kể đến nhiều lĩnh vực Bạc Liêu nằm ở vị trí thấp nhất như: việc thành lập các khu, cụm công nghiệp, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đầu tư toàn xã hội…
Rõ ràng, quy mô kinh tế của tỉnh vẫn còn rất nhỏ, mô hình tăng trưởng chưa thật sự đổi mới và còn phụ thuộc khá nhiều vào vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đổi mới mô hình tăng trưởng
Để hóa giải các khó khăn, thách thức, BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của nghị quyết này là: Phát triển Bạc Liêu trở thành tỉnh có nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững, mô hình tăng trưởng hiệu quả và giá trị gia tăng cao, cơ cấu kinh tế hợp lý, năng suất lao động cao; nông nghiệp hiện đại, sinh thái, công nghệ cao và quản trị tốt, tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn dắt công nghệ toàn vùng và cả nước về sản xuất tôm công nghệ cao; trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và điểm đến hấp dẫn du lịch của khu vực ĐBSCL; kinh tế biển phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng đời sống của người dân; liên kết hiệu quả với các địa phương trong tiểu vùng Bán đảo Cà Mau và vùng ĐBSCL trong phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Với những thành quả trong tăng trưởng kinh tế thời gian qua, Bạc Liêu đã và đang tạo ra những động lực quan trọng cho nền kinh tế, nhưng cần những giải pháp mang tính căn cơ hơn mới có khả năng hoàn thành các mục tiêu quan trọng trên.
Chẳng hạn, trong xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước, phải giải quyết cho được những nút thắt về hạ tầng, khơi thông tín dụng và cả một cuộc cách mạng trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho các mặt hàng xuất khẩu thì Bạc Liêu mới có khả năng hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2 tỷ USD vào năm 2025. Cũng như cần những “cú hích” mạnh hơn trong phát triển kinh tế biển mà trọng tâm là phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và hướng đến phát triển công nghiệp, dịch vụ làm giàu từ biển…
Bên cạnh đó, cần tập trung dồn lực, ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ gắn với kinh tế số và xem đây là khâu đột phá với chức năng tạo ra những đường băng, bệ phóng cho nền kinh tế bứt phá, tăng trưởng nhanh. Bởi việc ứng dụng khoa học - công nghệ của tỉnh lâu nay phát triển kém và chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập, phát triển kinh tế toàn cầu và giúp cho Bạc Liêu nâng cao năng lực cạnh tranh…