Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần duy trì tăng trưởng bền vững tại Thái Nguyên


Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của nền kinh tế, tuy nhiên tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên năm 2021 đạt 6,56%. Tính chung cả giai đoạn 2016 – 2021, tốc độ tăng GRDP của Thái Nguyên tăng bình quân 9,4%/năm. Kết quả trên có phần đóng góp quan trọng từ những chuyển biến tích cực của năng lực cạch tranh cấp tỉnh (PCI) Thái Nguyên. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, PCI của Thái Nguyên vẫn còn một số tồn tại cần có giải pháp cải thiện nhằm góp phần tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Tăng trưởng kinh tế tnh Thái Nguyên trong đại dịch COVID–19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến mọi mặt của nền kinh tế, tuy nhiên tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2016–2021, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đứng đầu trong vùng về sản xuất công nghiệp. Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Năm 2021, mặc dù chịu tác động từ đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt cả hệ thống chính trị, với quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, DN lớn vào địa phương... Nhiều dự án đã được khởi công, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2021, tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế của địa phương.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần duy trì tăng trưởng bền vững tại Thái Nguyên - Ảnh 1

Trong 25 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021, Thái Nguyên có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu về kinh tế tiếp tục duy trì ở mức cao và nằm trong tốp đầu của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Tỉnh trong năm 2021 đạt 6,56%, cao gấp 2 lần bình quân chung toàn quốc. Trong hoàn cảnh khó khăn, tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người của Tỉnh vẫn đạt 95,1 triệu đồng/người, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020, cao hơn bình quân chung cả nước.

Thái Nguyên cũng nằm trong top 10 địa phương có thu nhập bình quân lao động trong DN cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố, đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng. Nếu tính trong cả giai đoạn 2016-2021, tốc độ tăng GRDP của Tỉnh cũng đạt mức tăng bình quân 9,41 %/năm. Năm 2021, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng và hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm, với giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 844.049 783.619 tỷ đồng, tăng 7,71 % so với năm 2020 và gấp 1,76 lần so với năm 2016, đứng thứ 4 cả nước.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dịch vụ cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn trên 4%. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn, (hiện nay, Thái Nguyên có 3 thành phố). Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; đến nay, toàn Tỉnh có 75,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao… Những con số ấn tượng này đã phần nào thể hiện vai trò điều hành, quản lý kinh tế của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh khó khăn chung khi phải ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Thực trạng cải thiện chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên

Trong những năm qua, với nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng hành của cộng đồng DN, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng được cải thiện, vai trò, vị thế của Tỉnh ngày một nâng cao. Điểm số PCI của Thái Nguyên đều tăng qua các năm; thứ tự xếp hạng PCI những năm gần đây luôn đứng trong top 20 tỉnh cao nhất cả nước.

Năm 2016, chỉ số PCI của Thái Nguyên đạt 61,82 điểm, vươn lên vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2017, 2018, kết quả xếp hạng PCI tuy đi xuống, xếp lần lượt ở vị trí thứ 15 và 18 nhưng điểm tổng hợp tính chung vẫn được cải thiện, tăng điểm so với năm 2016.

Năm 2019, Thái Nguyên tiếp tục có những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao công tác điều hành của các cấp chính quyền, đánh dấu bước phát triển mới trên con đường hội nhập và tiến tới trở thành một tỉnh công nghiệp, khẳng định sự năng động của một tỉnh trung tâm vùng. Thứ tự xếp hạng tiếp tục có những cải thiện đáng kể và được xếp hạng ở vị trí 12 và được xếp vào nhóm điều hành tốt với điểm tổng hợp đạt mức cao, vượt 67 điểm. Tiếp đó, đến năm 2020 chỉ số PCI của Thái Nguyên đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với số điểm tổng hợp đạt 66,56 điểm, dẫn đầu trong nhóm các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần duy trì tăng trưởng bền vững tại Thái Nguyên - Ảnh 2

Cải thiện, nâng cao PCI luôn được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng của Tỉnh, nhằm góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững. Trong 2 năm gần đây, PCI có xu hướng tăng hạng nhưng để duy trì và tiếp tục tăng hạng được Thái Nguyên cần phân tích kỹ các chỉ số thành phần (CSTP), CSTP nào tốt rồi cần tiếp tục phát huy, CSTP nào còn yếu thì Tỉnh cần có những giải pháp đột phá để đạt được các mục tiêu đặt ra.

Xét trong cả giai đoạn, Tỉnh đã cố gắng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đã có được một số CSTP có xu hướng cải thiện theo hướng tích cực như các chỉ số: Chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và thiết chế PL & ANTT. Năm 2020, là năm gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID–19 nhưng Thái Nguyên vẫn có 6/10 CSTP tăng điểm; trong đó, 01 chỉ số đạt trên 8 điểm; 4 chỉ số đạt trên 7 điểm. Các CSTP này những năm gần đây đều tăng điểm cho thấy những nỗ lực trong cải cách hành chính (CCHC) của Tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Cải thiện chỉ số Chi phí thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính của Nhà nước chính là sự nỗ lực lớn trong hoạt động đối thoại DN đã được triển khai tới cấp huyện, ngành. Các mô hình cấp tỉnh như: Trung tâm Dịch vụ hành chính công, Trung tâm Tư vấn trợ giúp pháp lý cho DN, Trung tâm Xúc tiến đầu tư... đang thực sự là công cụ hữu ích và triển khai rất thành công. Công tác CCHC, thực hiện cơ chế một cửa, tăng cường trợ giúp DN, giảm thời gian cấp chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai, nhà đầu tư gặp phải khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đều được tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan khẩn trương phối hợp giải quyết. Các dự án sau khi đi vào hoạt động đã mang lại những kết quả tích cực, tạo niềm tin và hiệu ứng tốt đối với các cá nhân, DN đến tìm hiểu đầu tư vào Tỉnh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần duy trì tăng trưởng bền vững tại Thái Nguyên - Ảnh 3

Bên cạnh đó, Tỉnh còn 3 CSTP có điểm thấp và thấp hơn so với các tỉnh khác trong cả nước là: tiếp cận đất đai, tính minh bạch và dịch vụ hỗ trợ DN. Đa phần điểm các chỉ số này còn thấp và thấp hơn điểm trung vị của cả nước. 2 trong 3 CSTP này có mức trọng số cao nên có ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả PCI của địa phương (tính minh bạch và dịch vụ hỗ trợ lao động đều có trọng số 20%).

Nhận thức rõ được vấn đề này, Thái Nguyên đã có nhiều biện pháp tích cực cải thiện và năm 2020 tuy đã có những chuyển biến tích cực và kết quả đánh giá tháng 4/2021 về CPI năm 2020 các chỉ số này đã bước đầu có những điểm số tăng lên so với năm 2019. Tuy vậy, Thái Nguyên vẫn rất cần có những giải pháp đột phá, tập trung giải quyết các hạn chế này trong thời gian tới.

Đề xuất một số giải pháp

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, duy trì trụ hạng và tiến tới nâng hạng PCI, Thái Nguyên cần tập trung “bắt mạch” từng CSTP của PCI giảm điểm để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong thời gian tới, Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 một cách linh hoạt, hiệu quả để tạo điều kiện cho DN duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh; các ngành, các địa phương cần tích cực, chủ động và trách nhiệm hơn nữa trong triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách; tiếp tục đồng hành cùng các DN, hiệp hội DN, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhà đầu tư đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, gia tăng lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Cụ thể:

Một là, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định.

Chỉ số tiếp cận đất đai được cải thiện sẽ góp phần lớn giúp Thái Nguyên tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho nhà đầu tư. Với mục tiêu tạo điều kiện cho DN tiếp cận đất đai để mở rộng sản xuất kinh doanh và tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đầu mối là Sở Tài nguyên và Môi trường cần: Tiếp tục rà soát, cập nhật các quy định mới của pháp luật đất đai; công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có nhu cầu sử dụng đất lựa chọn vị trí mặt bằng cũng như hoàn thiện hồ sơ về đất đai cho các dự án sản xuất kinh doanh trên cơ sở phù hợp với quy hoạch; Hướng dẫn các nhà đầu tư, DN nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; triển khai đưa đất vào sử dụng sau khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đảm bảo tiến độ sử dụng đất theo dự án đầu tư; tích cực hướng dẫn DN nghiên cứu lập dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, có kế hoạch tiếp cận việc sử dụng đất; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, thông tin về giá đất, công khai, minh bạch giá đất để các nhà đầu tư có cơ sở tiếp cận, nghiên cứu.

Phối hợp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho DN triển khai thực hiện dự án cũng như tạo nhiều quỹ đất sạch có sẵn để nhà đầu tư tiếp cận. Thường xuyên theo dõi, cấp nhật biến động về giá đất trên thị trường, kịp thời đề xuất, xây dựng điều chỉnh giá đất theo quy định. Hạn chế điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo mức độ rủi ro bị thu hồi đất của DN ở mức thấp nhất. Tập trung thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, đơn giản hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết; giải quyết thủ tục hành chính của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai đảm bảo thông suốt, chất lượng, hạn chế thấp nhất tình trạng hồ sơ trả lại và bổ sung các giấy tờ không cần thiết.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần duy trì tăng trưởng bền vững tại Thái Nguyên - Ảnh 4

Hai là, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai.

Với trọng số 20%, chỉ số tính minh bạch được xem là chỉ số thành phần quan trọng của PCI. Để cải thiện chỉ số này, Thái Nguyên cần tiếp tục đẩy mạnh việc công khai các thủ tục hành chính, thông tin về thủ tục đầu tư, quy hoạch, định hướng phát triển phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực trên Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh, cổng thông tin điện tử các sở ngành, địa phương; niêm yết công khai toàn bộ thủ tục hành chính, quy trình, quy định các lĩnh vực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông.

Đồng thời, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chuyên mục hỏi đáp trực tuyến giữa các cơ quan nhà nước với DN nhằm tạo kênh thông tin để DN phản ánh, để đạt ý kiến tới các cơ quan nhà nước. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, khai thác đầy đủ, hiệu quả các phần mềm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; duy trì hiệu quả hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công các huyện, thành phố, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho DN, người dân và giảm thiểu các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chi phí không chính thức, tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn, bình đẳng cho các DN.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để DN nắm được cách thức và lợi ích khi truy cập vào Cổng/ trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước.

Ba là, tạo các dịch vụ hỗ trợ DN phát triển, chất lượng cao.

Chú trọng tạo hành lang thuận lợi để các DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển cả về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ; Tăng cường thông tin, giới thiệu về khối DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ đến cộng đồng DN trong Tỉnh để kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ của các DN; Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình gặp mặt định kỳ giữa lãnh đạo Tỉnh với DN theo hướng giản dị, gần gũi để lắng nghe nhằm kịp thời giải quyết các tồn tại vướng mắc của DN một cách thực chất và có ý nghĩa để tạo niềm tin trong cộng đồng DN.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức định kỳ mô hình Trà/cà phê Doanh nhân nhằm nâng cao tính năng động của các cấp chính quyền trong việc giải quyết nhanh các vấn đề của DN; các Sở, ngành, địa phương tăng cường tổ chức đối thoại với DN theo kế hoạch, nhất là các lĩnh vực mà DN thường có những vướng mắc như: Chính sách về thuế, đất đai và đền bù giải phóng mặt bằng, kết nối ngân hàng và DN...

Phát huy vai trò của các Hội, Hiệp hội DN trên địa bàn Tỉnh trong việc vận động, hỗ trợ các hội viên sử dụng dịch vụ hỗ trợ của nhau; Tổ chức các hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn; hỗ trợ DN tham gia hội chợ, triển lãm trên cả nước, tham gia các hội nghị kết nối cung-cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN tìm kiếm đối tác, thị trường, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công của tỉnh và quốc gia; Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho các DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa, tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; tận dụng triệt để tính ưu việt của công nghệ thông tin và xu hướng chuyển đổi số, đưa các sản phẩm chủ lực của địa phương lên sàn thương mại điện tử góp phần mở rộng kênh phân phối.

Tài liệu tham khảo:

  1. UBND Thái Nguyên (2021), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xãhội năm 2021; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xãhội năm 2022;
  2. UBND Thái Nguyên (2020), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xãhội năm 2020; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xãhội năm 2021;
  3. Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2016, 2017, 2018 ,2019, 2020;
  4. Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2020), Báo cáo tác động của COVID–19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách;
  5. https://pcivietnam.vn/du-lieu-pci; https://thainguyen.gov.vn/van-ban-ve-pci.

(*) Nguyễn Thị Nhung, Trường Đại Kinh tế và Quản trị kinh doanh

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2022