Tái cơ cấu kinh tế dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tái cơ cấu nền kinh tế và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua, song nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm để có được một nền kinh tế khỏe, doanh nghiệp chủ động trong hội nhập.

Tái cơ cấu kinh tế dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội
Tái cơ cấu nền kinh tế và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Nguồn: internet
Đa số các đại biểu khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong tái cấu trúc nền kinh tế. Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để tái cấu trúc, theo hướng chủ động các nguồn lực trong nước, giảm phụ thuộc vào bên ngoài. Theo đó, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, lấy nông nghiệp làm gốc để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, đầu tư khoa học công nghệ nhằm chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp chế biến và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Theo ĐBQH Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), việc đầu tiên là cần chủ động về nguyên liệu, trước khi nghĩ đến thị trường bên ngoài ta cần tính toán khả năng của thị trường trong nước. Những nguyên liệu trong nước chủ động được thì cần có chính sách để làm từng bước.
Đồng quan điểm này, ĐBQH Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, Chính phủ cần phải quyết liệt hơn nữa đối với việc thoái vốn ngoài ngành và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, cần lấy nguồn lực từ thoái vốn ngoài ngành để tính toán cân đối cho đầu tư phát triển. Đặc biệt là vấn đề đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Hiện nay trong số trên 400.000 DNNN, tỷ lệ ứng dụng công nghệ mới rất nhỏ. Vì vậy, để tái cơ cấu DNNN thành công, bên cạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, cần phải quan tâm đầy đủ việc ứng dụng, đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp.

Theo ĐBQH Trịnh Ngọc Thạch (TP. Hà Nội), thời gian qua, tốc độ cổ phần hóa DNNN còn chậm, hiệu quả chưa cao. Và nếu vẫn dùng ngân sách Nhà nước để bao cấp cho DNNN thì không bao giờ tái cấu trúc thành công khối doanh nghiệp này. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa doanh nghiệp để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Việc đánh giá lại và quan tâm hơn nữa đến cơ chế pháp lý, đặc biệt là cơ chế điều phối doanh nghiệp theo hướng tăng cường cổ phần hóa, để tạo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp bình đẳng trong kinh doanh cũng rất cần thiết.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, mặc dù Chính phủ đã cho phép thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới giá vốn nhưng cổ phần hóa vẫn chậm. Vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành cần phải rà soát lại tái cấu trúc toàn bộ các doanh nghiệp thời gian qua, đặc biệt là kết quả thực hiện của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), cổ phần hóa - vấn đề cốt lõi trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cũng như tái cấu trúc nền kinh tế. Thời gian qua, việc tái cấu trúc và cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp thành công có vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các bộ, ngành. Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, hiện nay các văn bản pháp quy đã tương đối đủ. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp lý mới xây dựng ở mức độ chung cho 63 tỉnh, thành và 23 bộ ngành, trong khi mỗi doanh nghiệp đều có đặc thù. Vì vậy cần phải đòi hỏi tinh thần sáng tạo và chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt và chúng ta sẽ bắt buộc phải làm - đây là yếu tố của con người, của từng cá nhân được giao nhiệm vụ ở các tập đoàn, tổng công ty phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ điều chỉnh những bất hợp lý ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế.